Tìm hiểu về hội chứng hậu huyết khối

Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch có triệu chứng của suy tĩnh mạch mãn tính phát triển sau huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là một biến chứng phổ biến, nặng nề và tốn kém, do đòi hỏi việc chăm sóc và điều trị kéo dài. Sự kết hợp của trào ngược dòng máu do thiểu năng van tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch do tắc nghẽn huyết khối là cơ sở sinh lý bệnh của hội chứng hậu huyết khối.

1. Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch là các mạch máu đưa máu nghèo oxy và các chất thải trở lại tim trong khi động mạch là những mạch máu mang máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến cơ thể.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng có sự hiện diện của một cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, cục máu đông thường xuất hiện bên trong một trong những tĩnh mạch sâu của đùi hoặc cẳng chân.

Các tĩnh mạch ở chân có các van nhỏ giúp giữ cho máu di chuyển ngược về tim. Tình trạng xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra là khi một hoặc nhiều van này bị tổn thương hay mất chức năng, làm cho máu tích tụ ngược dòng và hình thành huyết khối.

Theo đó, hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch là tình trạng có thể xảy ra với những người đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Tình trạng này có thể gây đau mãn tính, sưng tấy, viêm tĩnh mạch và các triệu chứng khác ở chân phát triển trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị huyết khối tĩnh mạch.

2. Nguyên nhân nào gây ra hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch?

Vì hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch là hệ quả của tình trạng xuất hiện huyết khối tĩnh mạch, các điều kiện sau đây có thể làm tăng khả năng mắc phải huyết khối tĩnh mạch nên dẫn tới hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch, chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật gần đây làm giảm khả năng vận động và làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, có thể dẫn đến đông máu
  • Các tình trạng bệnh lý hạn chế khả năng vận động, chẳng hạn như chấn thương hoặc đột quỵ
  • Thời gian di chuyển bằng các phương tiện như máy bay, tàu xe dài làm hạn chế khả năng di chuyển
  • Tổn thương tĩnh mạch sâu
  • Rối loạn máu di truyền làm tăng đông máu
  • Thai kỳ
  • Điều trị ung thư.

Tuy nhiên, khi có kèm theo một số yếu tố nguy cơ sau đây, một người sẽ tăng khả năng mắc phải hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch:

  • Quá cân
  • Có huyết khối tĩnh mạch gây ra các triệu chứng
  • Lấy huyết khối trên đầu gối thay vì ở dưới
  • Có nhiều hơn một huyết khối tĩnh mạch
  • Tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân
  • Không dùng các loại thuốc chống đông sau khi phát hiện huyết khối tĩnh mạch.
Bệnh u máu giãn tĩnh mạch
Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch có triệu chứng của suy tĩnh mạch mãn tính

3. Các triệu chứng của hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch như thế nào?

Trong một số trường hợp, hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch chỉ gây ra một số triệu chứng nhẹ. Trong khi các trường hợp khác, tình trạng này lại có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến của hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch thường xảy ra ở cùng chân đã từng bị huyết khối, bao gồm:

  • Cảm giác nặng nề ở chân
  • Ngứa, ngứa ran hoặc chuột rút ở chân
  • Đau chân nặng hơn khi đứng, cải thiện sau khi nghỉ ngơi hoặc nâng cao chân
  • Giãn rộng các tĩnh mạch chân
  • Sưng chân
  • Sạm da hoặc mẩn đỏ vùng da quanh chân của bạn.

4. Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ nhận biết hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch bằng cách dựa trên tiền sử bệnh, khai thác các triệu chứng, bao gồm cả việc đã từng bị huyết khối tĩnh mạch và các yếu tố nguy cơ hiện tại.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần chỉ định một số xét nghiệm, chẳng hạn như:

  • Siêu âm Doppler mạch máu, tìm các vấn đề với van tĩnh mạch sâu ở chân.
  • Xét nghiệm máu, đánh giá chức năng đông máu.

5. Làm cách nào để điều trị hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch?

Đè nén là phương pháp điều trị chính cho hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch. Điều kiện này sẽ giúp tăng lưu lượng máu trong tĩnh mạch và giảm các triệu chứng tại chi.

Cụ thể là người bệnh sẽ được đo đạc để lựa chọn loại tất nén phù hợp, được mang thường xuyên vào ban ngày, nhất là khi đi lại nhiều trên chân từng có huyết khối tĩnh mạch. Nếu người bệnh bị bất động tại giường thì có thể sử dụng thay thế bằng thiết bị nén khí ngắt quãng, tạo áp lực lên các tĩnh mạch ở chân theo chu kỳ bơm xả.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc da trên chân bị hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch đúng cách cũng rất cần thiết. Bác sĩ sẽ hướng dẫn nên sử dụng các loại sản phẩm để bôi trơn da, dưỡng ẩm da và cả phòng chống loét da.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần dùng kem hoặc thuốc mỡ có thành phần steroid để điều trị kháng viêm trên da. Tuy nhiên, nếu các vết loét da ở chân đã hình thành và có các dấu hiệu nhiễm trùng như chảy mủ, chúng có thể cần phải được điều trị đặc biệt.

Một số trường hợp mắc phải hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch mức độ nặng có thể cần phải xem xét chỉ định phẫu thuật. Can thiệp này cần thực hiện để loại bỏ tắc nghẽn trong tĩnh mạch chính cũng như để sửa chữa các van trong tĩnh mạch chân.

Điều trị biến chứng hậu huyết khối bằng vớ y khoa
Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch được điều trị bằng vớ y khoa

6. Cách sống chung với hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch như thế nào?

Các triệu chứng của hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch thường cải thiện khi điều trị nhưng các triệu chứng đôi khi có thể không biến mất hoàn toàn. Tuy vậy, chúng có thể cải thiện được phần nào khi người bệnh biết cách thích nghi với những hoạt động sau đây:

  • Đi bộ mỗi ngày để tăng sức mạnh cơ bắp chân và sức khỏe tổng quát
  • Thực hiện các bài tập gập mắt cá chân hàng ngày để tăng cường cơ bắp chân
  • Tập nâng cao chân vài lần một ngày hay bất cứ khi nào nghỉ ngơi
  • Chú ý chăm sóc cẩn thận vùng da khô, ngứa và bất kỳ thay đổi nào trên da. Hỏi bác sĩ những loại kem dưỡng ẩm da phù hợp để sử dụng.

7. Các biến chứng có thể mắc phải của hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch

Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch có thể gây ra các vết loét ở chân. Vì vậy, người bệnh cần được chăm sóc vết thương hằng ngày. Aspirin và một loại thuốc gọi là pentoxifylline có thể giúp hỗ trợ chữa lành vết loét. Nếu vết loét bị nhiễm trùng, thuốc kháng sinh là có chỉ định sử dụng.

Trong trường hợp các vết loét nghiêm trọng không thuyên giảm khi dùng thuốc và liệu pháp chăm sóc, vết thương có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các mô bị tổn thương.

Tóm lại, hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch là tình trạng có thể xảy ra với những người đã từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân. Tình trạng này gây ra đau mãn tính, sưng tấy, loét da và các triệu chứng khác ở chân. Liệu pháp đè nén là phương pháp điều trị chính cho hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch. Ngoài ra, người bệnh cần phối hợp các biện pháp tập luyện chi dưới để tăng cường sức mạnh của chân, cải thiện các triệu chứng cũng như giảm thiểu nguy cơ tái phát huyết khối tĩnh mạch trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan