Hội chứng rượu bào thai: Những điều cần biết

Uống rượu khi mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh liên quan đến rượu. Rượu làm chậm phát triển trí não cho trẻ khi sinh ra, làm rối loạn các vấn đề về thể chất, hành vi và học tập. Loại nghiêm trọng nhất là hội chứng rượu bào thai.

1. Hội chứng rượu bào thai là gì?

Hội chứng rượu bào thai là một tình trạng ở trẻ em mắc phải do người mẹ uống rượu trong khi mang thai. Hội chứng rượu bào thai gây tổn thương não và các vấn đề tăng trưởng ở thai nhi.

Trên thực tế, không có lượng rượu tiêu thụ nào được cho là an toàn trong suốt quá trình thai kỳ. Nếu người mẹ uống rượu trong khi mang thai, sẽ đặt em bé đối mặt với nguy cơ mắc hội chứng rượu bào thai.

Nếu nghi ngờ thai nhi mắc hội chứng rượu bào thai, bố mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt. Chẩn đoán sớm có thể giúp trẻ giảm các vấn đề khó khăn trong học tập và các vấn đề hành vi sau này.

2. Triệu chứng dị tật bẩm sinh liên quan đến rượu

Mẹ bầu uống rượu
Hội chứng rượu bào thai là một tình trạng ở trẻ em mắc phải do người mẹ uống rượu trong khi mang thai

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng rượu bào thai có thể bao gồm: các khiếm khuyết về thể chất, khuyết tật về trí tuệ hoặc nhận thức.

Khiếm khuyết về thể chất

Các khuyết tật về thể chất có thể bao gồm:

  • Các đặc điểm trên khuôn mặt như mắt nhỏ, môi trên mỏng, mũi ngắn, hếch, phần da giữa mũi và môi trên phẳng (không rõ nhân trung)
  • Biến dạng khớp, tay chân và ngón tay
  • Tăng trưởng thể chất chậm trước và sau khi sinh
  • Khó nhìn hoặc khó nghe
  • Chu vi đầu và kích thước não nhỏ
  • Khuyết tật tim và các vấn đề với thận và xương

Các vấn đề về rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến rượu

Các vấn đề với não và hệ thần kinh trung ương có thể xảy ra như:

  • Phối hợp kém hoặc giữ cân bằng
  • Khuyết tật trí tuệ, rối loạn học tập và chậm phát triển
  • Trí nhớ kém
  • Rắc rối với sự chú ý và xử lý thông tin
  • Khó khăn với lý luận và giải quyết vấn đề
  • Khó xác định hậu quả của sự lựa chọn
  • Kỹ năng phán đoán kém
  • Hốt hoảng hoặc hiếu động thái quá
  • Tâm trạng thay đổi nhanh chóng

Các vấn đề xã hội và hành vi

Các vấn đề trong chức năng và tương tác với người khác có thể bao gồm:

  • Khó khăn ở trường
  • Rắc rối với mọi người xung quanh
  • Kỹ năng xã hội kém
  • Rắc rối thích nghi với việc thay đổi hoặc chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác
  • Các vấn đề với hành vi và kiểm soát cơn bốc đồng
  • Khái niệm về thời gian không tốt
  • Khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc làm việc hướng tới một mục tiêu

Nếu mẹ bầu đang mang thai và không thể ngừng uống rượu, hãy gặp và xin tư vấn của bác sĩ sản khoa, bác sĩ chăm sóc chính hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ.

3. Nguyên nhân Hội chứng rượu bào thai

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng rượu bào thai là do người mẹ trong quá trình mang thai uống rượu.

  • Rượu xâm nhập vào máu của người mẹ và đến được thai nhi đang phát triển bằng cách vượt qua nhau thai
  • Nồng độ rượu trong bào thai của trẻ cao hơn trong cơ thể mẹ vì quá trình chuyển hoá rượu của bào thai chậm hơn so với của người lớn
  • Quá trình phân giải rượu ở cơ thể thai nhi lại không giống như ở người lớn. Một lượng rượu lớn tích tụ trong cơ thể thai nhi có thể cản trở việc cung cấp oxy và dinh dưỡng tối ưu cho em bé đang phát triển.
  • Tiếp xúc với rượu trước khi sinh có thể gây hại cho sự phát triển của các mô và cơ quan và gây tổn thương não vĩnh viễn ở em bé.

Như vậy, mẹ bầu càng uống nhiều rượu trong khi mang thai, nguy cơ đối với thai nhi càng lớn. Tuy nhiên, bất kỳ lượng rượu nào cũng khiến bé gặp nguy hiểm, bởi, não, tim và mạch máu của em bé bắt đầu phát triển trong những tuần đầu của thai kỳ, trước khi mẹ có thể biết mình đang mang thai.

Việc uống rượu trong ba tháng đầu của thai kỳ sẽ khiến các thai nhi bị tổn thương trên khuôn mặt, tim và các cơ quan khác, bao gồm xương và hệ thống thần kinh trung ương. Đó là khi các bộ phận của thai nhi đang trong giai đoạn phát triển chính.

Càng uống nhiều rượu khi mang thai, nguy cơ gặp các vấn đề ở em bé càng lớn. Mẹ bầu có thể khiến em bé gặp nguy hiểm ngay cả trước khi mẹ nhận ra mình đang mang thai. Vì vậy, mẹ bầu chú ý không uống rượu khi có thai, đang có ý định có thai.

4. Điều trị Hội chứng rượu bào thai

Thuốc
Thuốc không thể điều trị dứt khoát hội chứng rượu bào thai nhưng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng này

Hội chứng rượu bào thai về cơ bản là không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bằng các phương pháp điều trị như: tại gia đình, thuốc điều trị, tư vấn và trị liệu tâm lý,... có thể giúp cải thiện triệu chứng.

Tại gia đình

Sự quan tâm, hỗ trợ của bố mẹ là điều kiện giúp trẻ bị hội chứng rượu bào thai phát triển tốt nhất. Vì vậy, trẻ cần được sống trong một gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Những trẻ này vẫn có thể làm tốt những công việc đơn giản thường ngày và nên được nhận thưởng cho những hành động tốt.

Trẻ bị hội chứng rượu bào thai rất nhạy cảm và có xu hướng bạo lực nên các gia đình cần tránh những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình để tránh các hậu quả sau này.

Thuốc điều trị

Có một số loại thuốc có thể giúp cải thiện triệu chứng như:

  • Thuốc chống trầm cảm để điều trị bệnh trầm cảm và hỗ trợ khi trẻ có hành vi tiêu cực
  • Thuốc an thần để điều trị chứng lo âu và dễ kích động
  • Thuốc chống lo âu để điều trị chứng lo âu

Tư vấn và trị liệu tâm lý

Trẻ mắc hội chứng rượu bào thai cần được hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng xã hội như: khả năng giao tiếp với bạn bè, các kỹ năng tự kiểm soát, hiểu rõ nguyên nhân - kết quả hành vi của mình... Hiện nay có rất nhiều khóa học, trung tâm hỗ trợ trẻ em thuộc đối tượng trên về các kỹ năng xã hội cũng như gia sư về văn, toán để giúp đỡ trẻ khắc phục những khó khăn trong học tập tại trường

Ngoài ra, các phương pháp điều trị có thể thay thế như: massage, châm cứu, tập luyện thể dục hay tập yoga.

5. Phòng ngừa Hội chứng rượu bào thai

Rượu
Ngừng uống rượu hẳn khi mang thai để phòng ngừa hội chứng rượu bào thai

Hội chứng rượu bào thai là hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu phụ nữ không uống rượu trong suốt thai kỳ. Dưới đây cũng là những biện pháp phòng ngừa hội chứng rượu bào thai:

  • Hạn chế và tốt nhất là ngừng hẳn uống rượu nếu bạn đang mang thai. Nếu mẹ chưa ngừng uống rượu, hãy dừng lại ngay khi mẹ biết mình có thai. Không bao giờ là quá muộn để ngừng uống trong khi mang thai nhưng bạn dừng lại càng sớm thì càng tốt cho em bé của bạn.
  • Tiếp tục tránh sử dụng rượu trong suốt thai kỳ. Hội chứng rượu bào thai hoàn toàn có thể phòng ngừa được ở những trẻ có mẹ không uống trong khi mang thai.
  • Cân nhắc từ bỏ rượu trong những năm sinh nở nếu bạn hoạt động tình dục và bạn có quan hệ tình dục không an toàn.
  • Nếu mẹ là một người nghiện rượu, hãy nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ trước khi mang thai. Nhận sự trợ giúp từ các chuyên gia để xác định mức độ phụ thuộc của mẹ vào rượu và để tiến hành một kế hoạch điều trị.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan