Thế nào là đau mãn tính? Nguyên nhân và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức.

Đau mạn tính là những cơn đau tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đau mạn tính chưa có thuốc điều trị tối ưu, tuy nhiên có những phương pháp giúp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Định nghĩa đau mạn tính

Đau là cảm giác khó chịu xuất hiện cùng lúc với các tổn thương mô tế bào, mức độ đau phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của mỗi người, là một dấu hiệu bệnh cần tìm nguyên nhân để chữa trị.

Đau mạn tính là những cơn đau tái đi tái lại nhiều lần và thời gian đau kéo dài trên 3 tháng. Đau mạn tính có thể bắt đầu từ một cơn đau cấp tính và kéo dài hơn so với dự tính, thường do nhiều yếu tố gây ra.

Người bệnh bị đau mạn tính có thể dẫn đến những rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm, thay đổi tính tình gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội.

2. Nguyên nhân đau mạn tính

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau mạn tính nhưng được quy vào 3 nhóm nguyên nhân bao gồm:

  • Đau không do viêm: Đau đầu; Đau lưng, đau cổ do co cơ.
  • Đau do viêm: Đau sau mổ; Đau do chấn thương; Đau do thoái hóa; Đau trong bệnh nhân ung thư; Đau do viêm khớp; Đau do gout....
  • Đau do yếu tố thần kinh: Đau sau zona; Đau thần kinh tọa; Đau thần kinh liên sườn; Đau dây thần kinh số V; Đau do biến chứng thần kinh bệnh nhân đái tháo đường....
đau mạn tính
Đau không do viêm: Đau đầu; Đau lưng, đau cổ do co cơ

3. Điều trị đau mạn tính

Đau mạn tính ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới tâm lý người bệnh, để điều trị được cần tìm được nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu điều trị là làm giảm tái phát các cơn đau, giảm cường độ đau. Điều trị thuốc kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc.

Điều trị đau mạn tính không do viêm:

  • Mức độ đau nhẹ không cần dùng thuốc, điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu, thư giãn, tập yoga...
  • Mức độ trung bình và nặng: sử dụng thuốc paracetamol và các chế phẩm kết hợp với phương pháp không dùng thuốc

Điều trị đau do viêm:

  • Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid ( mobic, diclofenac, aspirin...), nếu mức độ nặng dụng giảm đau bằng các nhóm thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid( morphin và các loại thuốc cùng nhóm)

Đau mạn tính do nguyên nhân thần kinh:

  • Bằng các thuốc giảm đau thần kinh như thuốc chống trầm cảm (paroxetine, amitriptyline... ,và nhóm thuốc chống động kinh( vd: depakine....)

Điều trị đau sau phẫu thuật:

Nhằm hạn chế nguy cơ gây đau mạn tính sau phẫu thuật việc điều trị đau sau phẫu thuật là việc rất cần thiết.

  • Mục đích không gây những cơn đau mạn tính sau mổ
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc nhóm gây nghiện

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc:

  • Vật lý trị liệu: Sử dụng các phương pháp nhiệt trị liệu, điện trị liệu...
  • Điều trị bằng y học cổ truyền: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt
  • Thay đổi lối sống: Tập thiền, tập yoga, thư giãn liệu pháp, tâm lý liệu pháp...
  • Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc...
đau mạn tính
Điều trị bằng y học cổ truyền: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt

4. Điều trị đau tại Vinmec

Tại các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, điều trị đau là ưu tiên đầu tiên cho khách hàng trong suốt quá trình điều trị bệnh. Vinmec đã nghiên cứu và áp dụng các phương pháp điều trị không đau, đồng thời sử dụng các kỹ thuật gây tê giảm đau tiên tiến, giúp cho kết quả phẫu thuật tốt. Trong quá trình khám chữa bệnh và điều trị, nếu có tình trạng đau, Quý khách luôn được đánh giá mức độ đau và áp dụng các phương pháp điều trị đau an toàn. Điều này sẽ giúp Quý khách vượt qua việc chữa trị nhẹ nhàng, ngăn ngừa nguy cơ đau mạn tính sau phẫu thuật, sớm phục hồi sức khỏe.

Các phương pháp quản lý đau tại Vinmec bao gồm:

Phương pháp Gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) mang lại trải nghiệm mổ không đau cho người bệnh phẫu thuật tim và nhiều cuộc phẫu thuật khác.

Phương pháp gây tê sau lưng (hay còn gọi là gây tê ngoài màng cứng) để sản phụ giảm đau trong quá trình chuyển dạ trong quá trình sinh thường. Phương pháp này giúp cuộc chuyển dạ diễn ra trong điều kiện lý tưởng nhất.

Phương pháp gây tê cơ vuông thắt lưng cho sản phụ sinh mổ. Người mẹ được gây tê tủy sống trong mổ và được giảm đau trong ngày đầu sau mổ bằng phương pháp gây tê cơ vuông thắt lưng, giúp mẹ chăm bé và phục hồi sức khỏe tốt hơn.

Chương trình tăng cường hồi phục sau phẫu thuật ERAS: Chương trình Tăng cường hồi phục sau phẫu thuật (ERAS) là sự tập hợp các phác đồ chăm sóc đa phương thức chu phẫu (trước, trong, sau phẫu thuật) nhằm giúp cho bệnh nhân hồi phục nhanh và sớm sau phẫu thuật. Nhờ kỹ thuật mổ robot kết hợp với chương trình tăng cường hồi phục sau phẫu thuật có thể rút ngắn thời gian điều trị hậu phẫu từ 10 ngày xuống còn 3 ngày.

Đau mạn tính chưa có thuốc điều trị tối ưu tuy nhiên có thể hạn chế để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn hòa nhập với cuộc sống, giảm tối thiểu khả năng ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan