Chấn thương sọ não: Nhận biết và điều trị thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Lê Nghiêm Bảo - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Đà Nẵng.

Chấn thương sọ não là nguyên nhân gây tử vong cao, đặc biệt là tại các nước công nghiệp và các nước đang phát triển. Điều trị chấn thương sọ não khá phức tạp, đòi hỏi yếu tố chuyên môn, các thiết bị máy móc hiện đại và thời gian hồi phục chức năng lâu dài

1. Triệu chứng chấn thương sọ não

Các triệu chứng chấn thương sọ não ở mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí chấn thương, tốc độ va chạm, tác nhân gây chấn thương và mức độ nghiêm trọng. Người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể bị đau đầu, chóng mặt, choáng váng, ù tai, mệt mỏi, rối loạn tinh thần và cảm xúc, ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung. Trường hợp bị chấn thương sọ não nặng hơn người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, mất ý thức, giãn đồng tử, hôn mê...

Triệu chứng chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não có thể dẫn đến nhiều di chứng sau này, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng

Những triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi xảy ra va đập hoặc chậm hơn, được chia thành tổn thương nguyên phát và tổn thương thứ phát.

1.1. Tổn thương nguyên phát

Tổn thương nguyên phát là những triệu chứng chấn thương sọ não xuất hiện ngay sau khi va đập hoặc bị tai nạn. Đó là những tổn thương của đầu và hộp sọ ở vị trí bị va đập và những tổn thương liên quan đến quán tính do hộp sọ bị rung lắc quá mạnh.

Triệu chứng chấn thương sọ não tại chỗ va đập bao gồm:

  • Tổn thương ở da đầu: Rách da đầu, đầu chảy máu
  • Tổn thương ở hộp sọ: Rạn hộp sọ, vỡ hộp sọ, lõm hộp sọ, viêm xương sọ
  • Tổn thương ở màng não: Hộp sọ vỡ chèn vào màng não, gây tổn thương màng não, rách màng não, chảy dịch não tủy, tổ chức não bị thoát ra ngoài
  • Tổn thương ở mạch máu: Tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, chảy máu não, đứt mạch máu não, nhồi máu não
  • Tổn thương liên quan đến quán tính: tổn thương não, giập não khiến bệnh nhân hôn mê kéo dài.

1.2. Tổn thương thứ phát

Tổn thương thứ phát là các tổn thương chưa xuất hiện ngay sau khi đầu bị va đập mà được hình thành dần về sau, bao gồm:

  • Phù não: Nhiều trường hợp chấn thương sọ não nặng sẽ bị phù não. Nguyên nhân gây phù não là do hàng rào máu não và màng tế bào bị tổn thương tạo ra sự tích nước bất thường ở tổ chức kẽ và trong tế bào. Khối lượng não tăng lên làm gia tăng áp lực trong sọ não, lượng máu cung cấp cho não giảm đi khiến não bị thiếu máu cục bộ, tình trạng phù não càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Máu tụ trong sọ: Máu tụ trong sọ là do mạch máu bị tổn thương khi bị va đập, khiến chảy máu trong sọ, máu tích tụ lại và choán một chỗ trong hộp sọ khiến áp lực nội sọ tăng lên, tổn thương tế bào não.

Máu tụ trong sọ được chia thành máu tụ ngoài màng cứng và máu tụ dưới màng cứng

  • Máu tụ ngoài màng cứng: chảy máu từ đường vỡ xương sọ hoặc mạch máu màng não tổn thương khiến khối máu tụ lại giữa màng cứng và xương
  • Máu tụ dưới màng cứng: thường do tĩnh mạch ở vỏ não gây nên, kết hợp ở ổ dập tổ chức não tạo thành khối máu tụ. Máu tụ dưới màng cứng được phân ra làm 2 loại là máu tụ dưới màng cứng cấp diễn và máu tụ dưới màng cứng mạn tính. Tình trạng này rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
  • Giãn não thất: là hiện tượng máu chảy làm đường lưu thông của nước não tủy bị tắc nghẽn.

Ngoài ra, triệu chứng chấn thương sọ não còn có một vài tổn thương xảy ra muộn hơn như: viêm màng não mủ, áp lực trong sọ...

1.3. Triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ em

Chấn thương sọ não ở trẻ em rất nguy hiểm, do da đầu và hộp sọ của trẻ đang trong quá trình phát triển nên mềm hơn, những ảnh hưởng do chấn thương sọ não vì thế cũng nặng nề hơn rất nhiều.

Triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ bao gồm:

  • Trẻ bất tỉnh sau khi ngã. Thời gian bất tỉnh kéo dài hơn 01 phút
  • Trẻ vẫn tỉnh sau khi ngã nhưng một thời gian sau có những biểu hiện bất thường như: kích động, quấy khóc dữ dội, trẻ ngủ li bì, ngủ nhiều, lơ mơ, không tập trung...
  • Trẻ nôn mửa liên tục (nôn trên 5 lần) hoặc nôn mửa kéo dài (hơn 6 giờ)
  • Thóp phồng, thóp căng lên, trẻ xanh xao, yếu đi
  • Trẻ bị chảy máu tại vùng bị va đập

Khi trẻ bị ngã hay va đập có một trong những triệu chứng trên cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và có phương án điều trị kịp thời.

2. Điều trị chấn thương sọ não như thế nào?

Chẩn đoán chấn thương sọ não tại Vinmec

Trường hợp chấn thương sọ não nhẹ, người bệnh chỉ bị đau đầu, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, xây xước hoặc chảy máu nhẹ da đầu có thể chỉ cần theo dõi và uống thuốc điều trị các triệu chứng. Người bệnh nên nằm nghỉ nhiều để não bộ có thời gian ổn định và nghỉ ngơi. Trong 24 giờ đầu sau khi bị chấn thương, va đập, nếu người bệnh ngủ thì nên đánh thức 2 giờ/lần để kiểm tra tình trạng của người bệnh, phát hiện và kiểm soát các triệu chứng chấn thương sọ não.

Trường hợp bị chấn thương sọ não vừa và nặng, cần áp dụng nguyên tắc điều trị chấn thương sọ não như sau:

  • Đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt để các bác sĩ tiến hành sơ cứu, thăm khám ban đầu, nếu tình trạng nặng bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật ngay lập tức
  • Kiểm soát được tình trạng hô hấp và khả năng tuần hoàn của bệnh nhân
  • Xử lý, tiến hành làm sạch, cầm máu các vết thương do chấn thương sọ não để tránh bị nhiễm trùng, mất máu quá nhiều
  • Trường hợp bệnh nhân bị máu tụ gây chèn ép não với các biểu hiện như giãn đồng tử, liệt... cần tiến hành phẫu thuật ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
  • Tập luyện, phục hồi chức năng sau chấn thương. Quá trình này cần sự cố gắng tập luyện, kết hợp nghỉ ngơi trong thời gian dài.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Đà Nẵng.

271.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan