Khoai tây chiên liên quan đến nguy cơ tử vong sớm

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy những người ăn khoai tây chiên nhiều hơn 2 lần mỗi tuần có nguy cơ tử vong sớm hơn người không ăn. Trong khi đó, khoai tây hấp hoặc luộc không liên quan đến rút ngắn tuổi thọ.

1. Số liệu từ nghiên cứu

Khoai tây chiên là một món ăn có nguồn gốc từ Bỉ, dần phổ biến tại các nước Âu - Mỹ, và hiện nay đã có mặt ở khắp nơi trên toàn cầu. Số lượng khoai tây chiên được tiêu thụ ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Trong năm 2014, mỗi người Mỹ dùng hết khoảng 50kg khoai tây. Trong đó, 15kg là khoai tây tươi và 35kg còn lại đã được chế biến, phần lớn là khoai tây chiên. Khoai tây chiên còn là món ăn vặt số một được trẻ mới biết đi, từ 15 - 18 tháng tuổi, cho đến người trưởng thành yêu thích.

Mặc dù nhiều người biết rằng khoai tây chiên có thể không mang lại lợi ích cho sức khỏe, nhưng rất hạn chế dữ liệu khoa học chứng minh vấn đề này. Vì vậy, một nhóm nghiên cứu đã chia 4.440 người tham gia, độ tuổi từ 45 - 79, thành các nhóm nhỏ, dựa trên tần suất ăn khoai tây mỗi tuần. Trong 8 năm, tổng cộng 236 người đã tử vong. Phân tích dữ liệu cho từng nhóm, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng những người ăn khoai tây chiên 2 - 3 lần mỗi tuần sẽ gấp đôi nguy cơ tử vong sớm so với những người không ăn.

Tuổi tác hoặc giới tính của những người tham gia không ảnh hưởng đến kết quả, nhưng dữ liệu cho thấy nam giới và người trẻ tuổi có xu hướng dùng khoai tây chiên nhiều hơn phụ nữ và người lớn tuổi.

Khoai tây chiên, bao gồm khoai tây que, khoai tây lát và bánh chiên làm từ khoai tây, chứa rất nhiều chất béo và muối có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tiêu thụ với số lượng lớn sẽ dẫn đến huyết áp cao, tiểu đường hoặc béo phì - những yếu tố nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Người dùng nhiều khoai tây chiên cũng yêu thích các loại thực phẩm giàu chất béo hoặc nhiều muối khác như nước ngọt, thức ăn nhanh và thịt đỏ.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không thể khẳng định ăn khoai tây chiên trực tiếp gây tử vong sớm, họ chỉ tìm thấy mối liên hệ giữa hành vi và kết quả. Những yếu tố quan trọng khác, bao gồm béo phì, lối sống ít vận động và sử dụng lượng muối cao,... cũng có thể đóng vai trò trong nguy cơ giảm tuổi thọ của những người ăn nhiều hơn 2 phần khoai tây chiên mỗi tuần. Vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận cuối cùng.

tiểu đường trẻ em
Ăn nhiều khoai tây chiến sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường ở trẻ em

2. Ăn khoai tây chiên có tốt không?

2.1. Giá trị dinh dưỡng của khoai tây

Khoai tây vốn dĩ là một loại củ quả rất tốt cho sức khỏe. Một củ khoai tây cỡ trung bình có 110 calo, không chất béo, không natri, không cholesterol và cung cấp gần 1/3 nhu cầu vitamin C hàng ngày, mặt khác chúng lại chứa nhiều kali hơn một quả chuối. Các chất dinh dưỡng cơ bản như hàm lượng calo, chất béo và natri, hầu như không bị tác động cho dù khoai tây được chế biến như thế nào. Không có bằng chứng cho thấy tiêu thụ khoai tây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay tử vong sớm.

2.2. Chất béo chuyển hóa trong khoai tây chiên

Khoai tây trắng chưa nấu chín là một loại thực phẩm tương đối tốt cho sức khỏe vì chứa một lượng chất xơ, vitamin và vi chất dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, khoai tây chiên thường có nhiều chất béo và thêm muối. Một lượng khoai tây chiên vừa phải có 365 calo cùng với 17g chất béo, chiếm 26% nhu cầu hàng ngày.

Nhìn chung, dầu ăn giàu chất béo chuyển hóa là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ tử vong sớm ở những người thường xuyên ăn khoai tây chiên. Chất béo chuyển hóa đã được chứng minh là làm tăng cholesterol "xấu" trong máu, hay còn gọi là LDL, có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

tim mạch
Chất béo chuyển hóa trong khoai tây chiên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

2.3. Acrylamide trong khoai tây chiên

Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mối nguy hiểm tiềm ẩn khi ăn thực phẩm chứa tinh bột chiên, như khoai tây chiên, chính là acrylamide.

Acrylamide là một hóa chất được tạo ra khi thực phẩm giàu tinh bột, như khoai tây, được chiên hoặc nướng ở nhiệt độ cao. Quá trình chế biến này là một phản ứng tạo ra Acrylamide - một nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư và được coi là độc hại đối với con người.

Bạn có thể giảm lượng acrylamide bằng cách luộc hoặc hấp thức ăn chứa tinh bột, thay vì chiên chúng. Nếu vẫn muốn làm món chiên, hãy chế biến thật nhanh chóng. Thực phẩm chiên hoặc nướng càng sẫm màu thì càng chứa nhiều acrylamide.

Cuối cùng, bạn không nên lưu trữ khoai tây trong tủ lạnh vì có thể dẫn đến việc sản xuất nhiều acrylamide hơn khi mang ra chế biến.

khoai tây
Luộc hoặc hấp khoai tây sẽ hạn chế chất Acrylamide

3. Lưu ý khi ăn khoai tây chiên

Mặc dù khoai tây là một thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng có đến 7 trên 9 chuyên gia không khuyến khích ăn khoai tây chiên. Ngoài chất béo từ dầu chiên và nêm nếm với muối, món ăn này còn loại bỏ vỏ khoai - một trong những phần lành mạnh nhất, chứa nhiều dinh dưỡng và chất xơ.

Hơn nữa, một nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu chất béo và carbohydrate tinh chế như khoai tây chiên, có khả năng gây nghiện. Nguy cơ tử vong sớm được ghi nhận ở những người ăn khoai tây chiên nhiều hơn 2 lần/ tuần. Vì vậy bạn có thể ăn tối đa 1 lần/ tuần hoặc ít hơn để không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Giống như tất cả những loại thực phẩm khác, khoai tây chiên hầu như vô hại nếu bạn chỉ ăn trong chừng mực và áp dụng một số lời khuyên hữu ích sau:

  • Hạn chế ăn khoai tây chiên cùng với những món siêu béo khác như bánh mì hamburger, gà rán,... thay vào đó là ăn cùng với salad rau;
  • Tránh chấm khoai tây chiên với sốt cà chua, bơ đường và xốt mayo béo;
  • Không chiên khoai trong dầu chưa đủ độ nóng hoặc dầu ăn đã qua sử dụng. Nếu có thể, hãy sử dụng dầu ô liu với số lượng tối thiểu;
  • Cắt khoai thành miếng dày để ngấm dầu ít hơn;
  • Tự chuẩn bị và thưởng thức một phần khoai tây chiên nhỏ tại nhà thay vì ăn ngoài nhà hàng;
  • Nếu phải ăn bên ngoài, hãy gọi một phần nhỏ, hoặc chia sẻ phần ăn với một vài người bạn cùng ăn.
sốt cà chua
Tránh chấm khoai tây chiên với nước sốt cà chua

Tiêu thụ nhiều khoai tây chiên được đánh giá là kém lành mạnh, có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác. Do đó, bạn nên hạn chế món ăn khoái khẩu này và tăng cường bổ sung các loại trái cây, rau quả thay thế khác tốt hơn. Nếu không thể loại bỏ khoai tây chiên ra khỏi chế độ ăn uống, hãy dùng có chừng mực và chế biến theo cách lành mạnh nhất tại nhà.

Nguồn tham khảo: webmd.com, edition.cnn.com/, time.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan