Lao hạch và lao phổi khác nhau thế nào?

Không nguy hiểm và lây nhiễm như lao phổi, bệnh lao hạch không gây tử vong và có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên đây là căn bệnh khá phổ biến, bệnh cũng kéo dài và gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt.

1. Lao phổi là bệnh gì?

Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao thâm nhập vào phổi và sinh sôi. Trong các loại lao thì lao phổi là bệnh thường gặp nhất (chiếm 80 – 85%), và là nguồn lây chính cho cộng đồng.

1.1. Triệu chứng

  • Ho là triệu chứng đầu tiên và quan trọng của bệnh lao phổi. Người bệnh có thể ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Triệu chứng ho có thể kéo dài hơn 3 tuần.
  • Khó thở, đau ngực.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Bị sốt nhẹ, thấy ớn lạnh về chiều.
  • Hay đổ mồ hôi trộm về đêm.
  • Sụt cân do chán ăn, ăn không ngon.
Ho
Ho là triệu chứng đầu tiên của bệnh lao phổi

1.2. Bệnh lao phổi có lây không?

  • Lao phổi là một bệnh rất dễ lây truyền giữa người sang người thông qua đường hô hấp.
  • Những người bị bệnh lao phổi, hoặc lao thanh quản, phế quản, khi ho sẽ khạc ra vi khuẩn lao có trong những hạt nước bọt li ti, hoặc các hạt bụi nhỏ. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao sẽ dễ dàng hít vào và gây bệnh tại phổi.
  • Ngoài ra, môi trường sống hay ẩm ướt và ô nhiễm khói bụi, sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn lao có thể phát triển và gây bệnh.
  • Trong ăn uống, nếu sử dụng nguồn thực phẩm có chứa vi khuẩn lao cũng rất có thể bị nhiễm lao. Tiếp xúc chất thải chứa vi khuẩn lao cũng khiến con người bị lây nhiễm.

1.3. Chẩn đoán bệnh lao phổi như thế nào?

Căn cứ trên các triệu chứng của bệnh nêu trên như: sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm đêm, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, bác sĩ sẽ đồng thời khám phổi và toàn thân, có thể chỉ định một số xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang phổi.
  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF (nếu có thể).
  • Nhuộm soi đờm trực tiếp để tìm AFB.
  • Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao.

Để chẩn đoán xác định bệnh lao phổi, cần có ít nhất 1 mẫu có AFB(+) và hình ảnh X-quang nghi lao hoặc khi có 2 mẫu đờm (+).

X-quang phổi
Chụp X-quang phổi dùng trong chẩn đoán bệnh lao phổi

1.4. Điều trị bệnh lao phổi

  • Bệnh nhân lao phổi cần tuân thủ theo phác đồ điều trị, uống thuốc đầy đủ và đúng liều lượng, đặc biệt không được tự ý ngưng sử dụng thuốc khi các triệu chứng bệnh biến mất.
  • Bệnh lao phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng như: tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, ho ra máu.
  • Người bệnh sau khi được chữa khỏi vẫn có thể gặp một số di chứng như: suy hô hấp mãn, giãn phế quản, u nấm phổi, tràn khí màng phổi...

1.5. Phòng ngừa bệnh lao phổi

Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm, do đó, để phòng bệnh lây lan, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Tiêm vacxin BCG cho trẻ để phòng bệnh lao.
  • Khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh nên sử dụng khẩu trang.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, trước và sau khi ăn.
  • Che miệng khi hắt hơi.
  • Không dùng chung đồ và vật dụng cá nhân với người bệnh.
  • Người bị bệnh lao phổi cần tránh lây nhiễm cho những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, khi ho hoặc hắt hơi phải che miệng, không ngủ chung phòng, không đến những nơi có đông người, khi khạc đờm phải khác vào một nơi quy định, đờm hoặc các vật chứa nguồn lây bệnh phải được hủy đúng phương pháp.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở và nơi làm việc, nơi người bệnh lao phổi sống nên có nhiều ánh nắng mặt trời.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tránh sử dụng các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, khám sức khỏe theo định kỳ để phòng bệnh lao.

2. Lao hạch là gì?


Lao hạch là bệnh thứ phát, xuất hiện sau bệnh lao ở nơi khác trong cơ thể, như lao sơ nhiễm hoặc lao phổi. Vi trùng lao sau khi vào phổi, gây tổn thương ở đây (lao phổi) rồi di chuyển tới hạch và ra gây lao hạch.

2.1 Triệu chứng

  • Hạch sưng to, thành từng chùm, từng chuỗi ở một vùng, nhiều nhất là ở cổ.
  • Hạch sưng không đồng đều, không đau và không dính. Bề mặt da vùng nổi hạch nhẵn, sưng to như không nóng và không tấy đỏ.
  • Hạch sưng to dần dần về mặt kích thước, khi to thì mềm ra, lúc đó hạch có thể vỡ và chảy mủ, trông giống như bã đậu, khó liền sẹo, hay rò. Nếu thành sẹo thì sẹo bị co kéo, có hình dúm dó, miệng sẹo tím như quả bồ quân.
  • Khi bị lao hạch, người bệnh có thể thấy mệt mỏi và sốt nhẹ. Trừ trường bị bội nhiễm hoặc có kèm theo tổn thương lao ở các cơ quan khác như phổi, xương, ... thì bệnh sẽ có triệu chứng nặng nề hơn.

2.2 Bệnh lao hạch có lây không?

Không giống như lao phổi, vi khuẩn lao chỉ khu trú trong hạch gây viêm và không rò rỉ ra bên ngoài, do đó, bệnh lao hạch không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Lao hạch
Lao hạch chủ yếu ở vùng cổ

2.3 Chẩn đoán bệnh lao hạch như thế nào?

Chẩn đoán xác định bệnh lao hạch dựa vào các biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm như:

  • Chọc hạch để làm xét nghiệm tế bào.
  • Sinh thiết hạch nhằm chẩn đoán mô bệnh.
  • Cấy BK.
  • Chụp X-quang phổi.

Sau khi chẩn đoán xác định, tiến hành chẩn đoán phân biệt để phân loại hạch lao:

  • Viêm hạch do nhiễm khuẩn sẽ có biểu hiện sưng đỏ, nóng, hạch có mật độ mềm, sờ vào hạch thấy đau, và đáp ứng với điều trị kháng sinh.
  • Phân biệt bệnh Hodgkin và Non-Hodgkin bằng cách sinh thiết hạch và làm tủy đồ.
  • Hạch di căn ung thư sẽ có biểu hiện lâm sàng của ung thư nguyên phát, tiến hành sinh thiết hạch.
  • Các u hạch lành tính như u mỡ, u xơ, u thần kinh, u nang bạch huyết,...

2.4 Bệnh lao hạch có chữa khỏi không?

  • Bệnh lao hạch có thể được điều trị nội khoa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và thầy thuốc chuyên khoa. Uống thuốc điều trị lao hạch như: rifampicin, rimifon, pyrazinamid, ethambutol... liên tục trong khoảng 9 tháng là tối thiểu. Liều dùng tùy thuộc vào cân nặng và tuân theo phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa quyết định.
  • Bị lao hạch có phải mổ không cũng là thắc mắc của nhiều người. Bệnh lao hạch được điều trị ngoại khoa, phẫu thuật - mổ lấy toàn bộ hạch khi hạch hóa mủ nhưng lại không đáp ứng khi chọc dò và điều trị kết hợp với kháng sinh, hoặc là bị u lympho lao hạch, lao không thành mủ, khu trú. Mổ và nạo vét sạch mủ bã đậu ở hạch và đắp kháng sinh chống lao cũng là cách điều trị có hiệu quả.
  • Lao hạch là bệnh cũng rất dễ gặp ở trẻ em. Khi điều trị cần lưu ý không nên cắt bỏ hạch sớm vì hạch có vai trò bảo vệ chống sự xâm nhập của vi trùng lao. Chăm sóc trẻ cần tránh để tình trạng viêm hạch mạn tính.
  • Điều trị lao hạch tốt nhất là nên điều trị bệnh lao trước khi phẫu thuật để tránh lây lan vi khuẩn lao.

2.5 Phòng ngừa bệnh lao hạch

  • Do lao hạch không phải là bệnh lây nhiễm nên cách phòng bệnh lao hạch chủ yếu là cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị dứt điểm bệnh lao, tránh tình trạng vi khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể.
  • Cũng tương tự như nhiều bệnh khác, tăng cường và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, có chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là trẻ em là một trong những cách phòng bệnh tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan