Bà bầu bị chó dại và nghi dại cắn có được tiêm vắc-xin dại ngay ?

Bài viết bởi Bác sĩ Phạm Thị Khương - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tiêm vắc- xin phòng bệnh dại càng sớm thì càng có cơ hội cứu sống tính mạng và tránh khỏi đau đớn. Bởi vậy phụ nữ có thai chẳng may bị chó, mèo mắc dại và nghi dại cắn phải đi tiêm ngay sau khi rửa vết thương đúng cách .

1. Vì sao cần tiêm vắc-xin phòng dại sớm?

Bệnh dại do virus dại cổ điển gây tử vong gần như 100% trên người và hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chúng ta đều biết, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra, bệnh gặp chủ yếu ở động vật có máu nóng (chó, mèo...), lây sang người qua đường da và niêm mạc Biểu hiện lâm sàng của bệnh chủ yếu là trạng thái kích thích tâm thần vận động (thể hung dữ) hoặc một hội chứng liệt kiểu hướng thượng (thể liệt). Khi phát bệnh, tử vong là 100%.

Virus gây bệnh dại
Virus dại gây bệnh dại ở người

2. Bệnh dại nguy hiểm như thế nào?

Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc- xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vắc- xin cho chó.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc- xin phòng dại. Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, mỗi năm ghi nhận 240-300 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm thì có đến 1/3 là tử vong do bệnh dại. Riêng năm 2017 có 63 người chết vì bệnh dại.

Năm 2018 đánh dấu Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại lần thứ 12 kể từ khi các quốc gia trên toàn thế giới cùng cam kết tham gia vận động loại trừ căn bệnh này, đồng thời kêu gọi các bên liên quan cùng hợp tác trong cuộc chiến chiến chống bệnh dại tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2030.

Cách phòng bệnh dại dễ dàng nhất chính là việc tiêm đầy đủ mũi vắc- xin phòng dại cho trẻ em và người lớn, và chó mèo nuôi trong nhà. Đó là cách tốt giúp bạn thoát khỏi dịch bệnh nguy hiểm và đáng sợ này. Việc sáng chế ra virus phòng bệnh dại là một phát minh vĩ đại của nền y học thế giới, hàng triệu “bản án tử” treo trên đầu bệnh nhân đã được phá bỏ nhờ vắc- xin phòng dại.

Chó căn, bệnh dại
Khi bị chó dại cắn, bà bầu cần đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời

3. Vắc-xin phòng bệnh Dại có an toàn với bà bầu không?

Tất cả các loại vắc-xin dại tiêm cho người đều đã được bất hoạt. Vắc-xin phòng dại trên người phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng.

Hiện tại, Việt Nam đang có 3 vacxin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành, phổ biến nhất trong số đó là vacxin tiêm phòng dại thế hệ mới Verorab (Pháp), Abhayrab và Indirab (Ấn Độ). Tùy thuộc vào từng phác đồ khác nhau, quyết định tiêm phòng chó dại cắn bao nhiêu mũi sẽ khác nhau.

Đây là 3 vắc- xin dại tinh chế, được dùng để phòng chống bệnh dại và hỗ trợ điều trị phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (sau khi bị súc vật cắn). Cả 3 vắc- xin này đều có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi bị dại cắn.

4. Bà bầu bị chó dại và nghi dại cắn có cần đi khám và điều trị gì không?

Bà bầu bị chó dại và nghi dại cắn cần đến khám bác sĩ ngay sau khi rửa chỗ cắn đúng quy cách và tiêm phòng vắc-xin, bên cạnh đó cần được xử lý vết thương (nếu vết cắn rộng, sâu, hay ở vị trí gần thần kinh trung ương như mặt, cổ, hay vết thương gần mạch máu).

Tùy theo bà bầu ở thai kì nào, tình trạng và vị trí vết thương để bác sỹ có xử trí thích đáng: Cầm máu, khâu vết rách, kháng sinh chống nhiễm trùng, phòng bệnh uốn ván, tình hình thai nhi... để mang lại an toàn nhất có thể cho mẹ và con.

Tiêm phòng cho bà bầu
Bà bầu bị chó dại cần được tiêm phòng vắc-xin trong thời gian sớm nhất

Tóm lại: Khi bà bầu bị chó, mèo dại và nghi dại cắn chỉ có tiêm vắc- xin phòng dại càng sớm càng tốt, mới đảm bảo sự sống cho cả hai mẹ con vì có thể tránh hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh dại. Không có một lí do gì để không tiêm vắc-xin dại để phòng bệnh, dù bất kì ai và bất kỳ lứa tuổi nào.

Tài liệu tham khảo: WHO; Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

216 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan