Cần làm gì để phòng tránh sớm nhược thị ở trẻ em?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Nhược thị ở trẻ em là tình trạng suy giảm thị lực không thể cải thiện ngay cả khi sử dụng kính thuốc hay kính áp tròng. Nhược thị thường không có nguyên nhân từ các bệnh lý về mắt mà do ảnh hưởng từ hoạt động của não bộ.

1. Chứng nhược thị ở trẻ em được hình thành như thế nào?

Thông thường, hầu hết các em bé sinh ra đến khi lớn lên đều có thị lực, nhưng vẫn chưa nhận biết được hình ảnh xung quanh. Khi trẻ bắt đầu phát triển, dây thần kinh dẫn truyền thị giác từ mắt đến não và dây thần kinh não bộ cũng phát triển theo. Lúc này, não sẽ học cách phân tích tín hiệu, hình ảnh được truyền đến từ mắt và quá trình này kéo dài từ 7 – 8 năm.

Sau khoảng 8 năm phát triển, dây thần kinh dẫn truyền thị giác và vùng thị giác của não sẽ hoàn thiện, không còn sự thay đổi nào khác. Do đó, nếu trong thời gian “học hỏi” của chức năng thị giác, trẻ không dùng đến hoạt động của một hay cả hai mắt một cách bình thường , khả năng cao sẽ gây ra chứng nhược thị ở trẻ em.

Nói cách khác, nhược thị là những bất thường về chức năng thị giác xảy ra ở não bộ chứ không phải ở đôi mắt. Vì vậy, ngay cả khi bạn không có bệnh lý nào về mắt hoặc các bệnh đều được điều trị dứt điểm, tình trạng suy giảm thị lực vẫn sẽ tồn tại vĩnh viễn, trừ khi trẻ được điều trị nhược thị trước năm 7 tuổi – giai đoạn vùng thị giác của não chưa phát triển hoàn toàn.

Mút ngón tay
Nhược thị là những bất thường về chức năng thị giác xảy ra ở não bộ chứ không phải ở đôi mắt

2. 3 nguyên nhân hàng đầu gây ra nhược thị ở trẻ em

Cho đến nay, đã có rất nhiều nguyên nhân được nhận định là gây ra chứng nhược thị. Trong đó, ba nguyên nhân sau đây là phổ biến nhất.

2.1 Bất thường khúc xạ

Các bất thường về khúc xạ ở trẻ, đặc biệt là tình trạng chiết quang mắt không đều như cận thị (nhìn gần), viễn thị (nhìn xa) và loạn thị... thường có nguyên nhân do độ tập trung ánh sáng tại thủy tinh thể bên trong mắt gây ra. Thông thường, các tật khúc xạ sẽ xảy ra ở cả hai mắt, mỗi mắt có thể có các bất thường khúc xạ khác nhau. Hiếm có trường hợp một mắt bị bất thường khúc xạ, một mắt khỏe mạnh.

Các bất thường khúc xạ có thể được xử lý bằng cách cho trẻ mang kính. Tuy nhiên, nếu như trẻ không được khám mắt thường xuyên, sẽ rất khó để cha mẹ phát hiện ra trẻ bị bất thường khúc xạ mắt.

2.2 Lác mắt

Tật lác mắt (hai mắt không nhìn về một hướng giống nhau) cũng có khả năng gây ra chứng nhược thị ở trẻ em. Lác mắt sẽ khiến hai mắt tập trung tiêu điểm vào nhiều vật thể khác nhau. Chứng lác mắt xuất hiện khá sớm ở trẻ em – đặc biệt là trong giai đoạn não bộ đang học cách nhìn.

Một số trường hợp khi mắt lác và thị lực mỗi mắt đều tốt. Khi đó, hai mắt sẽ được sử dụng xen kẽ ở các thời điểm khác nhau, đường dẫn truyền thị giác cũng phát triển đồng đều giữa hai mắt. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp lác mắt, não bộ chỉ sử dụng một mắt chính yếu để học và mắt còn lại sẽ bị bỏ qua tín hiệu. Việc này gây ra chứng nhược thị ở trẻ nhỏ.

2.3 Các bất thường gây cản trở thị giác khác

Bất kỳ bất thường nào có khả năng cản trở thị giác (khả năng nhìn nhận sự vật – hiện tượng xung quanh) đều có thể là nguyên nhân gây ra chứng nhược thị; vì não bộ không tạo ra được đường dẫn truyền thị giác đến mắt.

Một số loại bất thường cản trở thị giác thường gặp ở trẻ là:

  • Đục thủy tinh thể một mắt.
  • Sẹo ở giác mạc ngăn chặn ánh sáng đến phía sau mắt.
  • Sụp mí.
  • Bất động khúc xạ.
  • Do di truyền...
trẻ mắt lác
Tật lác mắt (hai mắt không nhìn về một hướng giống nhau) cũng có khả năng gây ra chứng nhược thị ở trẻ em

3. Vấn đề phòng tránh sớm nhược thị ở trẻ em

“Việc phòng tránh nhược thị có quan trọng không?” câu trả lời là có!

Nhược thị khi hình thành sẽ tồn tại vĩnh viễn và một mắt của bạn sẽ mãi mãi không có đủ thị lực để quan sát xung quanh. Tuy mức độ suy giảm thị lực có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thậm chí là sức khỏe của trẻ.

4. Cần làm gì để phòng tránh sớm nhược thị ở trẻ em?

Giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi là khoảng thời gian quan trọng đối với chức năng thị lực của trẻ. Do đó, trong giai đoạn này, bất kì nguyên nhân nào gây cản trở thị lực đều dẫn đến chứng nhược thị. Vì vậy, thời gian bé từ 0 đến 7 tuổi được xem là giai đoạn “vàng” trong phòng tránh và điều trị nhược thị ở trẻ em.

Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ để có thể phát hiện sớm các vấn đề bất thường xảy ra ở tầm nhìn của mắt, nhờ đó nhanh chóng tìm ra phương pháp tốt nhất để khắc phục. Cho đến nay, việc khám mắt và đo thị lực định kỳ đã trở thành một hoạt động quan trọng giúp bảo vệ đôi mắt của trẻ nhỏ. Một số trẻ gặp các vấn đề về mắt sớm như tật khúc xạ, đục thủy tinh thể... đều sẽ được điều trị nhanh chóng để đảm bảo không ảnh hưởng đến thị giác sau này.

Có thể nói, nhược thị ở trẻ em là một tình trạng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của trẻ sau này. Để giúp trẻ phòng tránh, khám mắt, tầm soát tật khúc xạ và áp dụng các giải pháp điều trị - phòng ngừa là cách tốt nhất để giảm nguy cơ của vấn đề này.

Tóm lại, nhược thị là khi thị lực ở một hoặc cả hai mắt không phát triển bình thường trong thời kì trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường gặp là do tật khúc xạ, lác, tổn thương các thành phần của mắt. Để phòng tránh sơm bệnh nhược thị ở trẻ nhỏ thì tất cả trẻ em cần được thăm khám bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhãn khoa trước 4 tuổi để phát hiện những bất thường về mắt, để từ đó có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

Khám mắt
Trẻ nên được khám mắt định kỳ ngay từ nhỏ để phát hiện sớm những vấn đề có thể gặp phải về thị giác và xử trí kịp thời

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan