Dị ứng hạt Quinoa: Các triệu chứng và ngũ cốc thay thế

Hạt Quinoa được coi là một loại siêu thực phẩm vô cùng bổ dưỡng và mang nhiều lợi ích đối với sức khoẻ tổng thể của con người. Tuy nhiên, một số trường hợp nhạy cảm với Quinoa có thể dẫn đến các triệu chứng dị ứng từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Việc biết được nguyên nhân gây dị ứng hạt Quinoa sẽ giúp bạn có biện pháp xử lý kịp thời và tránh các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.

1. Tổng quan về hạt Quinoa

Quinoa được biết đến là một loại hạt giả ngũ cốc thơm ngon và rất phổ biến ở Nam Mỹ. Nó có hương vị và đặc tính tương tự như các loại ngũ cốc thông thường khác. Nhiều người coi hạt Quinoa là một loại siêu thực phẩm vì nó có chứa nhiều protein, nước, chất xơ và carbohydrate.

Mặc dù hạt Quinoa chứa ít natri nhưng rất giàu kali, canxi và sắt...có thể trở thành một lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh cho bất kỳ chế độ ăn kiêng nào.

Trong một số trường hợp, mọi người khi ăn hạt Quinoa có thể gặp phải các triệu chứng như ngứa da, đau bụng, nổi mề đay và các triệu chứng thông thường khác của tình trạng dị ứng thực phẩm. Nguyên nhân là vì trong hạt và lớp phủ bên ngoài của Quinoa chứa các hợp chất saponin, có khả năng gây ra tình trạng dị ứng ở người sử dụng.

Nếu bạn bị dị ứng hạt Quinoa hoặc cơ thể nhạy cảm với chất saponin thì điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ việc thưởng thức loại hạt dinh dưỡng này. Để ngăn ngừa phản ứng dị ứng xảy ra, bạn nên rửa hạt Quinoa trước khi ăn để loại bỏ lớp phủ có chứa saponin ở bên ngoài hoặc thay thế nó bằng các loại ngũ cốc lành mạnh khác.

2. Các triệu chứng của tình trạng dị ứng hạt Quinoa

Nếu cơ thể không dung nạp hoặc bị dị ứng hạt Quinoa, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng điển hình như:

  • Ngứa;
  • Các triệu chứng giống như bệnh hen suyễn như: Khó thở, ho, thở khò khè hoặc cảm thấy tức ngực;
  • Viêm da, viêm đường tiêu hoá hoặc viêm phổi;
  • Bệnh chàm;
  • Mẩn ngứa hoặc nổi mề đay;
  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa;
  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải các phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi ăn hạt Quinoa, bao gồm:

  • Sưng mặt;
  • Da nhợt nhạt;
  • Huyết áp thấp;
  • Nhịp tim tăng cao;
  • Khó thở hoặc không thở được.

Saponin trong hạt Quinoa là một chất xà phòng, có vị đắng và giúp bảo vệ cây Quinoa khỏi sự tấn công của các loại côn trùng hoặc nấm gây bệnh. Ngoài ra, nó cũng chứa độc tố, có khả năng gây kích ứng và dẫn đến các vấn đề sức khoẻ khác ở một số người. Tuy nhiên mức độ gây độc hại của saponin trong hạt Quinoa là khá thấp, do đó nó ít gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Nếu bị dị ứng với saponin trong ngũ cốc Quinoa thì bạn vẫn có thể ăn chúng miễn là rửa sạch hạt trước khi sử dụng. Tốt nhất, bạn nên ngâm hạt Quinoa ít nhất 30 phút và cố gắng rửa sạch nhiều lần trước khi nấu, điều này sẽ giúp loại bỏ lớp phủ tự nhiên có chứa saponin gây kích ứng cho cơ thể.

dị ứng hạt Quinoa
Mọi người khi ăn hạt Quinoa có thể gặp phải các triệu chứng như ngứa da, đau bụng, nổi mề đay

3. Các loại thực phẩm nên tránh và thay thế hạt Quinoa

Nếu bạn bị dị ứng Quinoa thì sẽ cần phải chú ý đến những món ăn có chứa loại hạt này hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào có thể gây ra phản ứng chéo, nhằm tránh gặp phải các triệu chứng dị ứng không mong muốn. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn cũng có thể thay thế ăn hạt Quinoa bằng các loại ngũ cốc lành mạnh khác.

3.1 Các thực phẩm gây phản ứng chéo

Hạt Quinoa có cùng họ với củ cải đường, rau bina và cải Thuỵ Sĩ. Do đó, khi tiêu thụ những loại thực phẩm này, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng dị ứng tương tự như khi ăn hạt Quinoa.

3.2 Các loại thực phẩm cần tránh

Nếu bạn bị dị ứng hạt Quinoa thì nên tránh tiêu thụ những thực phẩm được làm từ loại giả ngũ cốc này, chẳng hạn như bột Quinoa, súp, ngũ cốc ăn sáng hoặc các món ăn kết hợp như cơm Pilaf.

Trong trường hợp chất saponin của Quinoa là thủ phạm chính gây ra dị ứng, bạn sẽ cần phải tránh tiêu thụ những loại thực phẩm khác cũng có chứa saponin, chẳng hạn như:

  • Đậu nành;
  • Đậu xanh;
  • Hạt rau dền;
  • Đậu phộng;
  • Đậu hải quân;
  • Đậu tây.

Thực chất, khó có thể loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày. Điều quan trọng là bạn cần phải thường xuyên theo dõi các phản ứng của cơ thể khi ăn một số loại đậu hoặc hạt nhằm xác định xem có cần phải tránh tiêu thụ hoàn toàn chúng? Nếu không thì nên ăn như thế nào cho an toàn?

3.3 Các loại ngũ cốc thay thế hạt Quinoa

Nếu không thể ăn hạt Quinoa, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các loại ngũ cốc bổ dưỡng khác để thay thế, bao gồm:

Kiều mạch: Loại hạt này rất ngon và đa năng, tuy nhiên nó không thuộc họ lúa mì. Hạt kiều mạch được xem là một nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng dồi dào, nhờ thành phần chất xơ và protein cao hơn so với hạt Quinoa. Bạn có thể sử dụng kiều mạch cho các món bánh như bánh quy sô cô la, bánh quế chanh hoặc bánh crepe mặn.

Hạt kê: Kê là một nhóm các loại ngũ cốc không chứa gluten, được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày bởi những lợi ích sức khỏe ấn tượng. Có 4 loại kê khác nhau và được trồng rộng khắp các nơi trên thế giới, bao gồm:

  • Kê ngọc trai;
  • Kê đuôi chồn;
  • Kê Proso;
  • Kê ngón tay.

Kê ngọc trai là loại kê được sản xuất rộng rãi nhất. Mặc dù rất giàu chất chống oxy hoá và carbohydrate, nhưng hàm lượng chất xơ của kê ngọc trai chỉ bằng một nửa so với hạt Quinoa. Bạn có thể sử dụng hạt kê để làm các món bánh như bánh táo hoặc món xôi.

Lúa mạch: Lúa mạch là một loại ngũ cốc rất tốt cho người tiểu đường vì nó chứa nhiều chất xơ và kali. Nhờ hương vị vô cùng hấp dẫn, lúa mạch có thể trở thành một loại thực phẩm hoàn hảo, dễ dàng kết hợp với bất kỳ món ăn nào. Bạn có thể sử dụng lúa mạch cho các món như salad hoặc cơm Ý (risotto).

Hạt lúa mì: Loại hạt này có cùng hàm lượng protein như Quinoa, tuy nhiên lượng chất béo ít hơn một nửa. Hạt lúa mì không chỉ chứa nhiều chất xơ, hương vị hấp dẫn mà còn rất phù hợp khi ăn cùng các món salad, thịt gà hoặc quả anh đào.

Lúa mì Freekeh: Những người sành ăn thường coi lúa mì Freekeh là một loại ngũ cốc siêu hấp dẫn. Freekeh là loại lúa mì xanh, rất phổ biến ở vùng Trung Đông, nó là một nguồn cung cấp chất xơ và protein vô cùng tuyệt vời. Bạn có thể sử dụng Freekeh trong các món như salad, súp cà ri hoặc kết hợp với một số thảo mộc.

Dị ứng hạt Quinoa
Dị ứng hạt Quinoa sẽ gặp phải các triệu chứng điển hình như buồn nôn

4. Dị ứng hạt Quinoa được điều trị như thế nào?

Bạn có thể gặp phải các phản ứng dị ứng từ nhẹ cho tới nặng sau khi ăn hạt Quinoa. Trong trường hợp bị dị ứng hạt Quinoa nghiêm trọng, bạn sẽ có nguy cơ cao bị sốc phản vệ. Do đó cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức khi có các triệu chứng của dị ứng Quinoa.

Nếu chỉ là một phản ứng dị ứng không đáng kể, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin dạng uống cho bạn. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể tiêm epinephrine hoặc EpiPen cho bệnh nhân để xử lý kịp thời sốc phản vệ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan