Ảnh hưởng của viêm gan B trên bà mẹ mang thai

Viêm gan B (HBV) là một bệnh nhiễm trùng do virus tấn công gan gây ra viêm gan cấp và mạn tính, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Ước tính trên thế giới có khoảng 240 triệu người đang bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính, hơn 686.000 người chết mỗi năm do biến chứng của bệnh. Đặc biệt, nếu bà bầu bị viêm gan B sẽ có những ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

1. Mẹ bị viêm gan B có ảnh hưởng đến thai nhi không?

1.1. Bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ

Trường hợp bà bầu mang thai cũng nằm trong con đường lây truyền của virus viêm gan B nên thai nhi có nguy cơ bị nhiễm bệnh từ người mẹ. Khoảng 90% phụ nữ mang thai nhiễm virus viêm gan B cấp tính và 10% đến 20% phụ nữ mắc viêm gan B mạn tính sẽ lây truyền virus sang con.

Tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm còn tùy vào từng trường hợp:

  • Nếu mẹ bầu bị viêm gan B trong quá trình mang thai thì tỷ lệ lây truyền sẽ phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh:
    • Nếu mẹ bị nhiễm virus trong giai đoạn 3 tháng đầu thì tỷ lệ mẹ truyền cho con khoảng 1%;
    • Nếu mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì nguy cơ thai nhi bị bệnh là 10%;
    • Nếu mẹ bị nhiễm ở 3 tháng cuối thì khả năng đứa bé sinh ra bị viêm gan B lên tới 60 – 70%;
  • Nếu người mẹ bị viêm gan B mà không hề hay biết nên không có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong và sau khi sinh, thì trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao lên đến khoảng 90%. Trong số này sẽ có khoảng 50% trẻ bị viêm gan mạn tính và có thể phát triển thành suy gan, xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành;
  • Khi mẹ bầu bị viêm gan B từ trước nhưng đã điều trị bệnh ở mức độ ổn định, virus dưới ngưỡng hoạt động thì thai nhi hầu như không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ;
  • Trong trường hợp mẹ bầu bị viêm gan B từ trước khi mang thai mà chưa điều trị hoặc chữa không dứt điểm khiến tình trạng bệnh trở nặng vào cuối thai kỳ (virus HBV hoạt động mạnh) thì thai nhi cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh từ mẹ.

1.2. Ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi

Virus viêm gan B sống hầu hết trong máu và dịch sinh dục của mẹ bầu và không truyền qua được nhau thai. Vì vậy, nó không gây ảnh hưởng nhiều cho quá trình phát triển của thai nhi như những loại virus khác như rubella, cúm,... Bà mẹ mang virus viêm gan B thì thai nhi vẫn tăng trưởng bình thường, không bị dị tật thai nhi.

Chỉ khi người mẹ bị viêm gan B nặng ở 3 tháng cuối thai kỳ thì sẽ có nguy cơ sinh non. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất của người mẹ nếu bị bệnh này chính là biết cách phòng tránh tối đa khả năng lây nhiễm cho thai nhi.

Ảnh hưởng của viêm gan B trên bà mẹ mang thai
Bà mẹ mang virus viêm gan B thì thai nhi vẫn tăng trưởng bình thường, không bị dị tật thai nhi

Nhiễm virus viêm gan B có thể rất nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ cao (lên đến 90%) trở thành người mang mầm bệnh. Trẻ cũng có thể truyền virus cho người khác. Khi trưởng thành, khoảng 25% trường hợp sẽ có nguy cơ chết vì xơ gan hoặc ung thư gan. Bên cạnh đó, nhiễm HBV cấp tính xảy ra sớm trong thai kỳ có liên quan đến tỉ lệ lây truyền chu sinh 10%. Tỷ lệ lây truyền tăng đáng kể nếu nhiễm trùng cấp tính xảy ra vào lúc hoặc gần lúc sinh, với tỉ lệ được báo cáo lên tới 60%.

Bà mẹ mang thai khi đang điều trị kháng virus cần thông báo ngay cho bác sĩ để thảo luận về nguy cơ và lợi ích của việc tiếp tục điều trị. Tiếp tục điều trị có thể có nguy cơ cho thai nhi, trong khi ngừng điều trị có thể gây ra nguy cơ viêm gan bùng phát cho bà mẹ. Có thể xem xét ngừng điều trị cho người phụ nữ không có xơ gan.

2. Ảnh hưởng của viêm gan B đến bà bầu

Bà mẹ mang thai có thể nhiễm siêu vi B trước hoặc trong khi mang thai, nhưng phần lớn là nhiễm từ trước khi mang thai.

Siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như bào thai, thai vẫn phát triển tốt và không có nguy cơ dị dạng. Quan trọng là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi, nếu trẻ không được bảo vệ ngay sau khi sinh thì 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành. Tỷ lệ bị viêm gan cấp ngay sau sinh là 5-7% mà không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

Với những bà mẹ mang thai mắc viêm gan B, viêm gan C nếu được phát hiện sớm sẽ được cảnh báo thận trọng khi có thai và hẹn khám định kỳ chức năng gan, xử lý sớm sẽ tốt hơn.

3. Những lưu ý dành cho bà bầu viêm gan B

Dù là bị nhiễm trước hay trong thời gian mang thai, mẹ cũng cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa với đầy đủ thông tin như: bị bệnh từ bao giờ, đã được điều trị chưa, quá trình điều trị như thế nào, thời gian uống thuốc,... để bác sĩ theo dõi tình hình bệnh của mẹ, đồng thời đưa ra những biện pháp xử trí kịp thời và thích hợp.

Trong thời gian mang bầu, mẹ cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì viêm gan B sẽ khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi nên cần nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc và lao động căng thẳng hay áp lực.

Với những trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, trong vòng một vài giờ sau sinh, bé sẽ được tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên và một mũi globulin miễn dịch viêm gan B (HBIg). Hai liều tiếp theo của vắc-xin viêm gan B sẽ được tiêm cho bé trong vòng 6 tháng kế tiếp. Sau khi hoàn thành loạt chủng ngừa nói trên, bé sẽ được xét nghiệm để kiểm tra vi-rút viêm gan B.

Để có 1 thai kỳ khỏe mạnh và sinh con an toàn, người mẹ trước khi mang thai cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cũng như khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo cơ thể đã sẵn sàng bước vào hành trình thai kỳ 9 tháng 10 ngày. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho quý khách hàng chương trình tiêm chủng trọn gói từ trẻ em đến người lớn với đầy đủ quyền lợi và dịch vụ kèm theo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

103.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan