Liệt dây thần kinh mặt, phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dây thần kinh mặt hay dây thần kinh số VII là dây thần kinh chi phối vận động của cơ mặt và vùng cổ con người nhằm thực hiện các động tác nhăn trán, nhắm mắt, cười, huýt gió hoặc phồng má,... Mỗi thớ cơ trên mặt đều thể hiện cảm xúc tinh tế được điều khiển bởi các dây thần kinh này.

Ngoài ra dây VII còn chi phối cơ vùng tai giữa liên quan đến chức năng tiếp nhận âm thanh và đảm nhiệm cảm nhận vị giác 2/3 trước lưỡi. Vì vậy, liệt dây thần kinh mặt sẽ gây ra các biểu hiệu mất cân bằng về chức năng cũng như thẩm mỹ của một nửa mặt, gây hoang mang cho người bệnh.

1. Liệt dây thần kinh mặt (dây VII) là gì? Liệt dây thần kinh số 7 có phải là tai biến không?

Liệt dây thần kinh VII là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần của các cơ nửa mặt do các nguyên nhân gây tổn thương thần kinh, trái ngược với nguyên nhân của liệt mặt trung ương là do não. Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng này:

  • Nguyên phát: Do mạch máu nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây thiếu máu cục bộ và phù, chèn ép lên dây thần kinh. Tình trạng liệt thường là tự phát có liên quan đến yếu tố lạnh.
  • Thứ phát: Thường là sau nhiễm siêu vi như Zona vùng hạch gối, chấn thương vỡ xương đá, u chèn ép, biến chứng của đái tháo đường hoặc các bệnh lý tự miễn.

Tai biến cũng là một nguyên nhân gây liệt mặt do liệt dây VII trung ương, tuy nhiên còn rất nhiều các nguyên nhân khác gây liệt mặt cần phải chú ý.

2. Các nguyên nhân gây liệt dây thần kinh mặt

Tiền sản giật
Tiền sản giật thai kỳ là một trong những nguyên nhân gây liệt dây VII ngoại biên

Các nguyên nhân gây liệt mặt sẽ được phân thành nhóm nguyên nhân gây liệt dây VII ngoại biên và nhóm nguyên nhân gây liệt dây VII trung ương:

Nguyên nhân liệt dây VII ngoại biên gồm có:

  • Liệt mặt vô căn (liệt Bell).
  • Bệnh lý mạch máu não.
  • Tai biến trong can thiệp y khoa: Do gây tê tại chỗ hoặc do linezolid.
  • Nhiễm trùng: Herpes virus, Herpes zoster, HIV, Epstein- Barr virus,...
  • Chấn thương: Vỡ nền sọ, tụ máu sau châm cứu.
  • Bệnh lý thần kinh: hội chứng Guillain- Barre, bệnh lý thần kinh do đái tháo đường.
  • Ung thư: Liệt do các khối u ở hố sau nguyên phát hay thứ phát hoặc u tuyến mang tai.
  • Tăng huyết áp thai kỳ - tiền sản giật.

Nguyên nhân gây liệt dây VII trung ương gồm có:

  • Bệnh lý mạch máu não.
  • Khối u trong sọ nguyên phát hoặc thứ phát.
  • Giang mai, HIV.
  • Bệnh lý viêm mạch.

3. Các triệu chứng gợi ý liệt dây thần kinh mặt

Như đã đề cập thì liệt mặt ngoại biên thường gặp hơn do có tác nhân phổ biến là lạnh, vậy nên các triệu chứng gợi ý cho liệt mặt ngoại biên thường là:

  • Hai bên mặt mất cân đối đột ngột, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán.
  • Mắt bệnh nhân nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, góc mép miệng xệ xuống.
  • Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, phát hiện tình cờ khi bệnh nhân ăn uống, người bệnh không làm được các động tác như phồng má, cười, chu môi, nhăn trán,...
Liệt dây thần kinh mặt
Hai bên mặt mất cân đối đột ngột, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán là triệu chứng liệt mặt ngoại biên

4. Điều trị liệt dây thần kinh mặt như thế nào?

Nguyên tắc điều trị ở bệnh nhân liệt mặt đầu tiên là phải đảm bảo bệnh nhân liệt mặt không liên quan đến tai biến mạch máu não. Sau đó cần tiến hành khám nội soi để phát hiện các bệnh lý tai gây liệt mặt, liệt mặt vô căn sẽ được chẩn đoán loại trừ:

Điều trị nội khoa: Được sử dụng chủ yếu để giảm phù nề chèn ép trong ống xương và chống thiếu máu. Đầu tiên bệnh nhân được dùng corticoid sớm, liều cao với điều kiện đã loại trừ các chống chỉ định (đái tháo đường, loét dạ dày-tá tràng, rối loạn tâm thần). Ngoài ra bệnh nhân có thể được dùng các thuốc chống virus trong các bệnh nhiễm virus hoặc đau vùng sau tai gây rối loạn cảm giác vùng mặt.

Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật chữa liệt dây thần kinh số 7 đang ngày càng phát triển với các biển pháp phục hồi dây thần kinh như giảm áp, khâu và ghép các đoạn được chỉ định cho các trường hợp liệt mặt đặc biệt.

Vật lý trị liệu hay phương pháp châm cứu dây thần kinh số 7 cùng với các bài tập cơ sẽ tạo điều kiện giữ trương lực cơ và phân bố mạch ổn định để chống teo cơ.

Cần lưu ý vấn đề theo dõi và chăm sóc mắt vì mắt bệnh nhân liệt mặt thường nhắm không kín. Cần đảm bảo cho giác mạc được phủ kín, tránh viêm giác mạc bằng cách nhỏ thường xuyên nước mắt nhân tạo và băng mắt khi ngủ.

Bệnh nhân bị liệt dây thần kinh mặt có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội thần kinh được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan