Cách chữa và phòng tránh chuột rút khi mang thai

Mục lục

Chuột rút khi mang thai xảy ra khi một hay nhiều nhóm cơ co thắt đột ngột và không kiểm soát, gây ra các cơn đau dữ dội ở bắp chân, đùi và chân. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện vào ban đêm trong giai đoạn giữa và cuối của thai kỳ. Mặc dù không có nguy cơ nghiêm trọng nhưng cơn đau do chuột rút ở bà bầu vẫn ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Các nguyên nhân thường gặp gây chuột rút khi mang thai

Đến nay, các nghiên cứu về lý do tại sao phụ nữ hay gặp phải chuột rút trong quá trình mang thai vẫn chưa có. Nguyên nhân thường không rõ ràng. Trong lĩnh vực sản khoa, hiện có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng chuột rút khi mang thai với các nguyên nhân chính bao gồm:

  • Trong thai kỳ, cơ thể của mẹ bầu sẽ ngày càng tăng trọng lượng, điều này gây thêm áp lực lên các cơ bắp ở chân.
  • Khi tử cung mở rộng, áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chân về tim cũng gia tăng, đồng thời các dây thần kinh từ tủy sống đến chân các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung bị đè nén dẫn đến cảm giác khó chịu và nặng nề.
  • Cơ thể mất nước dẫn đến rối loạn điện giải gây chuột rút.
  • Vào những tháng cuối của thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Nếu lượng canxi không được cung cấp đầy đủ, cơ thể mẹ sẽ cung cấp canxi để truyền cho thai nhi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi ở mẹ.
  • Chế độ ăn uống thiếu kali, canxi hoặc magiê và khoáng góp phần gây ra tình trạng chuột rút ở chân.
  • Chuột rút cơ bắp có thể xảy ra do căng cơ, mất nước, lạm dụng cơ bắp hoặc chỉ đơn giản là duy trì một tư thế trong thời gian dài.
  • Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân vẫn chưa được biết đến.

2. Dấu hiệu chuột rút khi mang thai

  • Ở phụ nữ mang thai, chuột rút là một hiện tượng phổ biến thường xảy ra khi vừa bắt đầu giấc ngủ.
  • Bắt đầu từ tháng thứ ba của thai kỳ, chuột rút ở bà bầu có thể gây ra cảm giác khó chịu và các cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này xảy ra cả vào ban ngày và trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, làm ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của thai phụ. Tuy nhiên, chuột rút ở bà bầu không gây hậu quả lâu dài và sẽ tự biến mất sau khi kết thúc thai kỳ.
  • Trong thời kỳ mang thai, chuột rút ở bà bầu thường xuất hiện ở bắp chân nhưng cũng có thể xảy ra ở đùi, bàn chân, tay hoặc thân mình. Đặc biệt khi chuột rút xảy ra ở bụng, sản phụ cần đặc biệt chú ý vì có khả năng sảy thai. Bên cạnh những cơn đau đột ngột, sản phụ cũng có khả năng cảm nhận được hoặc nhìn thấy một khối mô cứng dưới da.
  • Khi thai phụ bị chuột rút cùng với các dấu hiệu như ra máu, đau dữ dội ở bụng hoặc đỉnh vai, sốt hoặc cơn đau tại khu vực bị tổn thương trở nên nghiêm trọng thì cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.  
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

Chuột rút ở bà bầu là hiện tượng phổ biến trong thời gian mang thai.
Chuột rút ở bà bầu là hiện tượng phổ biến trong thời gian mang thai.

3. Cách chữa chuột rút khi mang thai

  • Khi bị chuột rút ở chân, mẹ bầu hãy thử kéo căng cơ bắp chân ở chỗ đau. Việc đi bộ nhẹ nhàng và nâng cao chân lên có thể giúp ngăn ngừa cơn chuột rút ở bà bầu tái phát. Ngoài ra, tắm nước ấm hoặc nóng, chườm đá hoặc massage cơ bắp cũng có khả năng mang lại hiệu quả.
  • Nếu hay bị chuột rút vào ban đêm, mẹ bầu nên thực hiện các bài tập nhẹ để căng cơ trước khi đi ngủ chẳng hạn như đạp xe đứng yên trong vài phút trước. Bài tập này cũng giúp ngăn ngừa chuột rút ở bà bầu khi đang ngủ.  
  • Hãy tích cực: Để ngăn ngừa chuột rút ở chân trong thai kỳ, mẹ bầu hãy duy trì thói quen tập luyện thể thao thường xuyên.  
  • Bổ sung magie: Các nghiên cứu hạn chế chỉ ra rằng bổ sung magie giúp hỗ trợ trong việc phòng ngừa chuột rút ở chân trong thai kỳ. Ngoài ra, sản phụ cũng nên cân nhắc bổ sung thực phẩm giàu magie như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây khô, các loại hạt và hạt.
  • Cung cấp đầy đủ canxi: Theo một số nghiên cứu, mức canxi trong máu giảm trong suốt thời kỳ mang thai góp phần gây chuột rút ở chân. Tất cả phụ nữ bao gồm cả phụ nữ mang thai cần nhận được 1.000 miligam canxi mỗi ngày. Để đảm bảo cung cấp đủ canxi cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Đồng thời, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung vào thực đơn hàng ngày những thực phẩm giàu canxi như thịt, cá, trứng, tôm, cua,...
  • Uống đủ nước: Mỗi ngày, mẹ bầu nên đảm bảo bổ sung đầy đủ nước
  • Mẹ bầu nên dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và luôn để tinh thần thoải mái.  
  • Dù chuột rút khi mang thai là một hiện tượng thường gặp và không cần quá lo lắng nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng này có thể dẫn đến cơn đau dữ dội bởi tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông. Nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng đau nghiêm trọng kéo dài cùng với sưng đỏ ở chân thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời. 
Mẹ bầu bị chuột rút khi mang thai nên đi gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Mẹ bầu bị chuột rút khi mang thai nên đi gặp bác sĩ để được kiểm tra.

4. Phòng tránh chuột rút khi mang thai

Dù nguyên nhân chuột rút khi mang thai chưa được xác định rõ nhưng có nhiều cách phòng tránh giúp giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn triệu chứng. Sau đây là những biện pháp hiệu quả:

  • Các bà bầu làm việc văn phòng cần tránh ngồi hoặc đứng trong cùng một tư thế quá lâu. Thay vào đó, mẹ bầu nên tranh thủ co duỗi bắp chân và vận động hai chân sau mỗi giờ làm việc.
  • Mẹ bầu không nên làm việc quá sức mà hãy duy trì thói quen vận động đều đặn.
  • Việc thực hiện các bài tập nhẹ như đi bộ, bơi lội hoặc yoga…khi mang thai, giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ diễn ra thuận lợi hơn.
  • Để tăng cường lưu thông máu, mẹ bầu nên thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng từ đùi xuống bắp chân, tiếp tục đến bàn chân và các ngón chân.
  • Khi nằm ngủ, mẹ bầu nên gác chân lên gối cao và mềm. Việc nằm nghiêng sang bên trái sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn trong cơ thể, đặc biệt là ở khu vực bắp chân.
  • Để ngừa chuột rút ở bà bầu vào ban đêm, mẹ bầu cần tắm nước ấm và ngâm chân trong nước nóng pha muối và gừng.
  • Sự thoải mái, hỗ trợ và tiện ích là những yếu tố quan trọng khi chọn giày. Mẹ bầu hãy ưu tiên những đôi giày có phần gót chân được thiết kế chắc chắn để cố định chân trong giày.  
  • Mỗi ngày, mẹ bầu nên uống nhiều chất lỏng để tránh tình trạng mất nước. Lượng nước cần thiết còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, mức độ hoạt động, thời tiết, tình trạng sức khỏe, tuổi tác và loại thuốc đang sử dụng. Chất lỏng giúp cơ bắp của mẹ bầu co lại và thư giãn, giữ cho các tế bào cơ ngậm nước, ít bị kích thích. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, mẹ bầu cần bổ sung chất lỏng thường xuyên và tiếp tục uống nước hoặc các chất lỏng khác sau khi kết thúc bài tập.  

Đảm bảo bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày
Đảm bảo bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày

Mặc dù chuột rút không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đối với bà bầu nhưng thông qua sự tư vấn của bác sĩ, các mẹ bầu có thể giảm bớt triệu chứng và giữ vững tinh thần, cảm thấy yên tâm hơn trong suốt thai kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ