Đa niệu là gì và có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận.

Đa niệu hay đái tháo là tình trạng xảy ra khi lượng nước tiểu hàng ngày của bệnh nhân nhiều hơn 2 lít. Đa niệu thường gây ra nhiều phiền toái, nhất là đa niệu về đêm và có thể là biểu hiện của bệnh lý như đái tháo đường, đái tháo nhạt, sau bệnh lý cấp tính hoặc do yếu tố tâm thần.

1. Bệnh đa niệu là gì?

Bình thường mỗi người thải ra từ 1,2 - 1,7 lít nước tiểu mỗi ngày nếu là đàn ông, 1,1 - 1,5 lít nếu là phụ nữ. Đa niệu (hay còn gọi là đái tháo, đái nhiều) là tình trạng xảy ra khi lượng nước tiểu vượt trên 2 lít mỗi ngày, với điều kiện nghỉ ngơi tại giường, lượng nước đưa vào trong 24 giờ không nhiều quá (trung bình 1,5 lít và không dùng các thuốc lợi tiểu, chế độ ăn uống bình thường).

Bệnh nhân đa niệu thường đi tiểu nhiều lần trong ngày với thể tích nước tiểu mỗi lần nhiều hơn mức bình thường. Do đó, tổng lượng nước tiểu trong ngày (24 giờ) lớn hơn 2 lít.

Triệu chứng đa niệu về đêm thường gắn liền với những trường hợp tiểu nhiều. Tình trạng này được hiểu nôm na là bệnh nhân phải thức dậy ban đêm một vài lần để đi tiểu với số lượng nước tiểu chiếm gần 50% tổng lượng nước tiểu trong ngày. Hiện tượng này có thể gặp ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến hơn ở những người cao tuổi do chức năng thận suy giảm. Tuy nhiên, cần phân biệt đa niệu sinh lýđa niệu bệnh lý.

Đa niệu sinh lý là do lượng nước trong ngày đưa vào cơ thể quá nhiều, ví dụ như do uống nhiều nước hay được truyền nhiều dịch. Vì cơ thể luôn duy trì một thể tích dịch cân bằng, vì vậy lượng nước dư thừa sẽ được đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu, gây ra đái tháo. Với trường hợp này, nếu giảm lượng nước đưa vào thì sẽ hết đa niệu. Khi chẩn đoán đa niệu sinh lý sẽ không phát hiện bất thường trong xét nghiệm nước tiểu, không có đường (glucose) trong nước tiểu và tỷ trọng nước tiểu trên 1,005.

Mặt khác, đa niệu bệnh lý liên quan đến các bệnh lý như tiểu đường, đái tháo nhạt, sau một số bệnh lý cấp tính hoặc do yếu tố tâm thần.

Xét nghiệm nước tiểu bạch cầu cao
Lượng nước tiểu trong một ngày cơ thể thải ra lớn hơn 2 lít được gọi là đa niệu

2. Chẩn đoán đa niệu bệnh lý

2.1. Tiểu đường

Đây là bệnh lý thường gặp nhất gây hiện tượng đa niệu, là tình trạng đường huyết lúc đói tăng cao thường xuyên. Tam chứng kinh điển của tiểu đường bao gồm ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, nhưng thể trạng ngày càng gầy, giảm cân. Chẩn đoán tiểu đường được đưa ra khi có 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

  • Xét nghiệm đường máu lúc đói lớn hơn hoặc bằng 7 mmol/l (hay 126 mg/dL). Thực hiện hai lần vào buổi sáng sớm, cách bữa ăn cuối ít nhất 8 giờ, vào các ngày khác nhau;
  • Xét nghiệm đường máu vào thời điểm bất kỳ trong ngày lớn hơn hoặc bằng 11,1 mmol/l (hay 200 mg/dL) kèm theo triệu chứng của đái tháo đường;
  • Sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, glucose huyết tương lớn hơn hoặc bằng 7 mmol/l (hay 126 mg/dL);
  • Nồng độ HbA1C lớn hơn hoặc bằng 6,5%, với điều kiện bệnh nhân không bị thiếu máu.

2.2. Đái tháo nhạt

Bệnh nhân đái tháo nhạt có biểu hiện tiểu nhiều, trên 2 lít một ngày, kèm theo khát và uống nhiều, cân nặng ít bị ảnh hưởng. Xét nghiệm đường máu không có dấu hiệu bất thường. Nước tiểu không có đường, tỷ trọng nước tiểu giảm dưới 1,005. Trong khi đó, nếu giảm lượng nước uống vào, đa niệu chẳng những không giảm mà còn có thể gây tình trạng mất nước nghiêm trọng.

2.3. Đa niệu sau một số bệnh lý cấp tính

Giai đoạn hồi phục sau một số bệnh lý cấp tính có thể dẫn đến đa niệu, chẳng hạn như sau viêm gan cấp, giai đoạn đa niệu của suy thận cấp, sau ghép thận... Đa niệu dạng này có tỷ trọng nước tiểu trên 1,005. Triệu chứng giảm dần và trở lại bình thường khi bệnh cấp tính được điều trị khỏi hoàn toàn.

2.4. Đa niệu do yếu tố tâm thần

Do rối loạn về tâm thần, bệnh nhân uống nhiều, gây ra đái tháo, nhưng tỷ trọng nước tiểu vẫn trên 1,005. Khi giảm uống nước thì đa niệu cũng giảm theo.

Tiểu đường làm mờ mắt
Tiểu đường là bệnh lý thường gặp nhất gây ra hiện tượng đa niệu ở người bệnh

3. Điều trị bệnh đa niệu

Bệnh nhân cần để ý phát hiện tình trạng bất thường của mình, chẳng hạn như đa niệu về đêm, thức giấc nhiều dẫn đến mất ngủ, tiểu nhiều và thường xuyên khát nước. Sau đó, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra đa niệu.

Nếu nguyên nhân không phải do bệnh lý mà là bắt nguồn từ thói quen sống, như thói quen uống nước vào ban đêm trước khi đi ngủ, dùng các chất kích thích như rượu, bia, cafe, thì nên chủ động hạn chế bớt. Trường hợp đang dùng các thuốc lợi tiểu thì phải cân nhắc vấn đề với bác sĩ, xem xét lại có dùng đúng liều lượng bác sĩ đã cho hay chưa. Nếu đa niệu do nguyên nhân bệnh lý (như Đái đường , tăng huyết áp, suy tim, suy thận, xơ gan...) thì bệnh nhân phải điều trị ổn định bệnh lý cơ bản.

Trong mọi trường hợp, không nên tự ý mua thuốc, tự điều trị vì sẽ dễ gây nguy hiểm nếu điều trị không đúng cách. Ngoài ra, tuyệt đối không được nhịn uống nước để hạn chế đa niệu vì có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng và hôn mê, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ trình độ chuyên môn và phương tiện kỹ thuật trong khám, chữa các bệnh lý liên quan dến bệnh lý đa niệu, đem lại hiệu quả cao . đội ngũ bác sĩ chuyên môn được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế đạt chuẩn và chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan