Cách điều trị và biến chứng thường gặp của đờ tử cung sau đẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đờ tử cung là một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra sau sinh. Các biện pháp xử trí đờ tử cung sau đẻ đòi hỏi phải tiến hành nhanh chóng, nếu không sẽ có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ.

1. Đờ tử cung sau đẻ là gì?

Đờ tử cung là tình trạng tử cung của phụ nữ không thể co hồi sau khi đã sinh em bé ra đời. Triệu chứng này khá nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến băng huyết sau sinh rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người mẹ.

Thông thường, cơ tử cung sẽ tự động thắt chặt hoặc co lại để bong nhau (rau) sau khi sinh. Quá trình co hồi này giúp siết chặt các mạch máu gắn với bánh nhau và hỗ trợ ngăn ngừa chảy máu. Trong trường hợp cơ tử cung co không đủ mạnh, máu vẫn liên tục chảy tự do dẫn đến băng huyết khiến mẹ mất máu quá nhiều.

Nếu sản phụ bị đờ tử cung thì cần phải cấp cứu ngay lập tức để hạn chế chảy máu, cũng như truyền bổ sung lượng máu bị mất. Tỷ lệ thai phụ tử vong khi sinh nở vì băng huyết sau sinh là khá cao. Tuy nhiên, phát hiện sớm và xử trí đờ tử cung sau đẻ đúng cách sẽ mang lại hy vọng hồi phục hoàn toàn cho những sản phụ không may gặp phải tình trạng này.

2. Cách xử trí đờ tử cung

Mục đích chung trong điều trị đờ tử cung là dừng chảy máu và bù đắp lượng máu bị mất, cũng như bảo tồn chức năng sinh sản cho người phụ nữ nếu có thể.

2.1. Trường hợp nhẹ và trung bình

Đối với những trường hợp nhẹ và trung bình cách xử trí đờ tử cung sau đẻ bao gồm:

  • Ép Tử cung bằng tay: Bác sĩ sản khoa sẽ đặt một tay ở âm đạo và đẩy tử cung lên trên, đồng thời tay còn lại đè vào đáy tử cung qua thành bụng và xoa bóp. Đây là thao tác chuyên môn đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề và nhiều kinh nghiệm để đạt được hiệu quả tốt nhất;
  • Sử dụng thuốc gò tử cung: Các loại thuốc phổ biến được chỉ định là oxytocin, methylergonovine, prostaglandin và một số dạng khác. Tương ứng với từng dược phẩm co hồi tử cung sẽ có yêu cầu cẩn thận với thai phụ huyết áp không ổn định, bệnh tim mạch, hen suyễn, rối loạn tiêu hóa, lạnh run, sốt hay có nguy cơ huyết khối;
  • Truyền máu, dịch và các chế phẩm thay thế của máu cho sản phụ càng sớm càng tốt;
Cách điều trị và biến chứng thường gặp của đờ tử cung sau đẻ
Xoa bóp tử cung hoặc tiêm oxytocin là những cách xử trí đờ tử cung sau đẻ

2.2. Trường hợp nặng

Trong trường hợp người mẹ bị chảy máu nhiều hay thậm chí là có dấu hiệu băng huyết, bác sĩ có thể chỉ định một vài biện pháp điều trị như sau:

  • Phẫu thuật kẹp chính xác mạch máu ở tử cung đang gây xuất huyết: Các số liệu thống kê cho thấy phương pháp này có tỷ lệ thành công khá cao, không những cứu sống được bệnh nhân mà còn giữ được tử cung, duy trì chức năng sinh sản về sau;
  • Thắt động mạch tử cung: Động mạch cung cấp khoảng 90% lượng máu đến tử cung. Vị trí thắt thường thấp hơn 2cm so với đường mổ ngang trên tử cung. Dù một phần cơ tử cung cũng sẽ bị buộc lại nhưng riêng động mạch và tĩnh mạch tử cung bắt buộc phải được thắt hoàn toàn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% các trường hợp băng huyết được kiểm soát sau khi áp dụng thủ thuật can thiệp này;
  • Gây tắc động mạch tử cung: Bác sĩ sẽ đưa một số mảnh nhỏ y tế vào động mạch tử cung để ngăn máu tiếp tục chảy đến tử cung;
  • Cắt tử cung: Nếu các phương pháp trên không có tác dụng, bác sĩ sẽ cân nhắc đến biện pháp cuối cùng này. Cắt tử cung có khả năng cầm máu tốt nếu băng huyết xuất phát từ tử cung, cổ tử cung và vòm âm đạo. Ngược lại, kỹ thuật này sẽ không phát huy hiệu quả ở những trường hợp chảy máu từ đoạn dưới. Cắt tử cung bán phần được thực hiện nhanh hơn, tuy nhiên cắt tử cung toàn phần vẫn được ưa chuộng áp dụng. Cần lưu ý vì kỹ thuật này có yêu cầu khá cao về trình độ chuyên môn của đội ngũ tiến hành phẫu thuật;
Cách điều trị và biến chứng thường gặp của đờ tử cung sau đẻ
Cắt tử cung là biện pháp cuối cùng để điều trị đờ tử cung sau đẻ

3. Biến chứng của đờ tử cung sau đẻ

Có tới 90% trường hợp chảy máu sau sinh gây ra bởi đờ tử cung. Trong đó, băng huyết sau sinh là một tai biến nguy hiểm và thường gặp nhất trong 5 tai biến sản khoa, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người mẹ. Có nhiều nghiên cứu và báo cáo kết luận rằng đây là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tỷ lệ sản phụ tử vong. Tình trạng xuất huyết thường xảy ra sau khi sổ nhau thai.

Ngoài ra, đờ tử cung sau đẻ còn dẫn đến nhiều biến chứng khác, chẳng hạn như:

  • Hạ huyết áp, gây choáng váng hoặc chóng mặt do huyết áp thấp;
  • Thiếu máu;
  • Mệt mỏi;
  • Hôn mê li bì;
  • Tăng nguy cơ chảy máu ở những lần sinh nở kế tiếp;
  • Phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh;
  • Sốc mất máu: Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng và cần cấp cứu kịp thời;

Nếu sản phụ không được cấp cứu kịp thời hoặc khi có sự chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, người mẹ có nguy cơ cao tử vong do đờ tử cung sau đẻ. Mặt khác, cách xử trí đờ tử cung đúng đắn và tích cực sẽ góp phần hạn chế biến chứng, giữ được tính mạng và bảo vệ an toàn sức khỏe cho phụ nữ sau sinh. Không có cách phòng ngừa đờ tử cung sau đẻ hữu hiệu, vì vậy lựa chọn bệnh viện uy tín để đảm bảo cho quá trình sinh nở được diễn ra suôn sẻ và có khả năng kiểm soát tình huống khẩn cấp (nếu có) chính là cách tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan