Bệnh thận và mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Có khoảng 2 đến 3% phụ nữ thai bị bệnh thận, chiếm 40 đến 50% trong số đó là bị viêm cầu thận khi mang thai. Có thể khẳng định, bệnh thận một trong những nhóm bệnh nguy hiểm làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả bà mẹ lẫn thai nhi.

1. Mối liên hệ giữa bệnh thận và mang thai

Khi mang thai, người phụ nữ có những biến đổi sâu sắc về sinh lý và sức khỏe, rõ rệt nhất là ở hệ tiết niệu. Lúc này, các bệnh về thận rất dễ phát triển.

1.1. Những thay đổi về đường niệu và thận khi mang thai

Hai thận có tăng thể tích, dài thêm khoảng 1 cm và nặng thêm khoảng 4,5 gram do hiện tượng tăng tưới máu nhu mô thận và tổ chức kẽ. Đài thận, bể thận và niệu quản hơi giãn, đặc biệt ở thận phải. Người ta còn phát hiện có sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản ở phụ nữ mang thai do sự chèn ép của thai và giảm trương lực do tác dụng của một số nội tiết tố như progesterone. Hậu quả chính của sự giãn này là ứ đọng nước tiểu, dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai cao như viêm cầu thận khi mang thai, giãn đài bể thận và nhiễm khuẩn tiết niệu dưới như viêm bàng quang niệu đạo. Cần điều trị triệt để sự viêm nhiễm bằng thuốc kháng sinh không ảnh hưởng đến thai nhi như: cephalexin, cifixim, zinat.

Bà bầu
Đường niệu khi mang thai có nhiêu thay đổi do đài thận, bể thận và niệu quản hơi giãn

1.2. Những thay đổi huyết động học ở thận khi có thai

Tăng lưu lượng lọc ở cầu thận và lưu lượng máu tưới thận, cả hai lưu lượng này tăng 40% trong thời kỳ mang thai, tồn tại cho đến khi thai nhi chào đời. Tăng lưu lượng tưới máu sớm do tăng cung lượng tim xảy ra vào tuần lễ thứ 4 khi có thai, sau đó tăng thể tích ngoài tế bào và thể tích máu. Hiện tượng máu bị pha loãng này làm giảm nồng độ albumin và áp lực keo, áp lực thẩm thấu huyết tương.

Sự bất thường của tổng hợp các nội tiết tố như renin, prostaglandin... có tác dụng co mạch hay các thụ thể của vỏ thận, được cho là nguyên nhân chính của các thay đổi huyết động tại thận. Hậu quả là nó gây giảm creatinin huyết tương, giảm ure huyết tương do máu bị pha loãng và giảm tái hấp thu ở ống thận, giảm acid uric có giá trị tiên lượng tưới máu nhau thai giảm với nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai và thai chết lưu. Tăng thể tích và dịch ở các khoang, vì khi có thai, trong lượng cơ thể của người mẹ tăng 12 – 15 kg. Sự tăng thể trọng này, là do tăng 6 – 8 lít nước, trong đó có khoảng 4 – 6 lít nước ở khoang ngoài tế bào. Thể tích huyết tương tăng gấp đôi, đây là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ mang thai, vì vậy không cần can thiệp.

1.3. Những tác động của thai lên bệnh thận và đường niệu

Khi có thai bà bầu có thể bị nhiễm khuẩn niệu do trương lực giảm và giãn đường tiết niệu, chiếm tỷ lệ 5 – 10%. Các loại vi khuẩn thường gặp E.Coli, Proteus, Klebsiella, Enterococus... Biểu hiện nhiễm khuẩn niệu: Viêm bể thận cấp tính và viêm bàng quang niệu đạo. Điều trị: cấy nước tiểu làm kháng sinh đồ, điều trị theo kháng sinh đồ.

Bệnh thận gây tăng huyết áp kèm theo protein niệu và phù xảy ra từ tuần lễ 20 trở đi gọi là tiền sản giật. Nguyên do sự giảm cung lượng tim và thiếu máu cục bộ tử cung nhau xảy ra đầu tiên gây ra sự giải phóng trophoblaste trong vòng tuần hoàn gây đông máu trong lòng mạch. Hiện tượng này có thể xảy ra ở các mao mạch cầu thận có thể gây suy thận cấp.

Thiếu máu cục bộ tử cung nhau là do giải phóng các chất co mạch và có thể thiếu các chất gây dãn mạch dẫn đến tăng huyết áp. Không có tăng sinh lý của lưu lượng máu đến thận và mức lọc cầu thận vì vậy ure, creatinin và acid uric tăng. Biến chứng ở mẹ gây sản giật, rau bong non. Ở thai nhi suy dinh dưỡng bào thai, thai chết lưu, sanh non.

Đây là một cấp cứu sản khoa cần phải điều trị bằng thuốc: Magiesium sulfate, hạ áp hydralazin và an thần. Đồng thời cần chấm dứt thai kỳ, khi việc điều trị nội khoa không kết quả, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người mẹ.

2. Các bệnh về thận thường gặp khi mang thai

Suy thận
Phụ nữ mang thai có thể gặp một số vấn đề về thận

2.1. Viêm cầu thận khi mang thai

Triệu chứng bệnh viêm cầu thận khi mang thai rất thất thường, có khi rất kín đáo nên sản phụ không biết. Bệnh viêm cầu thận khi mang thai chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm. Những biến đổi chức năng của đường tiết niệu dưới rất quan trọng vì viêm nhiễm thường xuất phát từ đây. Do đó, khi triệu chứng viêm cầu thận khi mang thai còn khu trú ở đường tiết niệu dưới cũng đừng vội kết luận là nhu mô thận không liên quan gì! Mỗi khi sản phụ bị sốt chưa rõ nguyên nhân, cần chú ý ngay tới bệnh viêm cầu thận khi mang thai.

Nếu sốt kèm theo rét run, đau lưng và viêm bàng quang thì có thể sản phụ đã bị viêm cầu thận khi mang thai. Khi đó, có thể là một nhiễm khuẩn huyết Gram (-) dễ dẫn tới trụy tim mạch và tử vong; hoặc một suy thận cấp với tình trạng nhiễm khuẩn nặng kèm theo trụy tim mạch rất nguy kịch. Nguy hiểm hơn nữa là viêm cầu thận khi mang thai xuất hiện trong tình trạng protein niệu riêng rẽ không phù, huyết áp không tăng rất khó chẩn đoán. Hoặc viêm cầu thận khi mang thai kèm theo nhiễm độc thai nghén, tăng huyết áp và protein - niệu cao bất thường thì tiên lượng lại càng nặng.

Bệnh viêm cầu thận khi mang thai sẽ khỏi nếu được điều trị sớm kể cả khi viêm nhiễm chưa thật rõ ràng. Thai phụ cần phải siêu âm hoặc chụp X-quang để xác định là u, sỏi hoặc chít hẹp. Những xét nghiệm này còn phải làm lại sau sinh từ 6-8 tuần, khi các đường bài xuất đã trở lại trạng thái bình thường.

Các nguy cơ sinh non, suy thai, viêm bể thận - thận mạn tính, tăng huyết áp... là những điều khó tránh khỏi.

Viêm cầu thận khi mang thai phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhưng dùng kháng sinh gì, trong bao lâu... nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa chỉ định.

Lưu ý, không được thông bàng quang cho sản phụ vì dễ gây ra viêm bể thận - thận ngược dòng kéo dài, rất khó điều trị.

2.2. Giãn đài bể thận ở phụ nữ mang thai

Giãn đài bể thận
Giãn đài bể thận

Bệnh giãn bể thận hay giãn đài bể thận được hiểu là quá trình bị giãn nở do thận ứ nước. Quá trình giãn nở đài bể thận lâu ngày sẽ làm cho thận bị biến dạng. Cụ thể, thận sẽ phình to ra và mỏng đi. Thận lúc này có hình dạng giống như một túi nước và có nguy cơ bị vỡ ra bất kỳ khi nào.

Giãn đài bể thận ở phụ nữ mang thai xảy ra khi kích thước thận tăng lên trong thai kỳ: trên siêu âm và X quang phát hiện chiều dài của thận tăng lên khoảng 1cm so với trước lúc có thai. Kích thước của thận về bình thường sau khi sinh.

Giãn đài bể thận ở phụ nữ mang thai thường được phát hiện bằng siêu âm và chụp bể thận, điều này chứng tỏ một tình trạng ứ nước do tắc nghẽn đường bài niệu. Sự ứ nước này thường nhẹ, được gọi là giãn đài bể thận ở phụ nữ mang thai “sinh lý “ trong thai kỳ, không cần chữa trị. Tuy nhiên những thay đổi sinh lí này là nguy cơ gây nhiễm trùng thận-tiết niệu ở phụ nữ có thai.

Hiện tại bạn thấy vị trí vùng thận hơi buốt rất có thể lí do là do thận – tiết niệu, bạn nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám lại, làm thêm một số xét nghiệm cần thiết để tìm lý do và chữa trị, tránh tác động đến sức khỏe của bạn và thai nhi.

Vì nguyên nhân của tình trạng giãn đài bể thận khi mang thai là do quá trình mang thai dẫn đến, nên thực tế việc điều trị bằng dùng thuốc cũng sẽ chỉ cải thiện đôi chút mà thôi, bắt buộc phải đợi sau sinh tình trạng mới có thể được cải thiện.

Với những sản phụ mắc các bệnh lý thận như viêm cầu thận khi mang thai, giãn đài bể thận ở phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người mẹ, do đó việc cân nhắc có thai, cần được bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội tư vấn. Trong quá trình mang thai phải được chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa sản và chuyên khoa thận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan