Bệnh thận IgA có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

So với các bệnh thận khác như viêm cầu thận, sỏi thận, suy thận thì bệnh thận IgA (IgA nephropathy) là bệnh lý tương đối hiếm gặp. Các biểu hiện của bệnh thường rất nghèo nàn nên nhiều người bệnh dễ bỏ qua. Trong khi đó, nếu không được phát hiện và điều trị tốt, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh thận IgA là gì?

Bệnh thận IgA (hay còn gọi là bệnh Berger) là tình trạng cầu thận (đơn vị lọc của thận) bị viêm do cơ chế miễn dịch, dần dần gây bệnh thận mạn tính, suy thận trong 1 số trường hợp. Bệnh thận IgA là một trong những bệnh viêm cầu thận nguyên phát phổ biến nhất trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh thay đổi tùy nơi trên thế giới. Thông thường, bệnh này chiếm 30 - 35% trong tất cả các loại viêm cầu thận nguyên phát trên bệnh nhân Châu Á, nhưng cũng có thể lên đến 45%, nam và nữ tương đương. Ngoài ra nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và người trẻ dễ mắc bệnh hơn, theo 1 báo cáo ở Mỹ gần đây, bệnh cũng có tính chất gia đình và các nhà nghiên cứu tin rằng yếu tố gen đóng vai trò trong việc gây bệnh.

Bệnh được chẩn đoán xác định dựa trên kết quả giải phẫu bệnh lý mô thận có nhuộm miễn dịch huỳnh quang, có sự lắng đọng của IgA ở cầu thận mức độ vừa trở lên.

2. Nguyên nhân gây bệnh thận IgA

Nguyên nhân của bệnh thận IgA vẫn chưa được hiểu rõ. Đây không hẳn chỉ là bệnh ở thận, mà có thể ảnh hưởng đến cơ quan khác. IgA được hệ miễn dịch của cơ thể sinh ra đáp ứng với tình trạng nhiễm khuẩn, virus..., vì lý do nào đó (có thể yếu tố gen) IgA được tạo ra bị khiếm khuyết, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện là vật lạ, sinh ra phản ứng kháng nguyên kháng thể, phức hợp kháng nguyên kháng thể này đi theo dòng máu, mắc lại tại cầu thận, gây ra hiện tượng viêm cầu thận. Tình trạng viêm này gây rò rỉ hồng cầu, đạm qua nước tiểu dần dần qua nhiều tháng nhiều năm, gây tổn thương thận xơ hóa và mất chức năng thận.

3. Triệu chứng bệnh thận IgA

Bệnh thận IgA có biểu hiện lâm sàng rất thay đổi, có bệnh nhân nhân chỉ có tiểu máu vi thể đơn thuần lành tính phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe tổng quát, nhưng cũng có bệnh nhân biểu hiện bằng viêm cầu thận diễn tiến nhanh dẫn đến suy thận. Thông thường, các bệnh nhân trẻ bị khởi phát bệnh bằng tiểu máu đại thể (mắt thường nhìn thấy được) sau 1 đợt viêm hô hấp trên hoặc viêm ruột. Những bệnh nhân lớn tuổi hơn thường biểu hiện bằng tiểu đạm, tiểu máu vi thể không triệu chứng, hoặc tăng huyết áp. Một số trường hợp phát hiện được khi đã bị suy thận mạn giai đoạn 3 trở lên.

Một số biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh

  • Tiểu ra máu đại thể (nước tiểu đỏ như máu hoặc có màu hồng như nước rửa thịt mà mắt thường có thể nhìn thấy được) thường trong hoặc sau khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc viêm ruột.
  • Người bệnh bị đau ở bên hông, có bọt trong nước tiểu, sưng phù ở tay và chân, tăng huyết áp và sốt nhẹ.
huyết áp
Tăng huyết áp là một triệu chứng của bệnh thận IgA

4. Bệnh thận IgA có nguy hiểm không?

Bệnh thận IgA là 1 trong những nguyên nhân quan trọng gây suy thận mạn. Tiên lượng bệnh thận IgA tùy thuộc vào 3 yếu tố lúc phát hiện bệnh: Tiểu đạm >1g/ngày, tăng huyết áp và mức độ tổn thương cầu thận, ống thận, mô kẽ trên sinh thiết thận. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ bị bệnh thận mạn tính và mất chức năng thận càng cao. Sau 10 năm chẩn đoán, khoảng 10% bệnh nhân bệnh thận IgA có chức năng thận bình thường lúc chẩn đoán bị suy thận.

Vì các dấu hiệu bệnh thường khá nghèo nàn nên người mắc bệnh dễ bỏ qua. Và nếu không phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời thì bệnh thận IgA có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân trong một số trường hợp.

5. Các xét nghiệm cần làm khi bị bệnh thận IgA

Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm sau

  • Nước tiểu: Tìm sự hiện diện của hồng cầu và đạm trong nước tiểu
  • Máu: Đánh giá chức năng thận, định lượng protein, cholesterol và các đánh giá khác nếu cần
  • Siêu âm ổ bụng đánh giá tình trạng thận hiện tại
  • Sinh thiết thận nếu có chỉ định: 1 mảnh mô nhỏ thận của bạn sẽ được lấy qua 1 kim đặc biệt dưới hướng dẫn của siêu âm, sau đó được nhuộm bằng các các phương pháp khác nhau và xem dưới kính hiển vi. Nếu bạn bị bệnh thận IgA, kết quả sẽ cho thấy có lắng đọng IgA tại cầu thận.
Bệnh thận IgA
Hình ảnh cầu thận có lắng đọng IgA khi nhuộm miễn dịch huỳnh quang (Nguồn ảnh: Internet, UNC Kidney Center)

6. Cách điều trị bệnh thận IgA

Tùy vào tình trạng của bệnh và mức độ suy thận, bác sĩ sẽ có liệu trình điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Các biện pháp điều trị bệnh hiện nay chủ yếu làm chậm tiến trình tổn thương của thận, bao gồm

  • Corticosteroids và thuốc ức chế miễn dịch: Làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, dẫn đến giảm quá trình viêm của thận
  • Thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin II: Giúp kiểm soát huyết áp và vấn đề tiểu đạm
  • Một số bác sĩ có thể cho bạn dùng dầu cá (fish oil).

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh thận IgA cũng cần giữ cho thận khỏe mạnh bằng cách duy trì một chế độ ăn ít muối, ít protein nếu có suy thận, uống nhiều nước, không dùng chất kích thích và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Nếu phát hiện bệnh sớm khi bệnh vẫn nhẹ thì người bệnh có thể sống khỏe mạnh bình thường, không cần ăn kiêng hay điều trị quá chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu bệnh có biến chứng như tăng huyết áp, suy thận thì bệnh nhân cần phải tuân thủ một chế độ ăn kiêng và sử dụng thuốc nghiêm ngặt.

Phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh, cho nên mọi người cần kiểm tra chức năng thận định kỳ hàng năm (xét nghiệm máu và nước tiểu), nhất là những đối tượng có người trong gia đình mắc bệnh thận trước đây, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường... Những bệnh nhân có kinh nghiệm bị khởi phát tiểu máu đại thể trong hoặc sau những lần viêm hô hấp trên cần phòng ngừa hạn chế những đợt bệnh viêm hô hấp trên tương tự trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan