Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ

Bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Bên cạnh các phác đồ điều trị và vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng cho người sau tai biến vô cùng quan trọng. Thực phẩm giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, giảm nguy cơ giảm sức đề kháng và tàn tật suốt đời.

1. Tìm hiểu về đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra những tổn thương lâu dài, tàn tật và tử vong. Tại Hoa Kỳ, khoảng 750.000 ca đột quỵ xảy ra mỗi năm. Trong cơn đột quỵ, một hoặc nhiều vùng não có thể bị tổn thương. Tùy thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng, người bệnh có thể mất khả năng cử động một bên của cơ thể, khả năng nói hoặc một số chức năng khác. Các tổn thương này có thể diễn ra tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Các biện pháp điều trị và phòng ngừa sớm có thể làm giảm tổn thương não do đột quỵ. Việc điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ (ví dụ như thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết), thời gian kể từ khi các triệu chứng đột quỵ đầu tiên xảy ra và các vấn đề y tế cơ bản của bệnh nhân.

Trong đó, đột quỵ xuất huyết xảy ra khi các mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ, gây chảy máu trong hoặc xung quanh não. Khoảng 20 % ca đột quỵ là đột quỵ xuất huyết. Chảy máu quanh não được gọi là xuất huyết dưới nhện (SAH) thường do vỡ mạch máu bất thường (chứng phình động mạch) trên bề mặt não. Chảy máu vào não được gọi là xuất huyết não (ICH) và thường do huyết áp cao gây ra.

2. Thực phẩm cho người sau đột quỵ

Sau đột quỵ, một số bệnh nhân khó tiêu thụ đủ lượng calo cần thiết. Có nhiều trường hợp, người bệnh bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng trước khi bị đột quỵ. Những vấn đề này có thể cản trở khả năng phục hồi sau đột quỵ, tăng nguy cơ tàn tật lâu dài.

Vì những lý do này, tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân nên được đánh giá trước khi xuất viện. Điều này bao gồm việc xem xét trọng lượng cơ thể trong quá khứ và hiện tại của bệnh nhân, tiền sử cơ bản về thói quen ăn uống của bệnh nhân, xét nghiệm máu và khám sức khỏe tập trung vào tình trạng của mắt, tóc, da, miệng và cơ.

Nếu một người không thể tiêu thụ đủ lượng calo, một ống dẫn thức ăn có thể được đặt qua mũi và vào dạ dày (gọi là ống thông mũi dạ dày). Nếu cần đặt ống cho ăn trong hơn hai đến ba tuần, một ống có thể được đưa qua bụng vào dạ dày (được gọi là ống thông dạ dày nội soi qua da [PEG]). Ống PEG có thể được rút ra nếu người bệnh lấy lại được khả năng ăn uống bình thường.

Vậy sau khi có thể ăn uống bình thường, người bệnh nên ăn uống gì để sớm phục hồi sức khỏe?

Theo đó, các nhóm thực phẩm giúp người bị tai biến nhanh chóng phục hồi bao gồm:

Ưu tiên ăn các loại cá

Sở hữu nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cá là thực phẩm được khuyến khích tiêu thụ cho bệnh nhân sau tai biến. Các thành phần tiêu biểu có trong cá bao gồm: Phốt-pho, các acid béo không bão hòa, cholesterol tốt... Theo các chuyên gia, các chất này giúp triệt tiêu những mảng xơ vữa bám trong thành mạch máu – tác nhân số 1 gây nên bệnh đột quỵ.

Người bệnh nên ăn các loại cá như: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá nước ngọt,...

Ăn các loại rau củ nhiều chất xơ

Rau xanh, trái cây là những thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho người đột quỵ. Trong rau xanh có đầy đủ hàm lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể. Trái cây có các thành phần vitamin cùng chất chống oxy hóa, giảm cholesterol,... Nhờ vậy, các thực phẩm này giúp triệt tiêu gốc tự do, góp phần cải thiện chứng xơ vữa động mạch.

Một số loại rau xanh, trái cây được bác sĩ khuyến khích tiêu thụ như: Rau cải xanh, súp lơ, cà rốt, quả mâm xôi, táo, họ nhà cam,...

Một số loại sữa

Bệnh nhân sau tai biến có sức khỏe rất yếu. Do đó, việc tăng cường dưỡng chất từ sữa và các sản phẩm thay thế cực kỳ quan trọng. Cơ thể người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi và cải thiện các triệu chứng khác. Cụ thể:

  • Sữa ít béo: Vừa có tác dụng tăng cường canxi lại không gây béo phì. Nhờ vậy, người bệnh sẽ giảm thiểu cholesterol xấu, giúp hạ huyết áp hiệu quả, hỗ trợ phòng ngừa tai biến.
  • Sữa bò hữu cơ đóng vai trò phòng ngừa bệnh huyết áp cao do chứa nhiều kali. Đặc biệt, đây là loại sữa có hàm lượng omega 3 cao giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
  • Sữa gạo đóng vai trò giảm lượng cholesterol xấu trong máu nhờ chứa nhiều carbohydrate.
  • Sữa đậu nành không đường là loại sữa có nguồn gốc từ thực vật, ít béo.
  • Sữa chua là một sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, giúp giảm cân, phù hợp với những người béo phì mà bị tai biến mạch máu não.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau đột quỵ
Ưu tiên ăn các loại rau củ nhiều chất xơ

3. Các biện pháp khác chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ

Bệnh nhân sau tai biến có thể gặp phải nhiều biến chứng như: Loét chân, nguy cơ té ngã cao. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc khác đối với bệnh nhân đột quỵ.

● Nên đặt bệnh nhân một góc 30 độ khi nằm nghiêng để tránh áp lực trực tiếp lên xương hông (trochanter lớn hơn).

● Có thể cần phải đặt gối hoặc đệm mút ở giữa mắt cá chân và đầu gối để tránh áp lực tại các vị trí này.

● Phần gót cần được chú ý đặc biệt. Có thể kê gối dưới cẳng chân để nâng cao gót, hoặc có thể sử dụng dụng cụ bảo vệ gót chân đặc biệt.

● Nên hạn chế độ cao của đầu giường.

● Để giảm nguy cơ té ngã, bệnh nhân nên được hướng dẫn tập các bài tập tăng cường cơ bắp và phục hồi thăng bằng.

● Đánh giá rủi ro té ngã: Có thể khuyến nghị đánh giá để xác định xem một người có nguy cơ ngã hay không. Nếu có nguy cơ té ngã, bệnh nhân có thể được hướng dẫn tập đi, tập thăng bằng để giảm nguy cơ.

● Các mối nguy hiểm trong nhà như ánh sáng kém hoặc thảm lỏng có thể làm tăng nguy cơ ngã. Do đó, người nhà bệnh nhân nên loại bỏ thảm lỏng, dây điện hoặc các vật dụng khác có thể dẫn đến vấp, trượt và ngã; đảm bảo rằng có đủ ánh sáng ở tất cả các khu vực bên trong và xung quanh nhà (bao gồm cầu thang và lối vào); tránh đi bộ trên sàn ướt hoặc sàn bóng có khả năng trơn trượt khác...

Với những thông tin trên, hy vọng người nhà cũng như người bệnh sau đột quỵ đã có những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho người sau tai biến cũng như các biện pháp chăm sóc đặc biệt khác. Nhờ vậy, bệnh nhân đột quỵ sẽ nhanh chóng phục hồi và giảm nguy cơ biến chứng cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: uptodate.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan