Có thể điều trị quai bị ở nhà không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính được đặc trưng bởi sưng đau tuyến nước bọt. Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh quai bị chủ yếu là nghỉ ngơi và giảm đau.

1. Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Quai bị nói chung là lành tính, ít có biến chứng và thường tự khỏi không gây đáp ứng miễn dịch vĩnh viễn. Biến chứng thường gặp nhất trong quai bị đó mà viêm màng não nhưng biến chứng này thường lành tính. Các biến chứng khác như viêm tụy cấp, viêm cơ tim, viêm đa khớp...rất hiếm gặp. Chỉ có một biến chứng khiến nhiều người lo lắng đó là biến chứng trên cơ quan sinh dục.

Quai bị ở bé trai hay gái đều có thể hiểu hiện viêm tuyến sinh dục. Ở bé trai độ tuổi dậy thì, có khoảng 20% trẻ có viêm tinh hoàn và có nguy cơ bị teo tinh hoàn ( khoảng 5% trường hợp mắc bệnh) dẫn đến vô sinh sau này nếu như không được điều trị đúng và kịp thời. Ở bé gái có khoảng 7% viêm buồng trứng và hiếm khi vô sinh.

Quai bị ở phụ nữ đang mang thai: Phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị trong 3 tháng đầu có khả năng dị dạng thai nhi, sảy thai, còn nếu bị mắc bệnh trong 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc sinh non.

2. Quai bị có thể điều trị ở nhà không?

Quai bị thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh bạch hầu và bệnh hạch cổ do vi trùng. Người bệnh cần đi khám bác sĩ để xác định chính xác bệnh. Bệnh quai bị là bệnh lành tính nên có thể điều trị tại nhà, quan trọng là cần theo dõi để phát hiện kịp thời các biến chứng.

Có thể điều trị quai bị ở nhà không?
Khám bác sĩ khi có biểu hiện của bệnh quai bị

Khi điều trị tại nhà, người bệnh nên ăn các thức ăn mềm và uống thuốc hạ sốt giảm đau là Paracetamol. Không nên vận động nhiều để tránh các biến chứng viêm màng não, viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng.

Tuyệt đối không được tự ý điều trị quai bị bằng các phương pháp dân gian như dùng mực tàu, lọ nồi, đắp lá cây, vôi hay dán cao vào vùng sưng. Những cách này có thể gây nóng, bỏng, và tạo điều kiện cho vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tuyến mang tai làm viêm nặng hơn, thậm chí có thể bị nhiễm trùng máu.

Để phòng tránh lây lan bệnh từ người này sang người khác, người bệnh cần được nghỉ ngơi tại nhà. Bệnh sẽ tự khỏi dần sau khoảng 5-7 ngày nếu không có biến chứng. Vùng mang tai sẽ giảm dần sưng và phục hồi hoàn toàn sau 10 ngày.

Nếu xuất hiện các triệu chứng sau cần đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế:

  • Có biểu hiện bị sưng đau tinh hoàn.
  • Đau nhức đầu, lơ mơ, có giật.
  • Nôn ói nhiều, đau bụng.
  • Thấy bất thường ở mắt, tai và các cơ quan khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan