Đột quỵ não - Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Trí Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não). Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất về Đột qụy não.

1. Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?

Đột qụy làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bị chết chỉ sau vài phút. Sau khi đột qụy xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “thời gian chính là Não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị duy nhất đó chính là “Tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt.

Người bệnh bị đột qụy não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, đột qụy không những là nguyên nhân gây tử vong mà còn gây tàn phế cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu của Hội Đột qụy Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột qụy. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột qụy, tỷ lệ tử vong do đột qụy ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%

2. Nguyên nhân gây đột qụy não

Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột qụy thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá.

Mặc dù đột qụy não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột qụy lại xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột qụy ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động: Tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”...

3. Cách phòng tránh đột qụy não như thế nào?

Mặc dù đột qụy là bệnh gây tử vong và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được.

Đột quỵ não - Những điều cần biết
Có hai loại gây đột quỵ

Phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách:

  • Tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích. Tránh tình trạng béo phì bằng cách tập thể dục hàng ngày. Tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài. Chế độ ăn nên có nhiều rau, hoa quả. Hạn chế ăn quá mặn, quá nhiều mỡ động vật.
  • Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch...bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát tốt đường máu, lượng mỡ trong máu...

4. Các biểu hiện nào báo hiệu bạn có thể bị đột quỵ não?

Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như: Nhức đầu, rối loạn ý thức...nhưng chúng ta chỉ cần nhớ ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 - 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T

  • Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ
  • Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại
  • Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.
  • Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Đột quỵ não - Những điều cần biết

5. Làm gì khi người thân có dấu hiệu đột quỵ?

  • Đỡ người thân để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên khi sơ cứu người bị đột quỵ
  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì cần để bệnh nhân nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
  • Nếu bệnh nhân hôn mê: Cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não.

6. Những điều không được làm khi người thân bị đột quỵ

Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.

Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẻ rất nguy hiểm.

Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.

Đột quỵ não - Những điều cần biết

7. Đột quỵ ngày nay được điều trị ra sao?

Mục tiêu là tái thông mạch máu càng sớm càng tốt: Bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những bệnh nhân đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4.5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ). Năm 2018, Hiệp hội Đột quỵ Mỹ (ASA) khuyến cáo có thể thực hiện phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học ở một số bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn trong não đến bệnh viện với thời gian muộn hơn, cụ thể là từ 6 - 16h hoặc 16 - 24h với một số tiêu chuẩn riêng, trong đó có tiêu chuẩn bắt buộc là lõi nhồi máu dưới 50-70ml, được đánh giá qua chụp CTSCAN tưới máu não (CTP) mà chỉ có thể thực hiện được ở các thế hệ máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy như CT 640 và phần mềm chuyên dụng. Hiện đã có một số bệnh viện trang bị thế hệ máy này, trong đó có Vinmec Đà Nẵng.

Các mục tiêu tiếp theo là hạn chế biến chứng, tìm kiếm nguyên nhân đột quỵ não để dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng.

8. Đột quỵ có tái phát không và phải làm sao để phòng ngừa tái phát?

Tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có 1 bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát. Do đó, phải chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa.

Thay đổi lối sống tích cực, có chế độ ăn thích hợp, tăng cường tập thể dục, tập vận động cũng như kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn mỡ và hút thuốc lá,... là cách để phòng ngừa đột quỵ não tái phát.

Khi phát hiện bản thân hoặc người thân có những biểu hiện nguy cơ của bệnh đột quỵ, cần nhanh chóng liên hệ tới sự giúp đỡ của những người xung quanh và gọi cấp cứu ngay để được y bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).\

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang sở hữu Hệ thống chụp MRI 3.0 Tesla được trang bị tối tân bởi hãng GE Healthcare (Mỹ) với chất lượng hình ảnh cao, cho phép đánh giá toàn diện, không bỏ sót tổn thương mà lại giảm được thời gian chụp. Công nghệ Silent giúp hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.Với hệ thống MRI tối tân và áp dụng các phương pháp can thiệp mạch não hiện đại, đội ngũ chuyên gia chẩn đoán hình ảnh và thần kinh giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, Vinmec là địa chỉ khám, tầm soát nguy cơ đột quỵ uy tín được khách hàng tin cậy.

Trong thời gian qua; Vinmec đã cấp cứu, điều trị kịp thời thành công nhiều trường hợp đột quỵ, không để lại di chứng: Cứu sống người bệnh bị 2 lần đột quỵ não liên tiếp; Ứng cứu nữ du khách nước ngoài thoát khỏi “cửa tử” đột quỵ;...

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan