Các triệu chứng mất nước ở trẻ em cần nhận biết sớm

Mỗi ngày, chúng ta mất chất lỏng cơ thể (nước và các chất lỏng khác) trong nước tiểu, phân, mồ hôi và nước mắt. Chúng ta thay thế chất lỏng bị mất bằng cách ăn và uống. Mất nước xảy ra khi chất lỏng ra khỏi cơ thể nhiều hơn lượng chất lỏng đi vào cơ thể. Điều này có thể xảy ra khi trẻ không uống đủ nước hoặc khi cơ thể bị bệnh, chất lỏng sẽ bị mất đi do nôn mửa, tiêu chảy và sốt. Tình trạng mất nước có thể xảy ra từ từ hoặc nhanh chóng, tùy thuộc vào cách thức mất nước và độ tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dễ bị mất nước hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp những người chăm sóc trẻ kịp thời nhận biết được các triệu chứng mất nước ở trẻ em cần nhận biết sớm.

1. Mất nước là gì?

Nếu trẻ bị mất nước, điều đó có nghĩa là bé đã không có đủ lượng chất lỏng cần thiết trong cơ thể. Một điều cần lưu ý là trẻ em dễ bị mất nước hơn người lớn. Tình trạng mất nước có thể xảy ra nếu trẻ được bổ sung một lượng chất lỏng ít hơn so với lượng chất lỏng mà trẻ bị mất thông qua:

Mất nước có thể ở thể nhẹ và có thể điều chỉnh bằng cách bổ sung thêm nước hoặc các chất điện giải nhưng mất nước cũng có thể ở mức độ vừa, nặng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Nguy cơ sốc mất nước ở trẻ do tiêu chảy cấp
Trẻ em dễ bị mất nước hơn người lớn

2. Các triệu chứng mất nước của trẻ

Bất kỳ dấu hiệu nào sau đây đều có thể cho thấy trẻ đang bị mất nước.

  • Trẻ không đi tiểu trong vòng 6 giờ
  • Nước tiểu của trẻ có màu sẫm hơn và có mùi nồng hơn bình thường.
  • Trẻ lâm vào trạng thái hôn mê.
  • Miệng, môi của trẻ khô
  • Trẻ không có hoặc có ít nước mắt khi khóc.

Một số dấu hiệu của trẻ có thể đang bị mất nước nghiêm trọng như sau:

  • Mắt trẻ có dấu hiệu trũng
  • Bàn tay và bàn chân trẻ cảm thấy lạnh, bên ngoài có dấu hiệu khô ráp.
  • Trẻ buồn ngủ và ngủ quá mức hoặc quấy khóc.
  • Da trẻ nhăn nheo.
  • Trẻ chỉ đi tiểu từ 1 đến 2 lần/ngày.

3. Các phụ huynh nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu mất nước?

Mất nước nghiêm trọng là một trong những trường hợp khẩn cấp. Nếu trẻ bị mất nước ở mức độ nhẹ hoặc trung bình thì các phụ huynh có thể gọi cho bác sĩ để được tư vấn và chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn các phụ huynh pha cho trẻ uống nước bù điện giải để bổ sung nước và muối mà cơ thể trẻ đã bị mất đi. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều thích hương vị của chất điện giải, vì vậy nếu trẻ không chịu uống nước điện giải thì hãy tăng lượng nước mà trẻ thường uống và hỏi bác sĩ về các lựa chọn thay thế như các loại nước ép, nước uống bổ sung,...

Tuy nhiên, ở trường hợp trẻ bị mất nước nghiêm trọng, các phụ huynh lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám và điều trị nhanh chóng. Tại đây, trẻ có thể cần được truyền chất điện giải qua ống truyền tĩnh mạch trong bệnh viện cho đến khi cơ thể được bù nước.

Thực chất, chất điện giải là một loại chất lỏng điện phân giúp cơ thể được bổ sung trực tiếp chất điện giải qua đường uống. Các loại nước điện giải có thể cho trẻ dùng để điều trị mất nước bao gồm:

  • Pedialyte
  • Infalyte
  • ReVital
sốc phản vệ gây tử vong cho trẻ
Có thể truyền chất điện giải qua tĩnh mạch để bù đủ nước cho bé nếu bị mất nước nghiêm trọng

Các loại thuốc này có sẵn ở các hiệu thuốc, tuy nhiên, các phụ huynh cũng nên tham gia ý kiến của bác sĩ về các loại sản phẩm này trước khi lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, cần phân biệt nước điện giải với nước uống bổ sung trong thể thao vì chúng đều chứa chất điện giải cho cơ thể. Nhưng ở nước uống bổ sung trong thể thao có nồng độ đường cao hơn so với nước điện giải được sản xuất đặc biệt giúp bù nước cho trẻ. Bác sĩ có thể cung cấp thông tin sử dụng chất điện giải cho các phụ huynh dựa trên tuổi và cân nặng của trẻ. Hoặc các phụ huynh có thể đọc thêm hướng dẫn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ về lượng dung dịch dùng trong 24 giờ và mỗi lần uống nên cho từ từ, từng ngụm nhỏ một cho trẻ dễ uống.

4. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng mất nước của cơ thể ở trẻ em.

Các phụ huynh nên đảm bảo rằng trẻ đã được uống nhiều nước mỗi ngày, hãy tập cho trẻ thói quen uống nước mỗi khi có thể, đặc biệt ở những ngày nắng nóng hoặc khi trẻ ốm thì lượng nước uống của trẻ cũng cần tăng lên. Các phụ huynh có thể đặt ra những khung giờ uống nước cố định ngoài những lúc trẻ khát như sau khi ngủ dậy, sau khi đi chơi thể thao về, trước khi đi ngủ,... để tạo cho trẻ thói quen uống nước đều đặn mỗi ngày.

Không nên hoặc hạn chế cho trẻ uống nước ngọt, đặc biệt các loại nước ngọt có ga sẽ làm ảnh hưởng tới men răng của trẻ. Uống nhiều nước ngọt cũng có thể làm cho nguy cơ mắc béo phì của trẻ tăng, và các bệnh chuyển hóa. Điều này không tốt cho sức khỏe và tương lai của trẻ.

Không nên tăng lượng nước ép, nước trái cây của trẻ uống trong một ngày. Đây là một lời khuyên của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến nghị các phụ huynh. Tuy nhiên, nếu trẻ thích uống các loại nước ép hoặc nước trái cây, các phụ huynh có thể pha loãng nước ép với nước lọc để trẻ sử dụng nhiều hơn. Ví dụ như nếu trẻ uống 3 hoặc 4 ounce nước trái cây mỗi ngày thì các phụ huynh có thể pha loãng thành 6 đến 8 ounce mỗi ngày cho trẻ uống.

Nước ngọt.
Hạn chế sử dụng nước ngọt có ga để tránh ảnh hưởng đến men răng và sức khỏe của trẻ

Ở mỗi tình trạng khác nhau thì các phụ huynh có thể cho trẻ bổ sung nước khác nhau, ví dụ ở trong các tình huống sau:

  • Sốt: Khi trẻ bị sốt, các phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước, uống bất cứ khi nào, đặc biệt là khi trẻ đang có những biểu hiện sốt. Mặc dù trẻ có thể sẽ thích những đồ uống có đá lạnh nhưng các phụ huynh không nên cho trẻ uống nước lạnh, thay vào đó có thể sử dụng nước ấm sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ hơn. Nếu trẻ gặp khó khăn, đau trong quá trình nuốt nước bọt thì phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như acetaminophen dành cho trẻ em hoặc ibuprofen để giảm bớt khó chịu. (Lưu ý không bao giờ cho trẻ dùng aspirin, loại thuốc có liên quan đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye).
  • Khi trẻ quá nóng do hoạt động nhiều: Trong một ngày nóng bức, khi trẻ vừa hoạt động như chạy nhảy, đá bóng hay chỉ ngồi trong phòng cũng cảm thấy ngột ngạt, oi bức, có thể dẫn đến đổ mồ hôi và mất nước. Vì vậy, nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường khi thời tiết nóng bức hay những khi trẻ tham gia các hoạt động mất sức như đá bóng, cầu lông,...
  • Khi trẻ bị mắc tiêu chảy: Nhiều trẻ có đường ruột nhạy cảm, rất dễ mắc bệnh đường ruột, đặc biệt là viêm dạ dày ruột cấp tính, trẻ sẽ mất nước do tiêu chảy và nôn mửa. Trong tình huống này, các phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ uống nước hoa quả vì điều này có thể khiến tình hình tồi tệ hơn và không tự ý cho trẻ uống thuốc tiêu chảy mà không có đơn của bác sĩ chỉ định. Các phụ huynh chỉ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn, nếu cảm thấy trẻ có thể đang bị mất nước thì các phụ huynh có thể bổ sung nước điện giải.
  • Khi trẻ nôn mửa: nguyên nhân khiến trẻ nôn mửa có thể do virus hoặc nhiễm trùng đường ruột. Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi do mất nước, các phụ huynh nên thường xuyên cho trẻ uống một lượng nước nhỏ một, bổ sung thêm nước điện giải cho trẻ nếu thấy cần thiết
  • Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng: Khi mắc bệnh này, trẻ có thể đau họng, khó chịu khi ăn uống nên lượng nước trẻ sử dụng sẽ giảm đi đáng kể. Các phụ huynh nên cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen dành cho trẻ em để giảm bớt cảm giác khó chịu, sau đó cho trẻ uống nước điện giải với mức độ thường xuyên và với lượng nhỏ mỗi lần. Các chất lỏng lạnh có thể làm dịu cơn đau của trẻ nhưng các phụ huynh cũng nên hạn chế, đồng thời tránh các đồ uống có múi như nước cam, nước bưởi,... vì chúng có thể gây châm chích và đốt cháy các mô bị kích thích ở cổ họng.

Nếu trẻ không muốn uống đồ uống yêu thích thông thường của mình, các phụ huynh có thể thay thế bằng các sản phẩm khác như Popsicles, là một sự thay thế tuyệt vời. Nó là một nguồn chất lỏng tốt cho trẻ em và cũng có thể coi như đồ ăn vặt. Hoặc các phụ huynh có thể thử một số loại kem đặc biệt làm từ Pedialyte hoặc các dung dịch thay thế chất điện giải khác để thay thế chất điện giải.

Trẻ uống nước.
Phụ huynh cho trẻ bổ sung lượng nước tùy vào tình trạng thực tế

Mất nước là tình trạng bình thường của cơ thể ở tất cả lứa tuổi. Thông thường, cơ thể người mất nước thông qua tiết mồ hôi, qua phân, nước tiểu và nhiều nguồn khác. Đối với trẻ em, mất nước chỉ thực sự trở nên nguy hiểm khi lượng nước mất đi quá lớn và lượng nước bù vào không đáp ứng đủ nhu cầu về nước cho cơ thể. Trong một số trường hợp, tình trạng mất nước có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ như sốt, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên theo dõi cũng như kịp thời bổ sung nước và điện giải cho bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

346 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan