Tìm hiểu tình trạng ngoại tâm thu thất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ngoại tâm thu thất là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, có thể xảy ra trên những người có hoặc không có bệnh tim. Lượng giá và điều trị ngoại tâm thu thất là một vấn đề thách thức và phức tạp. Ý nghĩa và tầm quan trọng của ngoại tâm thu thất phụ thuộc vào bối cảnh lâm sàng và bệnh tim cơ bản.

1. Ngoại tâm thu thất là gì?

Ngoại tâm thu, hay ngoại tâm thu thất được định nghĩa là một tình trạng rối loạn nhịp tim làm cho tim đập không đều.

Trái tim có 4 buồng, hai buồng phía trên (tâm nhĩ) và hai buồng phía dưới (tâm thất). Những tế bào nằm ở tâm nhĩ có vai trò điều khiển nhịp tim bằng cách truyền tín hiệu điện đến tâm thất để báo hiệu cho tâm thất co lại và đẩy máu ra khỏi tim đến toàn cơ thể.

Ngoại tâm thu thất là cơn co bóp thêm bất thường ở tâm thất, xảy ra quá sớm trước khi tâm nhĩ báo tín hiệu co bóp. Những nhịp tim này thường không bơm máu đủ cung cấp cho cơ thể. Tình trạng này gọi là loạn nhịp tim, bệnh làm cho nhịp tim không đều. Bất thường nhịp tim sẽ làm cho nhịp mạch bất thường theo.

2. Nguyên nhân gây ngoại tâm thu thất

Một số nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu thất là:

  • Thay đổi hoặc mất cân bằng điện giải trong cơ thể.
  • Mức adrenaline trong cơ thể gia tăng quá mức do tập thể dục, lo lắng hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa caffein.
  • Tổn thương cơ tim do bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp hoặc nhiễm trùng (viêm cơ tim).
  • Tác động của một số loại thuốc.

Ngoại tâm thu thất thường thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trong khoảng 50 – 70 tuổi và tỷ lệ nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.

Tim
Ngoại tâm thu thất là tình trạng rối loạn nhịp tim làm cho tim đập không đều.

3. Triệu chứng của ngoại tâm thu thất

  • Cảm giác hụt hẫng trong lồng ngực, dường như tim ngừng đập hoặc bỏ qua một nhịp.
  • Tim đập nhanh, hồi hộp, kèm theo đánh trống ngực.
  • Có thể có cảm giác rung hay đập thình thịch trong lồng ngực, và lan đến cổ họng hoặc cổ.
  • Nhịp ngoại tâm thu thất thường được cảm nhận rõ ràng nhất là khi nghỉ ngơi, bởi lúc đó không còn yếu tố nào khác ảnh hưởng tới nhịp tim.
Nằm nghỉ ngơi
Nhịp ngoại tâm thu thất thường được cảm nhận rõ ràng nhất là khi nghỉ ngơi

4. Ngoại tâm thu thất có nguy hiểm hay không?

  • Ngoại tâm thu thất nhẹ:

Đó là những ngoại tâm thu ít, thưa, nhất là ngoại tâm thu nhĩ ở những người trẻ tuổi, không có bệnh tim gì khác kèm theo. Những trường hợp này chỉ cần thay đổi lối sống theo hướng tích cực, bỏ các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu, sống điều độ, giữ tinh thần thoải mái...

  • Ngoại tâm thu thất nặng:

Ngoại tâm thu thất xuất hiện dày như ngoại tâm thu thất nhịp đôi (một nhịp bình thường đi kèm với một nhịp ngoại tâm thu) ngoại tâm thu thất nhịp ba (2 nhịp bình thường đi kèm một nhịp ngoại tâm thu), hay nặng hơn là ngoại tâm thu thất dày, chùm, đa ổ... khiến người bệnh thường mệt mỏi, trống ngực, khó thở... Khi đó dù không thấy bệnh tim có tổn thương thực thể, người bệnh vẫn phải dùng một trong những thuốc chống loạn nhịp. Đây là thuốc rất khó sử dụng, gây nhiều tác dụng phụ nên tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

  • Ngoại tâm thu thất xuất hiện trên nền bệnh khác:

Phần nhiều là những bệnh tim nặng như nhồi máu cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, suy tim, bệnh van tim, hoặc trên nền bệnh ngoài tim như thiếu máu, cường giáp, thiếu kali máu... Khi đó, phải dùng nhiều thuốc khác hỗ trợ điều trị các bệnh đó mới là chính, còn điều trị ngoại tâm thu thất chỉ là một phần trong hỗ trợ điều trị những bệnh này.

5. Điều trị ngoại tâm thu thất

Những người khỏe mạnh có ngoại tâm thu thất nhẹ không nguy hiểm thì có thể sử dụng thuốc chống loạn nhịp và điện giải.

Những người mắc bệnh tim mạch có ngoại tâm thu thất, việc điều trị sớm sẽ giúp tránh được nguy cơ đột tử:

  • Điều trị nguyên nhân nếu được phát hiện sớm.
  • Trường hợp dùng thuốc thì ngoại tâm thu thất giảm hoặc hết, nhưng ngừng thuốc lại tái phát trở lại, phải dùng thuốc kéo dài hay dùng thuốc với liều cao thì có thể bị tác dụng phụ, do đó cần cân nhắc can thiệp đốt điện tim.
  • Nếu ngoại tâm thu thất dày, xuất hiện thành chùm ba, chùm bốn hay có các cơn nhịp nhanh nguy hiểm thì ngoài việc dùng thuốc còn cần phải can thiệp tích cực bằng phương pháp đốt điểm gây loạn nhịp qua dây thông điện cực.
  • Xoa xoang cảnh có thể làm tăng hay giảm biểu hiện ngoại tâm thu.
  • Hầu hết người bệnh không cần điều trị đặc hiệu trừ khi là ngoại tâm thu thất nguy hiểm đe doạ tính mạng hoặc có triệu chứng nặng.

Các thuốc chống rối loạn nhịp tim có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khả năng gây loạn nhịp và giảm chức năng thất. Do đó cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và chỉ định thuốc phù hợp.

Trong những trường hợp ngoại tâm thu thất nặng hoặc không đáp ứng điều trị bằng thuốc, bạn có thể được đốt điện tim. Đây là phương pháp dùng sóng năng lượng cao để đốt những khu vực trong tim gây rối loạn tín hiệu điện tim, là một phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn nhịp timngoại tâm thu thất.

Ths.BS. Nguyễn Tung Hoành có kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim mạch: Tăng huyết áp, các Bệnh lý mạch máu ngoại biên, các bệnh động mạch vành cấp và mạn tính,..ngoài ra bác sĩ còn điều trị các bệnh lý đi kèm như: Đái tháo đường, Cường giáp, Suy giáp, Các bệnh lý về thận, bệnh lý hô hấp,.. Hiện tại bác sĩ Hoành đang là bác sĩ Tim mạch can thiệp tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan