Mất ngủ, trằn trọc cả đêm phải khắc phục thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Năm nay, em 26 tuổi, hay bị mất ngủ vì triệu chứng “sâu tai” - tự lặp đi lặp lại 1 giai điệu bài hát trong đầu không dứt được, ban ngày thì không bị nhưng cứ khi đi ngủ, nhắm mắt là đầu lại tự “bật” bài hát đó lên và khiến em trằn trọc, khó chịu, mệt mỏi, rất ảnh hưởng đến công việc. Vậy bác sĩ cho em hỏi mất ngủ, trằn trọc cả đêm phải khắc phục thế nào? Có phải em bị rối loạn thần kinh không? Em cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mất ngủ, trằn trọc cả đêm phải khắc phục thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Bệnh mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nếu chỉ bị mất ngủ thoáng qua thì có thể là do một số nguyên nhân sau:

  • Căng thẳng, stress.
  • Bị rối loạn giờ thức và ngủ trong ngày vì thay đổi lịch làm việc hoặc do chênh lệch múi giờ.
  • Sử dụng các chất gây nghiện và kích thích như: Cà phê, trà, thuốc lá, rượu,...
  • Ăn quá no trước giờ đi ngủ, gây nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi.
  • Các yếu tố về môi trường ngủ xung quanh như: có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm,...

Nguyên tắc điều trị bệnh mất ngủ như sau:

  • Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ: Cần tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ là gì, ví dụ như uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều thức ăn cay nóng, ăn quá no vào buổi tối trước khi đi ngủ, thay đổi múi giờ quá lớn, căng thẳng trong công việc... Sau khi tìm được nguyên nhân, người bệnh có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc.
  • Chuẩn bị giấc ngủ: Tạo tâm trạng thư thái, thoải mái trước khi ngủ, giường ngủ cần đặt nơi thoáng mát, chăn, mền, trải giường sạch sẽ v.v...
  • Điều trị bằng thuốc: Một số loại thuốc có thể sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ như các loại thuộc nhóm benzodiazepin. Tuy nhiên, khi sử dụng phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc khác không thuộc nhóm benzodiazepin đa phần là thuốc mới, người bệnh có thể tự mua mà không cần kê toa (Melatonin, Ramelteon). Một số thuốc chống trầm cảm và chống lo âu cũng được sử dụng cho những bệnh nhân bị mất ngủ có biểu hiện của bệnh trầm cảm. Một số loại thuốc chống loạn thần cũng có hiệu quả tốt tuy nhiên ít được khuyến khích sử dụng để điều trị bệnh mất ngủ. Ngoài ra, các loại dược thảo đông y cũng có tác dụng cải thiện giấc ngủ như tim sen, lá vông,...
  • Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý: Hãy để giấc ngủ đến một cách nhẹ nhàng. Tạm thời gác lại các suy nghĩ, lo lắng và công việc trước giờ đi ngủ. Nếu không ngủ được sau khoảng 10 - 15 phút thì có thể tập một vài động tác nhẹ nhàng, thư giãn, tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ,... sẽ giúp hạn chế triệu chứng của bệnh mất ngủ.
  • Rối loạn thần kinh (tên tiếng Anh là Neurological disorders) là bất kỳ rối loạn của hệ thống thần kinh. Bất thường về cấu trúc, sinh hóa hoặc điện trong não, tủy sống hoặc các dây thần kinh có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng thần kinh trung ương hay ngoại biên hoặc cả 2. Ví dụ: tê liệt, yếu cơ, phối hợp giảm hay mất cảm giác, đau, co giật, lú lẫn,... tùy thuộc mức độ thay đổi ý thức. Có thể có kèm hoang tưởng hay ảo giác. Đòi hỏi các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh hoặc Tâm thần phát hiện và phân biệt nguyên nhân từ đâu.

Nguyên nhân của những rối loạn thần kinh này:

  • Nhiễm trùng thần kinh: do nhiều loại vi khuẩn (như Mycobacterial tuberculosis, Neisseria meningitides),....
  • Các bệnh mạch máu não bao gồm phình mạch não, dị dạng mạch não, gây ra đột quỵ.
  • Choáng chỗ: khối u não,... gây ra liệt vận động, liệt các dây thần kinh sọ não,...
  • Do thoái hóa: đa xơ cứng (MS), bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và các chứng mất trí khác,...
  • Chấn thương đầu gây tụ máu não,...
  • Rối loạn thần kinh do suy dinh dưỡng,...
  • Các bệnh lý tâm thần: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn phân ly,...

Bạn nên đến khám chuyên khoa Thần kinh để được kiểm tra và tư vấn điều trị.

Nếu bạn còn thắc mắc về mất ngủ, trằn trọc cả đêm, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

90 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan