Cách phòng ngừa dị ứng phấn hoa và lông thú cho trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Mai - Bác sĩ Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Dị ứng phấn hoa, dị ứng lông chó mèo (dị ứng thú cưng ) là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng điển hình như chảy mũi, ngứa mắt, ho... Dị ứng hầu hết không nguy hiểm tuy nhiên tình trạng này đem lại khá nhiều phiền toái cho người bệnh. Vậy phụ huynh có thể làm gì để hạn chế tối đa các triệu chứng khó chịu cho trẻ?

1. Các tác nhân gây dị ứng thường gặp trong cuộc sống

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với một tác nhân lạ bên ngoài cơ thể như phấn hoa, nấm mốc, vảy da thú cưng. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các vũ khí bao gồm các kháng thể, các chất hóa học giúp báo động và bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân không mong muốn. Dưới đây là một số tác nhân phổ biến gây ra tình trạng dị ứng:

1.1. Dị ứng phấn hoa

Phấn hoa là một loại bột rất mịn do cây cối, hoa, cỏ tạo ra trong quá trình thụ phấn. Ở một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, khi họ hít phải phấn hoa, hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ tự kích hoạt các phản ứng bất lợi để “phản kháng” với các kháng nguyên lạ là phấn hoa xâm nhập vào.

Bình thường hệ miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm mốc... để phòng ngừa bệnh, tuy nhiên ở những người bị dị ứng phấn hoa, hệ miễn dịch sẽ nhận diện các hạt phấn hoa như một kẻ xâm nhập nguy hiểm và bắt đầu sản xuất các chất để chống lại chúng một cách mãnh liệt.

Dị ứng phấn hoa có thể xảy ra quanh năm hoặc chỉ bị trong những khoảng thời gian nhất định. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị dị ứng phấn hoa, trong một số trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể sử dụng các cách chữa dị ứng phấn hoa tại nhà. Tuy nhiên nếu dị ứng nặng bệnh nhân có thể phải nhập viện điều trị.

1.2. Dị ứng với chó mèo

Dị ứng khi tiếp xúc với chó mèo gặp rất phổ biến hiện nay ở cả trẻ em và người lớn. Nhiều thành phần protein tiết ra từ thú cưng có thể gây dị ứng với các đối tượng mẫn cảm như: da chết, nước bọt và nước tiểu của chúng. Ở một số người có cơ địa nhạy cảm, hệ thống miễn dịch sẽ có những phản ứng rất bất thường đối với các protein mà cơ thể thú cưng tiết ra, từ đó sẽ gây ra tình trạng dị ứng.

Như vậy về bản chất lông thú cưng không gây dị ứng, tình trạng dị ứng xảy ra là do các chất dị ứng như da chết, các protein từ nước tiểu, phân bám trên lông của thú cưng khi rụng sẽ vương vãi theo trên thảm, quần áo, tường và đệm ghế. Nếu người nhạy cảm hít phải các lông mang chất dị ứng sẽ gây khởi phát tình trạng dị ứng lông thú. Các loài vật khác nhau sẽ có những chất gây dị ứng (kháng nguyên) khác nhau, chúng ta có thể không dị ứng với loài vật này nhưng lại có thể bị dị ứng với loài vật khác.

2. Triệu chứng dị ứng phấn hoa và dị ứng lông thú ở trẻ em

Ở những trẻ bị dị ứng khi tiếp xúc với một tác nhân dị nguyên, các triệu chứng thường gặp là:

  • Nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi và hắt hơi;
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt;
  • Ngứa họng;
  • Da nổi ban đỏ, ngứa
  • Giảm cảm giác vị giác hoặc cảm giác về mùi;
  • Ho, khó thở hoặc khò khè sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng;
  • Lên cơn hen nặng với người bị hen suyễn...

Tùy theo cơ địa mỗi trẻ mà dấu hiệu dị ứng có thể bùng phát trong vài phút đến 1 giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

3. Cách phòng ngừa dị ứng phấn hoa và lông thú cho trẻ em

3.1. Cách phòng tránh dị ứng phấn hoa

  • Nếu đã xác định bé bị dị ứng phấn hoa, khi ra ngoài trời các bậc phụ huynh cần đeo khẩu trang, kính mắt... cho con để hạn chế nguy cơ hít/tiếp xúc với hạt phấn hoa;
  • Khi vào mùa phấn hoa, đóng cửa sổ trong nhà hạn chế phấn hoa có thể bay vào nhà.
  • Có thể dùng các loại thảo mộc và các chiết xuất làm dịu dị ứng như một cách chữa dị ứng phấn hoa tại nhà;
  • Giữ vệ sinh nhà cửa và giặt rèm cửa, vỏ bọc sô-pha, quần áo, khăn tắm, drap trải giường, vỏ gối... thường xuyên;
  • Sử dụng máy sấy quần áo, không phơi quần áo ngoài trời;
  • Sử dụng máy máy hút bụi, máy lọc không khí có bộ lọc khí đạt tiêu chuẩn HEPA để giảm nguy cơ hạt bụi, phấn hoa, nấm mốc... lơ lửng trong không khí.

3.2. Cách phòng ngừa dị ứng lông thú

  • Để ngăn ngừa dị ứng lông chó mèo, tốt nhất gia đình không nên nuôi thú cưng nếu có trẻ em bị dị ứng;
  • Nếu vẫn tiếp tục nuôi hãy vệ sinh thú cưng thường xuyên;
  • Hạn chế tiếp để trẻ xúc thân mật với chó và mèo như ôm, nựng hoặc hôn thú cưng;
  • Giữ gìn không gian sống sạch sẽ, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, chăn ga, mùng mền..;
  • Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi đi ra ngoài, đặc biệt ở những vị trí có sự hiện diện của vật nuôi.
  • Sử dụng các loại máy lọc không khí HEPA trong gia đình để lọc đi các mảng da chết, protein vật nuôi tiết ra lơ lửng trong không khí.

Máy lọc không khí mang lại nhiều lợi ích rất thiết thực trong những gia đình có trẻ bị dị ứng với một dị nguyên nào đó. Ngày nay các gia đình nên chú trọng hơn vào chất lượng không khí là cách khả quan nhất giúp phòng ngừa dị ứng phấn hoa hoặc dị ứng thú cưng trong gia đình.

Công nghệ sản xuất máy lọc không khí hiện nay rất phát triển, thậm chí có những thiết bị lọc không khí rất nhỏ, chỉ nặng 40g và dễ dàng đeo lên cổ của trẻ như các loại vòng cổ hoặc kẹp cổ áo trẻ hàng ngày. Các loại máy lọc không khí này sẽ liên tục tạo ra khoảng 2.000.000 ion âm/cm3, gấp 100 lần so với nồng độ ion mà rừng tự nhiên tạo ra, giúp làm sạch bụi PM2.5, phấn hoa và bụi bẩn trên mặt, giúp cải thiện chất lượng không khí ngoài trời hoặc trong nhà mà bản thân trẻ đeo thiết bị hít vào.

Hàng triệu ion âm được tạo ra từ thiết bị trên cổ sẽ khuếch tán vào vùng không khí trước mặt của người đeo, các ion này sẽ gắn kết với các hạt trong không khí tại đây (bụi mịn, phấn hoa, lông thú,...) biến chúng thành những khối lớn hơn, to hơn và rơi xuống đất. Cơ chế hoạt động này giống như một loại mặt nạ vô hình giúp loại bỏ hiệu quả các hạt trong không khí, bảo vệ người đeo không hít vào các chất ô nhiễm trong không khí.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống hàng ngày sẽ giúp chúng ta phòng chống bệnh tật tốt hơn, chủ động hơn, bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan