Chẩn đoán và cách điều trị viêm dây thần kinh thị giác

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm xảy ra trên dây thần kinh đảm nhận chức năng thị giác, gây đau nhức khi chuyển động nhãn cầu, giảm thị lực hay thậm chí là mù vĩnh viễn. Việc chẩn đoán và điều trị cần tiến hành càng sớm càng tốt ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên, giúp ngăn chặn tiến trình bệnh và hạn chế di chứng về sau.

1. Chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác như thế nào?

Viêm dây thần kinh thị giác bình thường bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lý này bằng cách dựa trên một bệnh sử cấp tính của đau mắt, nhìn mờ, giảm thị trường và tiến hành các thăm khám chuyên biệt sau đây:

1.1. Khám thị lực

Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng nhìn của bạn cũng như khả năng nhận biết màu sắc. Nếu thị lực giảm nhanh tại một bên mắt trong thời gian ngắn mà không tìm thấy bất kỳ các bất thường nào trong cấu trúc giải phẫu – sinh lý của các thành phần thuộc nhãn cầu thì nên nghĩ đến tổn thương thần kinh thị. Bên cạnh đó, việc đo phạm vi thị trường cũng cần thiết, góp phần đánh giá tiến triển của bệnh.

1.2. Soi đáy mắt

Trong thủ thuật này, bác sĩ dùng một đèn soi chuyên biệt, chiếu ánh sáng vào mắt bạn thông qua đồng tử (con ngươi) để kiểm tra tất cả các cấu trúc ở phía sau đó. Phần quan trọng nhất trong soi đáy mắt là đánh giá đĩa quang, nơi dây thần kinh thị giác đi vào võng mạc. Dấu hiệu đĩa quang bị sưng đỏ, phù nề được ghi nhận xuất hiện ở khoảng một phần ba số bệnh nhân bị viêm thần kinh thị giác.

1.3. Phản xạ ánh sáng đồng tử

Bác sĩ sẽ dùng đèn pin chiếu ánh sáng song song trước đồng tử để xem đồng tử phản ứng lại như thế nào khi bị kích thích bởi ánh sáng. Ở người bình thường, đồng tử sẽ ngay lập tức co nhỏ lại khi bị ánh sáng đột ngột chiếu vào hay ở trong môi trường có ánh sáng mạnh. Tuy nhiên, ở người bệnh viêm dây thần kinh thị giác, do khả năng nhận cảm ánh sáng giảm, phản xạ ánh sáng đồng tử kém hơn với biểu hiện là đồng tử không co nhỏ hay co lại chậm.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán viêm thần kinh thị giác có thể được chỉ định, gồm có:

1.4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Cơ chế là sử dụng từ trường và các xung năng lượng sóng vô tuyến để phản ánh hình ảnh các cấu trúc bên trong cơ thể. Ưu điểm của chụp cộng hưởng từ MRI là cho hình ảnh rõ ràng, có độ nhạy cao đối với các tổn thương trên mô mềm, đặc biệt là các tổn thương trong hệ thần kinh. Khi chụp MRI để xác chẩn tình trạng viêm dây thần kinh thị giác, người bệnh có thể cần được tiêm dung dịch tương phản để giúp cho hình ảnh của dây thần kinh thị giác và các bộ phận khác trong não của bạn hiển thị rõ nét hơn.

Ngoài ra, vai trò của MRI còn nằm ở việc xác định xem có những tổn thương nào khác xảy ra trong nhu mô não cũng như các đôi dây thần kinh sọ não khác hay không, bởi lẽ có một nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh thị giác là do bệnh đa xơ cứng. Đồng thời, MRI cũng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây mất thị giác khác, chẳng hạn như có thể có các khối u, apxe trong não gây chèn ép thần kinh thị hay vùng thùy chẩm của não bộ.

Đo mắt
Bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám chuyên biệt để chẩn đoán tình trạng của mắt

1.5. Xét nghiệm máu

Những xét nghiệm tầm soát bất thường trên hệ miễn dịch nhằm tìm kiếm các kháng thể tự thân cần chỉ định trong chẩn đoán viêm dây thần kinh thị giác. Đây cũng là một nguyên nhân của bệnh lý này. Hơn thế nữa, việc định lượng các tự kháng thể trong máu còn giúp tiên lượng bệnh về lâu dài, xem liệu có tiến triển đến nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn hay không.

1.6. Theo dõi tiến triển

Do viêm thần kinh thị giác là một bệnh lý cấp tính, việc chẩn đoán bệnh lý này có khi cần phải xác chẩn lại bằng cách tái khám sau hai đến bốn tuần từ khi có xảy ra các triệu chứng đầu tiên. Nếu tình trạng giảm thị lực không những không cải thiện mà còn diễn tiến nặng dần thì nên tích cực tìm kiếm thêm các nguyên nhân khác.

2. Cách điều trị viêm dây thần kinh thị giác

Trong đa số các trường hợp, viêm thần kinh thị giác cấp tính thường tự khu trú. Tuy nhiên, thuốc steroid đôi khi được chỉ định sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm quá mức, gây tổn thương nặng nề trên dây thần kinh thị giác. Điều trị với steroid thường được tiến hành thông qua đường tiêm tĩnh mạch, nhất là trong giai đoạn cấp sẽ làm tăng tốc độ phục hồi thị lực một cách đáng kể. Đồng thời, việc điều trị bằng steroid cũng giúp làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh đa xơ cứng hoặc làm chậm sự tiến triển các tổn thương của nó. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi điều trị steroid bao gồm tăng cân, thay đổi tâm trạng, đỏ bừng mặt, đau dạ dày và rối loạn giấc ngủ.

Khi việc điều trị bằng steroid thất bại, người bệnh giảm thị lực nghiêm trọng, cần xem xét thêm một phương pháp điều trị khác là liệu pháp thay huyết tương. Bằng cách lọc lấy huyết tương có chứa các chất hóa học gây viêm, các tự kháng thể ra ngoài và bồi hoàn bằng dung dịch albumin hay huyết tương tươi đồng thể tích, khả năng phục hồi thị lực lại được một phần cũng đã quan sát thấy ở nhiều trung tâm có đầy đủ và sẵn sàng các phương tiện cần thiết.

Viêm dây thần kinh thị giác
Hình ảnh viêm dây thần kinh thị giác

3. Tiên lượng của viêm dây thần kinh thị giác

Hầu hết các bệnh nhân đều có thể lấy lại thị lực gần như bình thường trong vòng 12 tháng sau khi bị viêm thần kinh thị giác.

Ở những người bị viêm thần kinh thị giác tái phát, cần nghĩ đến khả năng mắc bệnh đa xơ cứng. Nếu thực sự như vậy, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, tiên lượng bệnh nặng nề, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn rất cao. Chẳng những thế, các cơ quan khác cùng thuộc hệ thần kinh cũng bị tổn thương, khiến cho người bệnh dần mất đi khả năng sinh hoạt bình thường hằng ngày, cũng như suy giảm chất lượng cuộc sống.

Cuối cùng, mặc dù viêm thần kinh thị giác là một bệnh lý cấp tính và có khả năng tự hồi phục cao, tuy nhiên vẫn cần tích cực thăm khám và điều trị sớm ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ, nhằm đảm bảo một đôi mắt khỏe mạnh cho chính mình và người thân.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội thần kinh được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm trong khám chữa các bệnh về hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại vi, trong đó có bệnh viêm dây thần kinh thị giác. Hệ thống trang thiết bị y tế tại Vinmec hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, hỗ trợ tối đa cho việc chẩn đoán và điều trị.

Thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh. Bác sĩ Hòa nguyên là Phó Trưởng Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Ngãi và từng tham gia nhiều khóa đào tạo liên tục về Động Kinh, Tai Biến mạch máu não, Alzheimer, Rối loạn vận động, Lão khoa. Bệnh lý Nội Tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan