Muối có thể ảnh hưởng xấu đến huyết áp của bạn

Khi ăn quá nhiều muối cơ thể sẽ giữ nước để làm loãng lượng muối mà bạn hấp thụ được từ bên ngoài. Tuy nhiên lượng nước bổ sung này làm tăng lượng máu, có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn vì nó đẩy nhiều chất lỏng qua các mạch máu. Vậy việc ăn muối quá nhiều ảnh hưởng đến việc tăng huyết áp trong cơ thể bạn như thế nào?

Khi nhắc đến chỉ số huyết áp trong cơ thể, nhiều người thường không nghĩ đến thận. Tuy nhiên, khi cơ quan hình hạt đậu này bị tổn thương hoặc bị mất cân bằng mà việc ăn quá nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây ra điều đó thì cả huyết áp nói riêng và hệ thống tim mạch nói chung đều sẽ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề.

Thận của một người trưởng thành, sức khỏe bình thường lọc hơn 120 lít máu mỗi ngày. Thận kéo chất độc và các loại chất thải lỏng từ các tế bào trên khắp cơ thể, sau đó đưa chúng đến bàng quang. Ăn quá nhiều muối có thể khiến quá trình lọc của thận bị ảnh hưởng dẫn đến sự tích tụ chất độc và các chất thải trong mạch máu và làm huyết áp tăng lên.

1. Chu kỳ tổn thương: Tim chịu ảnh hưởng như thế nào?

Như đã đề cập ở phần trên, theo thời gian ăn mặn tăng huyết áp, làm cứng và thu hẹp tiết diện của các mạch máu. Khiến cho lưu lượng máu và oxy đến các cơ quan quan trọng giảm. Vì vậy, tim cố gắng nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, điều này càng làm chỉ số huyết áp tăng cao. Bác sĩ tim mạch Luke Laffin cho biết: “Huyết áp tăng cao, đặc biệt trong thời gian dài, gây ra những căng thẳng nghiêm trọng cho tim. Điều này có thể khiến buồng tim bên trái mở rộng quá mức và làm suy yếu cơ tim (suy tim). Tăng huyết áp không được kiểm soát cũng có thể tác động xấu thành động mạch, bắt đầu tích tụ chất béo, dẫn đến bệnh tim và có khả năng bị đau tim hoặc đột quỵ. Tiến sĩ Laffin nói thêm: “Cách tốt nhất để ngăn ngừa cơn đau tim là ngăn chặn các động mạch bị tổn thương”.

tim mạchk
Chức năng của tim sẽ bị ảnh hưởng nếu người bệnh ăn nhiều muối trong thời gian dài

2. Tăng huyết áp ảnh hưởng như thế nào đến thận?

Không cần đến các bằng chứng mang tính khoa học nhiều người cũng đã có thể thấy được mối liên hệ về vấn đề tăng huyết áp với những bệnh lý của thận. Tăng huyết áp gây thêm áp lực lên các đơn vị lọc của thận, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Điều này làm suy giảm khả năng điều tiết chất lỏng của thận, làm tăng huyết áp. Bác sĩ chuyên khoa tăng huyết áp George Thomas, Giám đốc Trung tâm Rối loạn huyết áp thuộc Khoa Thận và Tăng huyết áp Hoa Kỳ cho biết. "Tình trạng huyết áp cao và bệnh đái tháo đường không kiểm soát được là những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận." Thật không may, đại đa số những người bị bệnh thận không nhận ra họ mắc bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể là do các bệnh lý khác và thường xuất hiện khi thận đã bắt đầu bị suy. Do đó, việc thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở thận là điều rất cần thiết. Dưới đây là các triệu chứng cần theo dõi:

  • Mệt mỏi bất thường.
  • Khó ngủ, ngủ không sâu giấc
  • Da bị ngứa.
  • Đi tiểu ít hơn bình thường
  • Có máu hoặc bọt trong nước tiểu.
  • Sưng đau ở một số vị trí như mắt cá chân, bàn chân hoặc quanh mắt.
  • Chán ăn, buồn nôn hoặc nôn.
  • Chuột rút cơ bắp.
  • Thay đổi vị giác.

Nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, đặc biệt với những người nguy cơ cao mắc bệnh thận như: trên 60 tuổi, mắc bệnh tăng huyết áp, mắc bệnh đái tháo đường hoặc có tiền sử gia đình bị suy thận cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra cũng như nhận lời khuyên từ các bác sĩ, đặc biệt là về lượng muối ăn hàng ngày.

Buồn ngủ, ngủ ngày, ngáp ngủ, mệt mỏi
Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi bất thường

3. Cơ thể nhạy cảm với muối

Muối ảnh hưởng đến mọi người theo những cách rất khác nhau. Tiến sĩ Thomas, Giám đốc Trung tâm Rối loạn huyết áp thuộc Khoa Thận và Tăng huyết áp Hoa Kỳ nói: “Một số người có thể tiêu thụ natri mà không ảnh hưởng đến huyết áp của họ. Nhưng đối với những người “nhạy cảm với muối”, ngay cả một lượng rất nhỏ natri cũng có thể khiến khả năng lọc của thận ảnh hưởng nặng nề từ đó làm tăng huyết áp.” Nhạy cảm với muối phổ biến nhất ở những người trung niên hoặc cao tuổi, thừa cân, béo phì và người Mỹ gốc Phi. Nhạy cảm với muối cũng có xu hướng trở nên phổ biến hơn khi chúng ta già đi.

4. Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện chỉ số huyết áp

Một trong những điều đầu tiên bác sĩ sẽ khuyên những người bệnh mắc tăng huyết áp của mình là thay đổi lối sống bằng cách:

  • Ăn một chế độ ăn ít natri (Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo không nên ăn quá 1.500 mg natri / ngày đối với hầu hết người trưởng thành), đặc biệt nếu họ có nguy cơ mắc bệnh.
  • Hạn chế rượu bia.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.

Tiến sĩ Laffin lưu ý, ngay cả khi hạn chế muối và thay đổi lối sống, huyết áp vẫn có thể tăng cao. Trong những trường hợp như thế, ngoài việc thay đổi lối sống, đôi khi người bệnh cũng cần đến thuốc để duy trì chỉ số huyết áp ở mức ổn định. Ví dụ về thuốc bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu, hoặc thuốc dạng nước, làm tăng khả năng đi tiểu để giúp thải loại chất lỏng dư thừa.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), giúp làm giãn mạch máu.

Bên cạnh việc khuyến khích bệnh nhân kiểm soát bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm kiểm tra chức năng của thận hàng năm cho người bệnh. Cần thường xuyên trao đổi với các bác sĩ để đảm bảo rằng lượng muối ăn vào không làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến tim cũng như thận để duy trì sức khỏe cũng như nâng cao tuổi thọ của mỗi người.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Một số trường hợp. người bệnh cũng cần đến thuốc để duy trì chỉ số huyết áp ở mức ổn định

5. Có thể bạn chưa biết

Ngay cả khi một người không bị tăng huyết áp do ăn quá nhiều muối, họ vẫn có thể gây hại cho mạch máu, tim, thận và não, một nghiên cứu mới đây đã đưa ra cảnh báo. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các bằng chứng hiện có và phát hiện ra rằng lượng muối tiêu thụ cao có tác động có hại đối với một số cơ quan và tế bào, ngay cả ở những người "kháng muối", có nghĩa là lượng muối ăn vào dường như không ảnh hưởng đến huyết áp của họ. Mức tiêu thụ muối cao có thể dẫn đến giảm chức năng của nội mạc, lớp màng phía bên trong của mạch máu. Tế bào nội mô tham gia vào một số quá trình, bao gồm cả quá trình đông máu và chức năng miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nồng độ muối cao cũng có thể làm tăng độ cứng của thành động mạch. Đồng tác giả nghiên cứu David Edwards cho biết: “Chế độ ăn nhiều natri cũng có thể dẫn đến phì đại tâm thất trái, hoặc mở rộng mô cơ tạo nên thành buồng bơm chính của tim", ông giải thích trong một bản tin của trường đại học.

Ăn nhiều muối cũng có thể gây hại cho chức năng thận và cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh giao cảm, nơi kích hoạt các phản ứng của cơ thể, theo nghiên cứu được công bố ngày 17 tháng 3 trên Tạp chí American College of Cardiology. Đồng tác giả nghiên cứu William Farquhar là giáo sư và chủ nhiệm khoa động học và sinh lý học ứng dụng tại trường đại học cho biết, "Chế độ ăn uống chứa nhiều natri mạn tính có thể khiến các tế bào thần kinh giao cảm trong não trở nên nhạy cảm hơn, gây ra phản ứng mạnh hơn với nhiều loại kích thích, bao gồm cả sự co cơ xương.

Hiện nay, bệnh tăng huyết áp đang ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt ăn mặn và tăng huyết áp lại có mối liên quan mật thiết với nhau. Do đó, những bệnh nhân đã mắc bệnh tăng huyết áp nên hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn, bên cạnh đó cần tránh các món ăn đóng hộp, lên men sẵn như dưa chuột, dưa cà muối. Bên cạnh đó là hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh cũng như luyện tập thể dục thể thao một cách hợp lý.

Ngoài việc thay đổi chế độ ăn, người bệnh nên chủ động tự kiểm tra huyết áp tại nhà cũng như trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe khi có vấn đề.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com - health.clevelandclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

495 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan