Dấu hiệu viêm phổi nặng ở trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Viêm phổi là nguyên nhân truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em trên toàn thế giới. Nguyên nhân của viêm phổi có thể do virus, vi khuẩn hoặc nấm. Viêm phổi trẻ em có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng, dinh dưỡng đầy đủ và giải quyết các yếu tố môi trường.

Viêm phổi có triệu chứng từ nhẹ đến nặng và bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, bài viết sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh phát hiện được các dấu hiệu của viêm phổi nặng ở trẻ nhỏ.

1. Dấu hiệu của viêm phổi ở trẻ nhỏ

Nếu trẻ bị viêm phổi, các dấu hiệu của bệnh và các triệu chứng thường gặp phải sẽ phụ thuộc vào tuổi của trẻ, nguyên nhân gây bệnh (loại vi khuẩn hoặc virus nào gây viêm phổi), mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và các bệnh lý tiềm ẩn nào khác mà trẻ đang có.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tháng tuổi, có triệu chứng như:

  • Khó thở - thở rên hoặc di chuyển đầu lên xuống theo từng nhịp thở;
  • Co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào);
  • Thở nhanh;
  • Ngừng thở;
  • Khó cho bú sữa mẹ;
  • Không có tã ướt từ 12 giờ trở lên;
  • Sốt hoặc nhiệt độ lên xuống rất nhiều;
  • Cáu kỉnh và ngủ không ngon;
  • Tím tái ở môi hoặc dưới lưỡi.

Cũng như các triệu chứng trên, trẻ trên 1 tháng tuổi có thêm các triệu chứng như:

  • Ho nhiều, mặc dù có thể nhẹ;
  • Khó thở và co rút các cơ dưới ngực khi thở;
  • Thở mạnh và tạo ra âm thanh khò khè.

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ mới biết đi và trẻ lớn: trẻ lớn hơn bị viêm phổi sẽ có các triệu chứng giống như trẻ sơ sinh và có thêm các triệu chứng khác như:

  • Phàn nàn về đau ở ngực hoặc bụng;
  • Nôn sau khi ho;
  • Từ chối ăn hoặc uống.

Bố mẹ cần đưa trẻ đi đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu trẻ có dấu hiệu viêm phổi nặng, như:

  • Trẻ ngừng thở trong 20 giây. Điều này thực sự quan trọng đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ sinh non vì đây có thể là triệu chứng duy nhất mà bố mẹ có thể phát hiện dấu hiệu của viêm phổi nặng.
  • Trẻ bị sốt và khó thở. Trẻ thở rên hoặc co rút các cơ lồng ngực khi thở, triệu chứng này khiến bố mẹ trông trẻ như đang thở bằng bụng.
  • Môi hoặc dưới lưỡi chuyển sang màu xanh tím.
Trẻ khó thở
Khó thở là một trong những dấu hiệu điển hình của viêm phổi ở trẻ

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi nặng ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân viêm phổi là do một số tác nhân truyền nhiễm bao gồm virus, vi khuẩn và nấm. Phổ biến nhất là:

  • Streptococcus pneumoniae - nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ em.
  • Haemophilusenzae type b (Hib) - nguyên nhân phổ biến thứ hai gây viêm phổi do vi khuẩn.
  • Virus hợp bào đường hô hấp là nguyên nhân do virus phổ biến nhất của viêm phổi.
  • Ở trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV, bào tử nấm Pneumocystis jiroveci là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi, chịu trách nhiệm cho ít nhất một phần tư số ca tử vong do viêm phổi ở trẻ nhiễm HIV.

3. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ trẻ mắc viêm phổi?

Trong khi hầu hết trẻ em khỏe mạnh có thể chống lại tác nhân gây bệnh nhiễm bằng khả năng phòng vệ tự nhiên, tuy nhiên những trẻ có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn. Hệ thống miễn dịch của trẻ có thể bị suy yếu do suy dinh dưỡng hoặc thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn. Trẻ có các bệnh từ trước, như nhiễm HIV và sởi cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Các yếu tố môi trường sau đây cũng làm tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi của trẻ:

  • Ô nhiễm không khí trong nhà do nấu ăn và sưởi ấm bằng nhiên liệu từ vật liệu hữu cơ (như gỗ hoặc phân).
  • Sống trong những gia đình đông thành viên.
  • Bố mẹ hút thuốc.

4. Bố mẹ cần làm gì để phòng viêm phổi cho trẻ?

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Tiêm vắc-xin phòng chống Hib, phế cầu khuẩn, sởi và ho gà là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa viêm phổi

Ngăn ngừa viêm phổi ở trẻ em là một mục tiêu quan trọng của chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Tiêm vắc-xin phòng chống Hib, phế cầu khuẩn, sởi và ho gà là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa viêm phổi.

Dinh dưỡng đầy đủ là chìa khóa để cải thiện khả năng phòng vệ tự nhiên của trẻ, bố mẹ hãy bắt đầu bằng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Ngoài hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm phổi, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp giảm trẻ nhanh chóng hồi phục và rút ngắn thời gian mắc bệnh nếu trẻ bị viêm phổi.

Giải quyết các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí trong nhà (không hút thuốc lá trong nhà) và khuyến khích vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là gia đình đông người cũng giúp giảm số trẻ em bị bệnh viêm phổi.

Ở trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ sẽ được uống thuốc kháng sinh cotrimoxazole hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Blf.org.uk và Who.int

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan