Sơ cứu khi gãy xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gãy xương là tình trạng thường gặp trong đời sống hàng ngày chủ yếu là do tai nạn giao thông. Ngoài ra còn xảy ra do tai nạn sinh hoạt, lao động, thể dục, thể thao. Bị gãy xương nếu được sơ cứu kịp thì có thể hạn chế được có tổn thương thêm do di chuyển, hạn chế di lệch xương, hạn chế các tổn thương thần kinh, mạch máu. Đặc biệt trong chấn thương cột sống nếu không được sơ cứu đúng có thể gây tổn thương tủy sống dẫn đến liệt vận động. Trường hợp gãy xương lớn ( xương đùi...), nếu sơ cứu không được cố định tốt thì bệnh nhân bị choáng chấn thương do đau khi di chuyển...

1. Sơ cứu đối với gãy xương cột sống cổ

Chấn thương cột sống cổ thường gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình như liệt, tử vong. Khoảng 70% người bị tai nạn giao thông bị chấn thương cổ và cột sống. Nếu không được sơ cấp cứu tại chỗ đúng cách, nạn nhân có thể nguy kịch và ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn. Các bước cơ bản sơ cấp cứu cho nạn nhân bị chấn thương cột sống như sau:

  • Đầu tiên không được để nạn nhân cố vận động, phải đỡ đầu và cổ nạn nhân cho đến khi cán bộ y tế đến cấp cứu. Giải phóng bệnh nhân khỏi các vật cản như mũ, xe. Trong khi chờ xe cứu thương việc nên làm là nới rộng cổ áo và lót một vòng đệm cổ.
  • Gọi trung tâm cấp cứu 115.
  • Nhẹ nhàng đặt nạn nhân nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay, tránh gập cổ và kiểm tra xem tình trạng tim còn đập, mạch cổ, tình trạng sức khỏe để sẵn sàng chuyển vào viện.
  • Cố định cột sống cổ. Cột sống cổ phải thẳng với trục cơ thể, có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn hai bên tai khi nạn nhân nằm.
  • Kiểm tra các vết thương đang chảy máu để cầm máu bằng băng ép như quần áo hay sợi dây. Đối với vết thương chảy máu ở đầu, người sơ cứu phải quấn băng quanh đầu họ để cầm máu nhưng luôn giữ đầu cố định.
  • Cố định các ổ gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.
  • Di chuyển nạn nhân vào cơ sở y tế gần nhất bằng xe cứu thương, ô tô, tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy và lưu ý luôn giữ tư thế đầu nạn nhân thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

Lưu ý trong quá trình sơ cứu phải giữ người nạn nhân theo một trục thẳng, tốt nhất không nên dịch chuyển. Trường hợp dịch chuyển nạn nhân cần phải có ít nhất 6 người hỗ trợ: 1 người giữ phần đầu, 4 người giữ hai bên lưng và một người giữ chân. Tất cả phải đồng thời cùng một lúc giữ cho cột sống, đầu cổ, chân của nạn nhân theo một trục thẳng rồi mới có thể dịch chuyển. Như vậy mới tránh được những chấn thương đáng tiếc cho nạn nhân.

Tuyệt đối không được tự đưa nạn nhân vào viện cấp cứu bằng xe máy, vô tình khiến chấn thương cổ và cột sống thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục, thậm chí bại liệt về sau. Nếu sơ cứu người bị chấn thương cổ và cột sống không đúng cách có thể gây đứt tủy cổ dẫn đến nạn nhân choáng tủy có thể chết ngay hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không hồi phục.

Sơ cứu khi gãy xương
Lưu ý trong quá trình sơ cứu phải giữ người nạn nhân theo một trục thẳng, tốt nhất không nên dịch chuyển

2. Sơ cứu gãy khung chậu

Khung chậu có hình dạng như một cái chậu thắt ở giữa gồm 2 xương chậu, xương cùng và xương cụt. Vì xương chậu là xương xốp nên khi gãy gây chảy máu nhiều, dễ bị sốc, hay tổn thương đến nội tạng và gây nhiều tai biến, có thể dẫn tới tử vong.

Cách xử trí: Đặt nạn nhân nằm ngửa, chân duỗi thẳng, dùng gối, chăn, màn mỏng kê ở dưới gối. Buộc 2 vòng băng to bản ở khung chậu, băng số 8 xung quanh mắt cá chân và bàn chân và băng 1 băng rộng bản ở đầu gối. Khuyên nạn nhân bất động, giảm đau, chống sốc và vận chuyển người bệnh nhẹ nhàng trên ván cứng về cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

3. Sơ cứu chấn thương cột sống lưng - thắt lưng

Khi bị chấn thương các đốt sống hoàn toàn có thể bị gãy, các dây chằng đĩa đệm bị rách, đứt và vỡ do lực tác động mạnh vào cột sống. Chấn thương vùng thắt lưng thường có thể phối hợp với các thương tổn trong ổ bụng như chảy máu ổ bụng, thủng tạng rỗng, tổn thương niệu quản, bàng quang, gan, lách.

Cách xử trí: Đặt nạn nhân lên một tấm ván cứng có chiều dài bằng cơ thể. Trong khi nâng nạn nhân lên cáng cố gắng đừng để cột sống bị xoắn và gấp góc. Dùng vải buộc 2 chân bệnh nhân với nhau, buộc thân người và cố định đầu bệnh nhân vào cáng. Khi vận chuyển tới cơ sở y tế, không để bệnh nhân bị dịch chuyển, người bị nghiêng.

Lưu ý: Nguyên tắc cơ bản để xử trí gãy xương là cầm máu bên ngoài, nạn nhân bất động và kịp thời giảm đau tránh sốc. Như vậy để giúp cho bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm như sốc do mất máu, liệt tứ chi do xương gãy chèn ép tủy.

Trong quá trình vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện, người bệnh cần phải được dùng thuốc giảm đau, truyền dịch, thở oxy nếu thấy máu chảy nhiều, có dấu hiệu sốc. Tóm lại, việc nhận biết và sơ cứu gãy xương ban đầu rất quan trọng và cần xử lý sớm để tránh những biến chứng, tử vong không đáng có. Sau khi sơ cứu hãy tới bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

4. Sơ cứu nghi ngờ gãy xương chi trên, chi dưới

Sơ cứu khi gãy xương
Cố định vùng bị chấn thương
  • Nếu người bị tai nạn chảy máu bạn hãy dùng băng vô trùng, vải hoặc mảnh quần áo sạch ép chặt lên vết thương.
  • Cố định vùng bị chấn thương: Nếu bạn nghi ngờ người bệnh bị gãy xương tay hoặc chân, hãy cố định khu vực bị thương bằng nẹp qua 2 khớp hoặc băng vải đeo trước ngực.
  • Chườm lạnh cho khu vực bị thương: Bạn bỏ đá lạnh vào một miếng vải sạch và chườm vào khu vực bị thương trong khoảng 10 phút/lần.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec là một trong số ít các Trung tâm đạt chuẩn FIFA trên thế giới và đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm được đầu tư lớn về công nghệ như 3D Technology in Medicine Center (Trung tâm nghiên cứu Công nghệ 3D trong Y học), Motion Analysis Lab (Phòng nghiên cứu, phân tích chuyển động) đầu tiên tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và trên thế giới.

Về chuyên môn, Vinmec đã làm chủ kỹ thuật và tạo ra sự đột phá trong điều trị, với các kĩ thuật tiên tiến cá thể hóa trong điều trị như ánh xạ giải phẫu, phẫu thuật chính xác sử dụng Robot trong mổ, phục hồi chức năng và dinh dưỡng chuyên sâu ... đồng thời có mạng lưới hợp tác với nhiều chuyên gia về lĩnh vực y học thể thao trên thế giới. Chính vì vậy ngày 23/03/2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức kí hợp tác cùng Vinmec nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế dành cho các cầu thủ trong đội tuyển. Bên cạnh việc điều trị chấn thương phục vụ thi đấu, hợp tác giữa VFF và Vinmec còn bao gồm hoạt động nghiên cứu và đào tạo y học thể thao bài bản và chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan