Đau đầu do tăng hoặc giảm áp lực nội sọ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Đau đầu không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, mà còn gây suy nhược cơ thể và kèm theo các biến chứng nguy hiểm. Có hai loại đau đầu do thay đổi áp lực bên trong hộp sọ gồm: Đau đầu do giảm áp lực nội sọ (giảm áp lực nội sọ tự phát, hoặc SIH) và đau đầu do tăng áp lực nội sọ (tăng áp lực nội sọ vô căn hoặc IIH).

1. Đau đầu do thay đổi áp lực trong sọ

Đau đầu là triệu chứng thường gặp. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp các cơn đau này là lành tính (đau đầu nguyên phát). Đau đầu nguyên phát thường xảy ra khi người bệnh bị căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ hay sử dụng nhiều caffeine. Đau đầu thứ phát, là loại đau đầu do một nguyên nhân thực thể gây ra như u não, viêm màng não, thay đổi áp lực trong sọ,... Đau đầu thứ phát có thể nguy hiểm đến tính mạng, và cần phải được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Có hai loại đau đầu do thay đổi áp lực bên trong hộp sọ gồm: Nhức đầu do giảm áp lực nội sọ (hạ huyết áp nội sọ tự phát, hoặc SIH) và đau đầu do tăng áp lực nội sọ (tăng áp lực nội sọ vô căn hoặc IIH).

Đau đầu
Đầu nhức đầu là tình trạng mọi người hay gặp phải do căng thẳng hay bệnh lý nào đó

2. Đau nhức đầu do giảm áp lực nội sọ ( SIH)

Đau đầu do giảm áp lực nội sọ thường trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh đứng hoặc ngồi và giảm đau khi nằm xuống. Đau đầu do giảm áp lực nội sọ khiến người bệnh đau khắp đầu, nhưng thường bắt đầu ở phía sau đầu, đôi khi gây đau cổ. SIH là bệnh ít gặp nhưng nó có thể thể xảy ra đối với bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

Bên cạnh đó, các triệu chứng đi kèm của đau do giảm áp lực nội sọ gồm:

  • Nghe tiếng chuông kêu trong tai bạn.
  • Chóng mặt.
  • Buồn nôn.
  • Nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng.
  • Mệt mỏi.

Nguyên nhân dẫn đến do giảm áp lực nội sọ là do rò rỉ dịch não tủy (CSF), mặc dù rò dịch não tuỷ thường ở cột sống chứ không phải hộp sọ của bạn. CSF là chất lỏng bao quanh não và thừng tuỷ (spinal cord), giúp bảo vệ não và thừng tuỷ.

Để chẩn đoán được căn bệnh này, sau khi khám, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI và CT não và/hoặc tuỷ để tìm nguyên nhân bệnh. Bác sĩ cũng có thể đo áp lực CSF của người bệnh bằng cách đặt một cây kim vào ống sống thắt lưng.

Thông thường các triệu chứng trên sẽ tự biến mất khi người bệnh có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước và hạn chế caffeine.

Ngoài ra, một số phương pháp điều trị phổ biến là vá lỗ rò dịch não tuỷ ở màng cứng bằng máu tự thân, giúp ngăn chặn rò rỉ CSF. Máu được lấy từ cánh tay của người bệnh và tiêm vào khu vực bị rò của ống tủy sống để vá lại chỗ rò. Do vị trí chính xác của nơi rò rỉ CSF rất khó tìm thấy, nên phương pháp này không thể thực hiện ngay lần đầu tiên, mà phải làm nhiều khảo sát khác để xác định vị trí rò trước khi vá.

Đau đầu do căng thẳng stress kéo dài
Dù đau đầu vì bất cứ lý do gì hãy đến gặp bác sĩ

3. Đau đầu do tăng áp lực nội sọ (IIH)

Các triệu chứng của đau đầu do tăng áp lực nội sọ tương tự với bệnh u não, do vậy IIH thường được gọi là não pseudotumor cerebri (giả u não):

  • Đau đầu do tăng áp lực nội sọ, có tính chất đôi khi giống như đau đầu migrain, cơn đau xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng.
  • Đau cổ và vai.
  • Nhức đầu nặng hơn khi ho, hắt hơi hoặc làm việc quá sức.
  • Nhức đầu nghiêm trọng kéo dài trong một thời gian dài.
  • Thay đổi thị lực (nhìn mờ) hoặc nghe tiếng chuông kêu trong tai.

IIH rất hiếm gặp, như ở Mỹ, chỉ có khoảng 100.000 người Mỹ bị chứng bệnh này. Hầu hết trong số người bị bệnh là phụ nữ béo phì trong độ tuổi sinh đẻ.

Nguyên nhân của bệnh IIH là do ứ trệ dịch não tuỷ dẫn đến tăng áp lực nội sọ. Béo phì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh IIH, ngoài ra một số loại thuốc như tetracycline, steroid, hormone tăng trưởng, thậm chí quá nhiều vitamin A cũng là nguyên nhân.

Sau khi xem xét kĩ về tiền sử bệnh lý của người bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI và CT để tìm ra nguyên nhân của bệnh và cũng để loại trừ các nguyên nhân khác có triệu chứng tương tự. Người bệnh được khám mắt để đánh giá thị lực, thị trường vì IIH thuường gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh có thể dẫn đến phù nề gai thị - gây ảnh hưởng lớn đến thị lực của người bệnh. Tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

Chọc dò tủy sống là phương pháp phổ biến trong điều trị đau đầu do tăng áp lực nội sọ, để kiểm tra áp lực CSF của người bệnh. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một cây kim vào khoang chứa dịch não tuỷ ở vùng ống sống thắt lưng và một dụng cụ đặc biệt gọi là áp kế đo áp lực dịch não tuỷ. Thông qua kim này, bác sĩ cũng có thể lấy dịch não tuỷ để làm xét nghiệm hoặc dẫn lưu dịch não tuỷ,...

Cách tốt nhất để giảm bớt tác dụng của IIH là giảm cân. Giảm cân làm giảm áp lực lên não và dây thần kinh thị giác của người bệnh. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật giảm cân nếu thuộc dạng béo phì nghiêm trọng. Các nghiên cứu cho thấy rằng các triệu chứng của bệnh có thể giảm kể cả khi cơ thể giảm từ 5% -10% thông qua ăn uống lành mạnh, tập thể dục và cắt giảm muối.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng nên kiểm tra thị lực thường xuyên và đầy đủ để theo dõi biến chứng lên dây thần kinh thị giác của đau đầu do tăng áp lực nội sọ. Một số trường hợp, bác sĩ chỉ định dùng thuốc acetazolamide để làm giảm sản xuất CSF của cơ thể người bệnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật để giảm bớt áp lực trong sọ. Phẫu thuật mắt cũng là một biện pháp điều trị có thể cân nhắc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, health.harvard.edu

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan