Cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng ở trẻ em

Cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng là kỹ thuật cần được thực hiện ở tất cả trẻ em bị chấn thương nặng. Chỉ được bỏ nẹp cố định cho trẻ sau khi bác sĩ khám và loại trừ khả năng chấn thương cột sống cổ.

1. Cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng ở trẻ em trong trường hợp nào?

Cột sống cổ chiếm 7 đốt sống trên tổng số 33 đốt sống ở người. Cột sống cổ có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Ngoài chức năng nâng đỡ vùng đầu, giúp vùng cổ xoay linh hoạt, tạo điều kiện cho máu lưu thông lên não, cột sống cổ còn có vai trò vô cùng quan trọng là bảo vệ tủy sống. Khi chấn thương cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến tủy sống gây những hậu quả nặng nề như ảnh hưởng chức năng hô hấp, tim mạch, liệt chi trên và chi dưới, nguy cơ tử vong,...

Do đó, tất cả trẻ em bị chấn thương nặng phải được cố định cột sống cổ. Cụ thể trẻ cần cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng trong các trường hợp:

  • Tất cả các chấn thương nặng. Đặc biệt là chấn thương liên quan có nguy cơ cao tổn thương tủy.
  • Đau, sưng cổ, biến dạng cột sống.
  • Yếu hoặc giảm vận động của chi (liệt)
  • Nôn, đau đầu, choáng váng
  • Giảm hoặc mất cảm giác trên da
  • Dấu hiệu liên quan tới chấn thương đầu
  • Suy giảm tri giác
  • Khó thở
  • Sốc
  • Thay đổi trương lực cơ
  • Rối loạn đại tiểu tiện

Chỉ được bỏ nẹp cố định cho trẻ sau khi bác sĩ khám và loại trừ khả năng chấn thương cột sống cổ. Bên cạnh đó, cần cố định cổ theo đường thẳng trước khi có cố định bằng nẹp cổ. Đối với những trẻ phải di chuyển đến các cơ sở khác phải được cố định thêm bằng dây, túi cát hoặc đệm chân không.

Cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng
Cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng ở trẻ em khi biến dạng cột sống

2. Các bước chuẩn bị cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng

Người thực hiện là nhân viên y tế được đào tạo về kỹ năng cố định cột sống cổ. Các vật tư cần thiết gồm: nẹp cổ các cỡ, bao cát, băng cuộn, gạc vô khuẩn, bông cồn, băng dính,...

Đặt bệnh nhi nằm ngửa trên nền cứng, nhân viên y tế giải thích cho trẻ và người nhà về kỹ thuật sắp làm.

3. Các bước tiến hành cố định cột sống cổ bằng nẹp cứng

3.1. Cách cố định đầu bằng nẹp cổ

  • Một nhân viên y tế giữ và cố định cột sống cổ trên đường thẳng. Một nhân viên khác lựa chọn cỡ nẹp cho phù hợp với trẻ. Khi đã chọn xong, tiến hành lắp nẹp và làm phẳng nẹp cổ.
  • Gập phần dẹt của nẹp qua dưới cổ, chú ý tránh làm di động cổ của trẻ. Gập phần hình khuôn của nẹp đặt vào dưới cằm. Sau đó, gập phần dẹt của nẹp xung quanh cho đến khi tiếp xúc với phần khuôn.
  • Đánh giá xem nẹp có vừa khít không. Nếu chưa vừa thì tháo bỏ nẹp và chọn nẹp khác. Trong quá trình thực hiện thủ thuật chú ý tránh làm di động cổ của trẻ. Khi đã chọn và đặt được nẹp phù hợp tiến hành cố định nẹp bằng cách thắt lại các điểm nối.
  • Tiếp tục giữ đầu - cổ ở đường giữa cho đến khi đầu trẻ được cố định bằng túi cát và băng cuộn.

3.2. Cách cố định đầu bằng túi cát và băng cuộn

Sau khi đã cố định và giữ cổ trên đường thẳng, thực hiện đặt 2 túi cát ở hai bên đầu người bệnh. Đặt băng cuộn đi qua trán của trẻ và cố định chắc vào 2 bên của thành cáng. Sau đó đặt một băng cuộn khác đi qua phần cằm của nẹp cổ cứng rồi cố định chắc vào 2 bên của thành cáng.

Trường hợp bị tai nạn bất ngờ hoặc bị thiếu oxy, trẻ thường sẽ rất sợ hãi, giãy giụa và không chịu phối hợp. Cố định cột sống cổ trong những tình huống này sẽ rất khó khăn, trẻ giãy giụa có thể làm cột sống cổ di lệch thêm, do đó nhân viên y tế chỉ cố gắng đặt nẹp cổ cứng, không nên cố đặt thêm túi cát và băng cuộn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan