Bệnh tay chân miệng: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Sửu - Bác sĩ Nhi Khoa - Phòng khám Quốc tế Vinmec Royal city.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Thông thường bệnh thường khởi phát từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Bệnh chân tay miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (Ev71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay – chân, mông, đầu gối.

2. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua con đường nào?

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn các con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng bao gồm:

  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
Bệnh tay chân miệng lây lan
Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa

  • Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.
  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.
  • Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.
  • Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Bệnh gặp rải rác quanh năm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi vui chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt dịch bùng phát.

3. Triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày

Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

  • Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính ~ 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
  • Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay – chân, mông, gối, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
  • Sốt nhẹ
  • Nôn
  • Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
  • Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp: thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2-5 của bệnh.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng đặc trưng bởi những vết phát ban dạng phỏng nước

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Các thể lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết bao gồm:

  • Thể tối cấp: Bệnh tiến triển rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong 24-48 giờ.
  • Thể cấp tính: Với 4 giai đoạn điển hình như trên.
  • Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có thể loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không thấy phát ban và loét miệng.

4. Chẩn đoán bệnh chân tay miệng

Chẩn đoán ca bệnh: Dựa vào triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ

Chẩn đoán xác định bệnh:

  • Dựa vào test nhanh Ev71, Phương pháp này xác định sự có mặt của kháng thể IgM của Ev71 trong cơ thể, cho kết quả nhanh nhưng độ đặc hiệu không cao.
  • Xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR) để xác định AND của virus, Phương pháp này cho kết quả chính xác, độ nhạy và đặc hiệu cao.

Chẩn đoán phân biệt:

Các biểu hiện có loét miệng: Viêm loét miệng (áp – tơ) vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát.

Các bệnh có phát ban da:

  • Sốt phát ban: hồng ban xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai.
  • Dị ứng: hồng ban đa dạng, không có phỏng nước.
  • Viêm da mủ: đỏ, đau, có mủ.
  • Thủy đậu: phỏng nước nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.
  • Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu: mảng xuất huyết ngoài da, có hoại tử vùng trung tâm.
  • Sốt xuất huyết Dengue: Chấm xuất huyết, bầm tím, xuất huyết niêm mạc.
  • Viêm màng não: Viêm màng não do vi khuẩn, viêm não – màng não do virus khác.
  • Nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi.
Biến chứng tay chân miệng
Các biểu hiện loét miệng có thể là triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ

5. Phòng bệnh sốt xuất huyết

5.1 Nguyên tắc phòng bệnh

  • Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.
  • Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

5.2 Phòng bệnh tại các cơ sở y tế

  • Cách ly theo nhóm bệnh
  • Nhân viên y tế: Mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
  • Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh.
  • Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

5.3 Phòng bệnh ở cộng đồng

  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
  • Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
  • Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Hiện tại, bệnh chân tay miệng chưa có vắc-xin và thuốc đặc hiệu, vì vậy cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng việc vệ sinh cá nhân. Một khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở uy tín để thăm khám kịp thời.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ, ...Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Phát hiện bệnh tay chân miệng và cách phòng tránh

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan