Thực phẩm cho bệnh tiểu đường: Tôi có thể thay thế mật ong cho đường?

Một số người bệnh tiểu đường ăn mật ong thông qua việc bỏ mật ong vào cà phê và trà để làm tăng vị ngon, nhưng liệu mật ong có an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường? Câu trả lời là có, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định.

1. Mật ong là gì?

Mật ong là một chất lỏng đặc sệt, màu vàng và được sản xuất bởi ong mật và các loại côn trùng khác, như một số loài ong và ong bắp cày. Mật ong có nguồn gốc từ mật hoa trong hoa, những con ong thu thập và lưu trữ trong dạ dày của chúng cho đến khi trở về tổ ong.

Mật hoa có thành phần gồm đường sucrose, nước và các chất khác. Nó có khoảng 80 phần trăm carbohydrate và 20 phần trăm nước. Những con ong sản xuất mật ong bằng cách ăn và nhai mật hoa nhiều lần. Quá trình này giúp loại bỏ nước.

Sau đó, ong sẽ lưu trữ mật trong mật ong để sử dụng nó làm nguồn năng lượng trong mùa đông bởi thời điểm đó khó tìm thức ăn hơn. Mặc dù là một chất ngọt tự nhiên, nhưng mật ong có lượng carbohydrate và calo trong mỗi muỗng cà phê nhiều hơn so với đường.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một muỗng mật ong thô có khoảng 60 calo và 17 gram carbohydrate.

Mật ong cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm sắt, vitamin C, folate, magie, kali và canxi. Ngoài ra, mật ong cũng là một chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa và làm chậm tổn thương tế bào.

Mật ong có công dụng gì
Mật ong được sản xuất bởi ong mật và một số loại ong khác

2. Mật ong ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào?

Khi mắc bệnh tiểu đường, rất có nhiều người bệnh sẽ thắc mắc tiểu đường ăn gì để kiểm soát tình trạng đường huyết và phòng tránh biến chứng. Một trong loại thực phẩm được thắc mắc nhiều nhất chính là mật ong, do loại thực phẩm này có vị ngọt nên người bệnh lo ngại nếu ăn sẽ làm tăng đường huyết.

Mật ong có chứa đường tự nhiên và carbohydrate và có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Tuy nhiên, khi so sánh với đường tinh luyện thì mật ong có tác động ít hơn.

Nghiên cứu năm 2004 đã đánh giá tác động của mật ong và đường tinh luyện đối với lượng đường trong máu. Đối tượng nghiên cứu của nghiên cứu này gồm người mắc bệnh tiểu đường type 1 và người không mắc bệnh tiểu đường.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong nhóm người mắc bệnh tiểu đường, mật ong làm gia tăng lượng đường trong máu khoảng 30 phút sau ăn. Tuy nhiên, lượng đường trong máu của người tham gia sau đó giảm xuống và duy trì ở mức thấp hơn trong hai giờ.

Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng mật ong không giống như đường, do mật ong có thể làm tăng lượng insulin, đây là một loại hormone quan trọng để kiểm soát lượng đường huyết.

Mặc dù mật ong có thể làm tăng nồng độ insulin và giúp những người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát lượng đường huyết, nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh mật ong giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường. Điều này có thể hợp lý, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một mối liên hệ có thể có giữa mật ong và chỉ số đường huyết thấp hơn.

Trong một nghiên cứu trên 50 người mắc bệnh tiểu đường type 1 và 30 người không mắc bệnh tiểu đường type 1, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, so với đường, mật ong có tác dụng hạ đường huyết thấp hơn đối với tất cả những người tham gia. Ngoài ra, mật ong cũng làm tăng nồng độ C-peptide của đối tượng nghiên cứu, đây là một chất được giải phóng vào máu khi cơ thể sản xuất insulin.

mật ong
Mật ong có thể làm tăng nồng độ insulin ở người bệnh tiểu đường

Mức C-peptide bình thường có nghĩa là cơ thể đang tạo ra insulin. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem mật ong có thể được sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường hay không.

3. Nguy cơ khi người bệnh tiểu đường ăn đường từ mật ong

Người bệnh nên lưu ý rằng, mật ong ngọt hơn đường. Do đó, nếu bạn thay thế đường bằng mật ong thì chỉ cần một lượng nhỏ.

Do mật ong có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, nên người bệnh tiểu đường tránh tiêu thụ mật ong và các chất ngọt khác cho đến khi bệnh tiểu đường được kiểm soát hoàn toàn.

Mật ong nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, để biết được lượng chính xác, người bệnh tiểu đường nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng mật ong.

Nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt và bạn muốn thêm mật ong vào chế độ ăn uống của mình, hãy chọn mật ong nguyên chất, hữu cơ hoặc mật ong thô. Những loại sản phẩm này an toàn hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường vì mật ong hoàn toàn tự nhiên không có thêm đường.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương không nên tiêu thụ mật ong thô, vì nó chưa được tiệt trùng.

Nếu bạn mua mật ong đã qua chế biến từ cửa hàng tạp hóa, các sản phẩm này cũng có thể chứa thêm đường hoặc siro. Và các chất ngọt được thêm vào có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn.

mật ong
Bạn cần lựa chọn mật ong có nguồn gốc rõ ràng

Bên cạnh đó, mật ong vẫn có một số lợi ích nhất định như làm tăng nồng độ insulin và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Thay thế đường bằng mật ong cũng có thể có lợi, do mật ong là một nguồn chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể cải thiện cách cơ thể bạn chuyển hóa đường và các đặc tính chống viêm trong mật ong có khả năng làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan