Nhồi máu cơ tim không st chênh lên là gì?

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên là một dạng của hội chứng vành cấp, đặc trưng bởi sự tăng men tim trong máu và không có sự chênh lên của đoạn ST trên điện tâm đồ. Nếu nhồi máu cơ tim ST không chênh lên không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nhồi máu cơ tim không st chênh lên là gì trong bài viết dưới đây.

1. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên là gì?

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (Non ST Segment Myocardial Infarction, NSTEMI) còn gọi là nhồi máu cơ tim dưới nội mạc, là một dạng của hội chứng mạch vành cấp. Đây là một tình trạng thiếu máu cơ tim cấp tính do sự tắc nghẽn của một nhánh động mạch vành, dẫn đến hoại tử cơ tim và có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng khó chịu ở ngực, các dấu hiệu tương tự đau thắt ngực, có ST chênh xuống hoặc T(-) trên điện tâm đồ và sự tăng men tim thể hiện tình trạng hoại tử cơ tim.

2. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

Lâm sàng: Khoảng 20% các trường hợp nhồi máu cơ tim là thầm lặng, thoáng qua, người bệnh thường không có triệu chứng gì hoặc các triệu chứng không rõ ràng dẫn đến không nhận ra bệnh, đặc biệt thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường. Đau thắt ngực không ổn định là một trong các biểu hiện của nhồi máu cơ tim không ST chênh lên. Các triệu chứng có thể xảy ra ở nhồi máu cơ tim không ST chênh lên như:

  • Triệu chứng cơ năng: Thường xuất hiện vài ngày đến vài tuần trước khi xảy ra nhồi máu cơ tim.
    • Đau tức, nặng sau xương ức, lan ra ở lưng, cánh tay, hàm, vai,... đau nghiêm trọng với thời gian kéo dài.
    • Khó thở, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
    • Vã mồ hôi, da nhợt nhạt.
    • Sợ hãi, bồn chồn.
    • Nôn, buồn nôn thường gặp ở nhồi máu cơ tim thành dưới.
    • Cơn đau có thể giảm nhẹ khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin.
    • Suy nhược, phù phổi, sốc tim, loạn nhịp tim.
    • Tím trung ương hoặc ngoại biên.
    • Mạch khó bắt, huyết áp tụt.
    • Có thể ngất.
  • Triệu chứng thực thể: Khoảng 15% bệnh nhân có đau thành ngực, nghe tim có tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim.
  • Cận lâm sàng:
    • Có tăng men tim trong máu: Nồng độ Troponin I hoặc Troponin T và CK tăng.
    • Trên điện tâm đồ, không có sự chênh lên của đoạn ST, có sự thay đổi đoạn ST như chênh xuống, đảo ngược sóng T.

3. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm Troponin là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim không ST chênh lên. Ngoài ra, cần thực hiện các xét nghiệm khác như công thức máu, đánh giá chức năng gan thận, điện giải đồ, chức năng tuyến giáp, các chỉ số mỡ máu, sàng lọc bệnh đái tháo đường,...

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Điện tâm đồ: Có thể thấy sóng ST chênh xuống, T âm nhọn trong cơn đau ngực. Điện tâm đồ không phân biệt được nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và cơn đau thắt ngực không ổn định, chẩn đoán phân biệt cần dựa vào xét nghiệm men tim.
  • Siêu âm tim: Có thể thấy giảm hoặc mất vùng vận động cơ tim, rối loạn chức năng tâm thất, ngoài ra có thể thấy các tổn thương van tim, các nguyên nhân gây đau ngực khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành: Được khuyến cáo chỉ định ở bệnh nhân có khả năng mắc bệnh động mạch vành thấp, trung bình, điện tim hay xét nghiệm men tim cho kết quả trong giới hạn bình thường.
  • Chụp động mạch vành qua da: Được khuyến cáo chỉ định ở bệnh nhân có khả năng mắc bệnh động mạch vành cao, rất cao.

Cần chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim không ST chênh lên với nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc động mạch phổi, viêm - tràn dịch màng ngoài tim, đau ngực do: Các bệnh lý về phổi - màng phổi, thần kinh liên sườn, các bệnh thực quản - dạ dày,...

4. Phân tầng nguy cơ

Phân tầng nguy cơ trong hội chứng mạch vành cấp giúp đưa ra quyết định điều trị chính xác và kịp thời.

Các yếu tố phân tầng nguy cơ gồm lâm sàng (dựa vào tuổi, tiền sử bệnh mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chức năng thất trái, triệu chứng đau ngực, có suy tim, tụt huyết áp hay không), điện tâm đồ (thay đổi sóng ST, sóng T), chất chỉ điểm sinh học cơ tim (troponin I hoặc T), thang điểm GRACE (gồm các thông số tuổi cao, phân độ Killip, huyết áp tâm thu, thay đổi sóng ST, ngừng tuần hoàn, mức creatinin, tăng men tim, nhịp tim).

Gồm có 4 nhóm nguy cơ:

  • Nguy cơ rất cao: Cần can thiệp cấp cứu trong vòng 2 giờ kể từ khi được chẩn đoán xác định.
  • Nguy cơ cao: Cần được can thiệp trong vòng 24 giờ.
  • Nguy cơ vừa: Cần có kế hoạch can thiệp trong vòng 72 giờ.
  • Nguy cơ thấp: Có thể cân nhắc điều trị can thiệp hoặc bảo tồn.

5. Điều trị nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

5.1. Điều trị bảo tồn nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

Điều trị bảo tồn bằng thuốc là phương pháp được ưu tiên trong các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhưng có nguy cơ thấp.

Điều trị bảo tồn thường được chỉ định ở những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có nguy cơ cao nhưng không thể dùng các biện pháp can thiệp, có nhiều bệnh phối hợp.
  • Bệnh nhân có kết quả chụp mạch vành bất lợi nhưng bệnh nhân từ chối điều trị can thiệp.
  • Bệnh nhân có nguy cơ thấp nhưng khi chụp mạch vành gắng sức có nguy cơ cao hoặc có cho thấy bằng chứng thiếu máu tái phát.

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần được tiêm các loại thuốc dưới đây, trừ các trường hợp chống chỉ định:

  • Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu thường được sử dụng là aspirin, clopidogrel.
  • Thuốc chống đông máu: Bivalirudin, heparin.
  • Glycoprotein IIb/ IIIa inhibitor: Dùng cho một số bệnh nhân có nguy cơ cao.
  • Nitroglycerin: Có tác dụng giảm đau.
  • Thuốc chẹn Beta: Có tác dụng điều trị đau thắt ngực, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim,...
  • Các thuốc ức chế men chuyển có tác dụng ổn định huyết áp cho bệnh nhân.
  • Statinho.
  • Thuốc tiêu sợi huyết không được chỉ định cho các trường hợp nhồi máu cơ tim không ST chênh lên do rủi ro xảy ra khi dùng thuốc nhiều hơn lợi ích điều trị.

Sau khi ra viện, bệnh nhân cần duy trì dùng thuốc để ngăn ngừa tái phát.

5.2. Điều trị can thiệp trong nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

Một số bệnh nhân nhập viện với hội chứng mạch vành không ST chênh lên với các đặc điểm tăng men tim, mới xuất hiện ST chênh xuống, có triệu chứng của suy tim, hở hai lá mới xuất hiện hoặc nặng lên, nhịp nhanh thất kéo dài, đau ngực, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, có co thắt mạch vành trong vòng 6 tháng qua, tiền sử mổ bắc cầu mạch vành, phân suất tống máu thất trái EF dưới 40%.

Trong tình huống này, bệnh nhân sẽ được chụp mạch vành để xác định tổn thương và quyết định biện pháp điều trị. Thông thường, các bệnh nhân này sẽ được điều trị bằng can để lưu thông mạch vành.

Các chống chỉ định của phương pháp can thiệp mạch vành là:

  • Bệnh nhân nhồi máu cơ tim không ST chênh lên không biến chứng
  • Tình trạng tắc hoàn toàn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim (thường không phổ biến).

Ngoài ra, sau khi xuất viện bệnh nhân cần thay đổi lối sống (ngưng sử dụng thuốc lá, rượu bia, nên tập luyện thể dục, thể thao, tránh căng thẳng trong cuộc sống,...), thực hiện một chế độ ăn lành mạnh và tốt cho tim mạch (nên hạn chế ăn mặn; tránh sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ; nên ăn nhiều trái cây và rau củ,...), dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đều đặn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan