Tìm hiểu về bệnh suy tim ứ huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Suy tim ứ huyết là tình trạng quả tim co bóp không hiệu quả dẫn đến việc tống máu nuôi các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm, gây nên hiện tượng ứ máu ở hệ tĩnh mạch ngoại biên.

1. Vài nét về bệnh suy tim ứ huyết

Suy tim là bệnh lý gây ra do chức năng co bóp của cơ tim suy giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp máu của cơ thể, đồng thời gây ứ trệ máu dịch tại các mạch máu, cơ quan (hay còn gọi là ứ huyết). Trong đa số trường hợp, suy tim không phải là một bệnh lý nguyên phát (xảy ra do tim) mà là hậu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

2. Nguyên nhân gây suy tim ứ huyết

Suy tim ứ huyết có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân thứ phát gây ra:

  • Suy tim ứ huyết sau nhồi máu cơ tim: Khi mạch máu nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn do nguyên nhân nào đó sẽ dẫn đến việc cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim bị cắt đứt. Từ đó, một số vùng của cơ tim bị hoại tử chết đi, tạo thành sẹo, dẫn đến giảm khả năng co bóp của cơ tim.
  • Suy tim ứ huyết sau tăng huyết áp: Huyết áp cao lâu ngày nhưng không được kiểm soát tốt sẽ tạo nên một sức cản lớn trong lòng mạch. Khi đó, tim phải co bóp nhiều hơn, co bóp mạnh hơn để thắng được sức cản này. Nếu tim phải làm việc quá sức trong một thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh lý suy tim.
  • Bệnh lý van tim bao gồm cả hở và hẹp van tim (đặc biệt là van 2 lá): Nếu không được điều trị về lâu dài đều làm tim hoạt động quá khả năng, gây suy tim.
  • Các bệnh tim bẩm sinh như: Thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallot...
  • Viêm cơ tim.
  • Rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài gây suy tim.
  • Bệnh cơ tim do rượu: Uống quá nhiều rượu làm sức co bóp cơ tim bị yếu đi.

Khoảng 40% suy tim ứ huyết không thể tìm được một nguyên nhân cụ thể nào gây suy tim.

3. Triệu chứng của suy tim ứ huyết

Khó thở
Khó thở là triệu chứng sớm nhất cũng hay gặp nhất ở bệnh nhân suy tim ứ huyết

Khó thở

Đây là triệu chứng sớm nhất, hay gặp nhất. Bệnh nhân có cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, ngộp thở, xuất hiện khi gắng sức như leo cầu thang, chạy bộ hoặc vận động mạnh. Nếu suy tim nặng thì xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân nằm nghỉ, không làm việc gì. Tính chất khó thở thường xuất hiện về đêm, khi bệnh nhân nằm đầu thấp, ngồi dậy thì dễ thở hơn.

Tuy nhiên, khó thở không phải là chỉ là triệu chứng của suy tim, mà còn là dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Bởi vậy, rất khó phân biệt được chính xác nguyên nhân khó thở là do suy tim hay do bệnh lý ở phổi hoặc nguyên nhân khác.

Phù

Giai đoạn đầu, phù thường kín đáo ở mắt cá hoặc mu chân, với đặc điểm là phù mềm, trắng, ấn ngón tay vào sẽ lõm và không có cảm giác đau. Phù thường nhẹ vào buổi sáng và rõ hơn về cuối ngày. Khi suy tim tiến triển nặng hơn thì phù tăng dần, dễ nhận biết và đôi khi phù toàn thân.

Phù trong suy tim là hậu quả của việc giảm sức co bóp cơ tim, gây ứ trệ dịch nước trong cơ thể sau đó thoát ra các mô ngoại biên. Ngoài ra, do giảm tưới máu đến thận cũng là nguyên nhân gây nên phù do tăng giữ muối và nước trong cơ thể.

Tĩnh mạch cổ nổi

Đây cũng là một dấu hiệu của việc ứ trệ tuần hoàn trong cơ thể, khi quả tim co bóp không đủ thì lượng máu tĩnh mạch đổ về tim cũng bị ứ trệ, hậu quả là máu được giữ lại trong hệ tĩnh mạch và biểu hiện ra ngoài là tĩnh mạch cổ nổi rõ dưới da, đặc biệt khi bệnh nhân nằm.

Các dấu hiệu khác

  • Gan to.
  • Ho nhiều về đêm, ho khan và hay đi kèm với tình trạng khó thở.
  • Hay mệt mỏi, nhất là khi làm việc nặng, gắng sức.
  • Mất ngủ, ngủ khó, ngủ không đủ giấc do ho và khó thở về đêm.

4. Các xét nghiệm chẩn đoán suy tim

  • Siêu âm tim: Đây là cận lâm sàng quan trọng nhất giúp chẩn đoán suy tim, giúp đánh giá khả năng tống máu của cơ tim bằng chỉ số EF (phân suất tống máu). Bên cạnh đó, siêu âm còn giúp đánh giá tình trạng của van tim (hẹp hở van tim), sự giãn nở của buồng tim cũng như phát hiện các bất thường của bệnh tim bẩm sinh (các shunt tim)...
  • X-quang tim phổi: Phát hiện được tim to, sự gia tăng các mạch máu trong phổi do ứ huyết tại phổi cũng như tìm các dấu hiệu nhiễm trùng phổi gây khởi phát đợt suy tim cấp của bệnh nhân suy tim mạn.
  • Điện tâm đồ: Ít có giá trị chẩn đoán suy tim, chủ yếu đánh giá các rối loạn nhịp do suy tim gây ra.
điện tâm đồ
Điện tâm đồ chủ yếu được dùng để đánh giá các rối loạn nhịp tim do suy tim gây ra

5. Phân độ suy tim

Theo NYHA, suy tim được phân thành 4 độ

  • Độ I: Không hạn chế vận động, các vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở.
  • Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, hoạt động thể lực gắng sức sẽ gây mệt, khó thở.
  • Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ cũng gây mệt, khó thở nhiều.
  • Độ IV: Hạn chế hoàn toàn vận động. Bệnh nhân mệt, khó thở ngay cả khi nghỉ, gia tăng nhiều hơn khi hoạt động thể lực rất nhẹ.

6. Điều trị suy tim ứ huyết

Nguyên tắc điều trị

Điều trị yếu tố thúc đẩy

  • Nếu có nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu thì sử dụng kháng sinh, hạ sốt nếu có sốt.
  • Nếu bị tăng huyết áp: Việc kiểm soát huyết áp tốt thì triệu chứng suy tim cũng sẽ giảm theo.
  • Nếu nhịp tim nhanh thì dùng thuốc kiểm soát nhịp tim.
  • Thiếu máu: Bù máu, dịch đầy đủ.

Kiểm soát tiến triển của suy tim

Bao gồm 3 nhóm thuốc chính là thuốc tăng co bóp cơ tim, lợi tiểu và thuốc giãn mạch.

  • Thuốc tăng co bóp cơ tim như digoxin, dopamin, dobutamin thường dùng ở các trường hợp suy tim nặng hoặc sốc tim.
  • Lợi tiểu bao gồm lợi tiểu quai (Furosemide) và lợi tiểu kháng Aldosteron (Spironolacton) giúp thải bớt dịch, giảm triệu chứng ứ huyết do suy tim gây ra.
  • Giãn mạch: Thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể Aldosterone được ưu tiên sử dụng vì vừa giúp giãn mạch, hạn chế tái hấp thu muối nước tại thận và bảo vệ chống tái cấu trúc cơ tim hiệu quả.

Điều trị nguyên nhân gây suy tim (nếu có thể)

  • Bệnh lý van tim hoặc tim bẩm sinh: Phẫu thuật tạm thời hoặc triệt để ở những đối tượng trẻ, tiên lượng sống còn nhiều.
  • Tăng huyết áp: Kiểm soát tốt huyết áp, vừa giúp hạn chế đợt suy tim cấp, vừa điều trị nguyên nhân chính gây suy tim.

Điều trị hỗ trợ khác

  • Nằm đầu cao nếu khó thở.
  • Thở oxy nếu suy hô hấp nhiều.
  • Dinh dưỡng đầy đủ, bù đủ lượng dịch, đảm bảo năng lượng cho bệnh nhân hoạt động.

7. Chế độ sinh hoạt đối với bệnh nhân suy tim

Muối
Bệnh nhân suy tim nên hạn chế muối trong khẩu phần ăn
  • Chế độ ăn hạn chế muối vì ăn nhiều muối sẽ gây giữ nước và phù. Lượng muối trung bình một ngày không nên quá 2gr.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu quá cân. Theo dõi cân hàng ngày, tăng cân là dấu hiệu sớm cho biết tình trạng ứ nước trong cơ thể, suy tim nặng lên.
  • Không uống rượu, không hút thuốc lá.
  • Hoạt động thể lực phù hợp, dành thời gian để nghỉ ngơi, nhất là khi mệt.
  • Tuân thủ điều trị, uống thuốc đều theo đơn. Không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Đi khám ngay nếu có các biểu hiện bất thường hoặc khi các dấu hiệu suy tim nặng lên.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan