Các triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.

Một số trẻ bị hen suyễn chỉ có triệu chứng thở khò khè khi cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đây được cho là tình trạng bệnh kéo dài suốt đời nhưng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể thay đổi khi con bạn lớn hơn.

1. Bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Hen suyễn là bệnh viêm phổi và đường thở - nơi vận chuyển không khí ra vào phổi. Nếu trẻ bị hen suyễn, đường hô hấp sẽ bị kích thích và sưng lên, có thể ảnh hưởng đến khả năng thở.

Hen suyễn là bệnh mãn tính nghiêm trọng phổ biến nhất ở trẻ em, đồng thời là nguyên nhân thứ ba khiến trẻ em dưới 15 tuổi phải nhập viện. Hiện nay, căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 1/12 trẻ em ở Hoa Kỳ. Ít nhất một nửa trẻ bị hen suyễn phát triển các triệu chứng trước tuổi lên 5.

Việc quan trọng bố mẹ phải làm là phối hợp với bác sĩ để ngăn ngừa và điều trị các cơn hen suyễn. Với các loại thuốc phù hợp, hướng dẫn kiểm soát và xử lý cơn hen cấp, cũng như theo dõi y tế thường xuyên, hầu hết trẻ bị hen suyễn có thể phát triển khá khỏe mạnh.

2. Các triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Thở nhanh hoặc khó thở (có thể biểu hiện như căng - hóp bụng quá mức hoặc cánh mũi phập phồng)
  • Thường hay thở ra, dài hơi (đặc biệt là khi chơi đùa)
  • Tức ngực (trẻ nhỏ có thể chỉ biết nói ngực đau hoặc cảm thấy khó chịu ở ngực)
  • Thở khò khè hoặc có tiếng rít khi thở ra
  • Ho (đặc biệt là vào ban đêm)
  • Mặt, môi hoặc móng tay tái nhợt, hơi xanh trong cơn hen suyễn
  • Khó ăn
  • Thường xuyên bị cảm lạnh
  • Mệt mỏi (khiến bé không thể chơi đùa hoặc tham gia các môn thể thao). Các vấn đề về hô hấp cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

Trẻ sơ sinh bị hen suyễn cũng có thể biểu hiện những dấu hiệu sau:

  • Khó bú hoặc mặt nhăn nhó khi được cho ăn
  • Thở khò khè
  • Hay quấy.

Theo đó, cũng cần lưu ý rằng nhiều bệnh khác như: viêm thanh khí phế quản, virus hợp bào hô hấp - RSV, trào ngược axit, viêm phổi, cảm lạnh và xơ nang cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Trên thực tế, hầu hết trẻ thở khò khè là dấu hiệu bị viêm tiểu phế quản (bronchiolitis) - xảy ra khi virus xâm nhập vào phổi ở trẻ dưới 2 tuổi, bệnh sẽ khỏi trong vòng 1 - 2 tuần. Một số bệnh nhiễm virus khác cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển hen suyễn của trẻ sau này.

Tình trạng quấy khóc do đầy hơi bụng của trẻ sau sinh (Colic)
Nếu trẻ hay quấy khóc và thờ khò khè, hãy lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu trẻ mắc hen suyễn

3. Các triệu chứng của cơn hen suyễn và cách xử trí

Các dấu hiệu trẻ đang lên cơn hen suyễn cấp tính bao gồm:

  • Thở hổn hển
  • Thở mạnh đến mức bụng hóp vào dưới xương sườn (co rút lại)
  • Bé ngẩng cao đầu hoặc mở to lỗ mũi ra để thở
  • Da chuyển sang tái nhợt hoặc xanh xao
  • Không thể nói chuyện vì khó thở.

Nếu không được điều trị hoặc chăm sóc y tế chậm trễ, cơn hen suyễn có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của cơn hen suyễn, hãy:

  • Kịp thời cho trẻ dùng thuốc “cắt cơn nhanh” theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu không có bất kỳ loại thuốc cấp cứu nào, hãy gọi 115 hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất.

Khi thuốc phát huy tác dụng mở đường thở, các triệu chứng sẽ giảm dần. Bệnh nhân có thể phải dùng lặp lại những liều thuốc cấp cứu để ngăn chặn các triệu chứng tái phát. Nếu các triệu chứng vẫn còn hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy gọi 115 hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

4. Chẩn đoán trẻ bị hen suyễn

Bác sĩ có thể giúp xác định xem các triệu chứng của trẻ có phải là do bệnh suyễn gây ra hay không. Thông thường, hen suyễn ở trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi có thể khó chẩn đoán, vì các bệnh lý khác cũng gây ra tiếng thở khò khè tương tự. Như đã đề cập, nhiễm trùng đường hô hấp do virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây thở khò khè ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đó là lý do tại sao nhiều bác sĩ không chẩn đoán xác định trẻ sơ sinh bị hen suyễn cho đến khi bé được 2 tuổi.

Tuy nhiên, nếu trẻ ho thường xuyên và mắc dị ứng hoặc bệnh chàm, đồng thời gia đình bạn có tiền sử bệnh hen suyễn và dị ứng hoặc bệnh chàm (đặc biệt nếu vợ chồng bạn đều mắc bệnh này), thì nhiều khả năng bé sẽ tiếp tục mắc bệnh hen suyễn.

Để tìm hiểu xem con bạn có bị hen suyễn hay không, bác sĩ sẽ:

  • Ghi chép tiền sử y tế, sức khỏe gia đình cẩn thận, hỏi về các triệu chứng của trẻ và thời điểm xảy ra.
  • Khám sức khỏe.
  • Yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi (cho trẻ thở vào một thiết bị để đo luồng không khí ra vào phổi), xét nghiệm máu, xét nghiệm dị ứng và chụp X-quang.

Đôi khi bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc để xem liệu có giúp trẻ cải thiện nhịp thở hay không.

Trẻ bị ho có đờm, khò khè, phải làm thế nào? (Phần 2)
Nếu trẻ thường xuyên ho và mắc dị ứng cũng như trong gia đình có người bị hen suyễn thì nhiều khả năng trẻ cũng bị hen suyễn

5. Phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh hen suyễn nếu trẻ đã mang gen này. Bạn cũng sẽ không biết liệu con mình có bị hen hay không cho đến khi thấy các triệu chứng dai dẳng, chẳng hạn như thở khò khè và ho liên tục.

Bố mẹ chỉ có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hoặc trì hoãn cơn hen suyễn cấp khi trẻ lớn hơn (phổi của trẻ lớn và khỏe hơn) bằng cách:

  • Xác định và giảm thiểu các yếu tố kích hoạt

Nếu con bạn bị hen suyễn, hãy tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng và bộc phát cơn hen. Một vài trẻ chỉ biểu hiện khi cảm lạnh, trong khi số khác cần tránh tiếp xúc lông mèo hoặc khói thuốc lá.

  • Hạn chế tiếp xúc với mạt bụi

Bọc nệm của trẻ bằng một tấm drap không thấm nước, không dùng thảm và đồ chơi nhồi bông, sử dụng mành che thay vì màn vải dày và giặt drap giường của trẻ mỗi tuần một lần bằng nước nóng.

  • Tránh xa khói thuốc

Mặc dù khói thuốc không phải là một chất gây dị ứng, nhưng có thể gây kích ứng phổi. Vì vậy, cần cho trẻ tránh xa khói thuốc lá.

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm

Ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng phổi và các vấn đề về hô hấp ở những người nhạy cảm. Kiểm tra tin tức hoặc ứng dụng về Chỉ số chất lượng không khí và cân nhắc cho trẻ ở trong nhà vào những ngày chất lượng không khí kém.

  • Tránh sử dụng lò sưởi hoặc bếp củi

Mặc dù mang lại hơi ấm trong những ngày mùa đông, nhưng khói có thể gây kích ứng hệ hô hấp của trẻ.

  • Hạn chế tiếp xúc với lông thú cưng

Nếu trẻ đã bị dị ứng thì cha mẹ nên giữ vật nuôi bên ngoài. Tuy nhiên, lựa chọn này còn tùy thuộc vào tính cách của thú cưng và hoàn cảnh sống của gia đình bạn.

  • Giảm nấm mốc trong nhà

Lắp quạt thông gió hoặc mở cửa sổ khi nấu ăn và tắm nước nóng. Sử dụng máy điều hòa không khí hoặc máy hút ẩm (nếu cần), giữ độ ẩm trong khoảng 35 - 50%. Sửa chữa những chỗ rò rỉ, có thể gây ra nấm mốc phía sau tường và dưới sàn, đồng thời làm sạch bề mặt ẩm mốc bằng xà phòng và nước. Đảm bảo quần áo hoặc bề mặt ẩm ướt được làm khô càng sớm càng tốt để ngăn nấm mốc phát triển.

Không có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, việc theo dõi y tế chặt chẽ và điều trị thích hợp sẽ giúp con bạn kiểm soát bệnh khi lớn hơn để có thể chạy nhảy, bơi lội và chơi đùa như những đứa trẻ khác. Hen suyễn ở trẻ sơ sinh có thể khiến gia đình bạn lo sợ, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều bé đang đối mặt với căn bệnh này. Hầu hết trẻ sơ sinh bị hen suyễn khi lớn lên có nhiều cơ hội trở thành người khỏe mạnh.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh hen suyễn, các bậc cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tùy theo tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Việc cha mẹ tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng đúng các loại thuốc được kê đơn để cắt cơn hoặc dự phòng bệnh hen có ý nghĩa rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Khói thuốc
Mặc dù khói thuốc không phải là một chất gây dị ứng, nhưng có thể gây kích ứng phổi vì vậy cần cho trẻ tránh xa khói thuốc lá

Ngoài ra, để tránh tình trạng trẻ bị hen suyễn, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất. Đồng thời, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: .babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan