Cảnh giác viêm da cơ địa ở trẻ em khi giao mùa

Viêm da cơ địa, còn được gọi là eczema (chàm thể tạng), là một bệnh ngoài da không lây thường gặp ở trẻ em. Viêm da cơ địa ở trẻ em liên quan tới cơ địa và dị ứng, bệnh có thể tái phát và trở thành bệnh mạn tính nếu không biết cách phòng ngừa và điều trị hợp lý.

1. Viêm da cơ địa trẻ em

Viêm da cơ địa là một bệnh lý ngoài da mãn tính có thể gặp ở mọi độ tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em. Độ tuổi trẻ bị viêm da cơ địa thường gặp là từ vài tháng tuổi đến tuổi đi học. Viêm da cơ địa thường xuất hiện sớm với 60% trẻ phát bệnh trong năm đầu đời và chỉ có 10% trẻ biểu hiện tình trạng viêm da cơ địa sau 5 tuổi.

Viêm da cơ địa là bệnh không lây, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, virus. Bên cạnh tổn thương da đặc trưng, bệnh nhân viêm da cơ địa có thể biểu hiện các triệu chứng của các bệnh lý dị ứng / cơ địa khác đi kèm như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thức ăn, mày đay,...

Thông thường, 95% trẻ bị viêm da cơ địa ổn định bệnh sau 2 tuổi, tuy nhiên, một số bệnh nhi tái phát viêm da cơ địa nhiều lần cho đến tuổi trưởng thành, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, viêm da cơ địa ở trẻ cần được phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị, quản lý bệnh hiệu quả nhằm giảm nhanh triệu chứng và hạn chế bệnh bùng phát, tái phát.

2. Nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa

Bình thường cấu tạo của da có một lớp bảo vệ ngăn không cho nước trong da bị bốc hơi, bảo vệ da khỏi tác nhân gây bệnh bên ngoài. Bệnh nhân viêm da cơ địa bị tổn thương lớp màng bảo vệ này do giảm sản xuất lớp lipid trên bề mặt da, khiến cho da bị khô, mất nước, tạo điều kiện cho các tác nhân (vi khuẩn gây bệnh, dị nguyên) xâm nhập từ bên ngoài vào.

Chưa có nguyên nhân rõ ràng giải thích cho tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ. Tuy nhiên, có ba yếu tố chính liên quan đến bệnh lý này bao gồm: di truyền, môi trường, rối loạn đáp ứng miễn dịch. Một số trẻ bị viêm da cơ địa có tiền sử gia đình mắc bệnh này hoặc các bệnh dị ứng như hen, dị ứng thời tiết,... Hiếm hơn, viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có thể liên quan với dị ứng thức ăn như: sữa bò, trứng,...

Một số yếu tố có thể khởi phát viêm da cơ địa ở trẻ hoặc làm cho bệnh trầm trọng hơn:

  • Thời tiết, khí hậu: Viêm da cơ địa ở trẻ thường khởi phát hoặc trở nặng khi giao mùa, bệnh thường gặp hơn vào mùa đông khi mà khí hậu trở nên hanh khô.
  • Dị nguyên hô hấp: Các dị nguyên hô hấp trong môi trường như phấn hoa, mạt bụi, lông súc vật,... hay các dị nguyên thức ăn như sữa, trứng, hải sản,... cũng có thể liên quan đến viêm da cơ địa trẻ em.
  • Xà phòng, hóa chất: Sự tiếp xúc với các loại hóa mỹ phẩm như xà phòng, chất tẩy rửa cũng có thể là nguyên nhân khiến viêm da cơ địa ở trẻ em nặng lên.
  • Vệ sinh kém, nhiễm khuẩn: Trẻ cũng có thể khởi phát viêm da cơ địa trong tình trạng nhiễm khuẩn hay điều kiện vệ sinh kém.

3. Triệu chứng viêm da ở địa trẻ em

Viêm da cơ địa ở từng giai đoạn bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau:

  • Giai đoạn cấp tính: Tổn thương thường xuất hiện ở trán, má, cằm của trẻ, trường hợp nặng hơn có thể lan đến các chi và thân mình. Biểu hiện tổn thương ở giai đoạn này là mụn nước trên nền dát đỏ, có thể rỉ dịch, tạo vảy tiết,...
  • Giai đoạn bán cấp: Tổn thương ở giai đoạn này là các dát sẩn trên nền da đỏ, có thể rải rác hoặc tập trung thành mảng, hay gặp ở mặt duỗi các chi.
  • Giai đoạn mạn tính: Tổn thương da dày khô, có thể xuất hiện vết nứt, thường gặp ở các nếp gấp lớn như lòng bàn tay, bàn chân hay cổ tay, cổ chân,...

Viêm da cơ địa cũng biểu hiện phong phú ở từng độ tuổi mắc bệnh của trẻ:

  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa thường xuất hiện tổn thương ở mặt, hiếm khi xuất hiện các tổn thương ở tay chân hay thân mình. Trẻ bú mẹ hay gặp chàm sữa với biểu hiện khô đỏ hai má.
  • Trẻ lớn hơn: Vị trí thường gặp của tổn thương viêm da cơ địa ở trẻ lớn là các nếp gấp như khuỷu tay, gối, cổ hoặc bàn tay, bàn chân, thân mình. Trẻ lớn bị viêm da cơ địa có thể xuất hiện những triệu chứng như: đám mụn, ngứa dữ dội, khiến bệnh nhân cào gãi làm trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Viêm da cơ địa có thể tác động đến tâm lý của trẻ lớn do ảnh hưởng thẩm mỹ khiến trẻ thiếu tự tin.

Viêm da cơ địa trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt của trẻ. Tình trạng ngứa trong viêm da cơ địa có thể là nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, biếng ăn, chậm lớn. Bên cạnh đó, tổn thương da do viêm da cơ địa có thể bội nhiễm tụ cầu, herpes, nấm,... làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn và khó điều trị hơn.

4. Điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị chứng viêm da cơ địa ở trẻ em là:

  • Phục hồi hàng rào da
  • Kiểm soát nhanh đợt cấp bằng thuốc kháng viêm, thuốc chống ngứa, phòng chống nhiễm trùng
  • Duy trì ổn định bệnh bằng kem dưỡng ẩm

Trong các đợt cấp viêm da cơ địa, trẻ cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

Sau khi bệnh ở giai đoạn ổn định, cần tránh các yếu tố khởi phát bệnh và cần duy trì dưỡng ẩm cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Việc giữ ẩm da có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa ở trẻ, có tác dụng tránh khô da, tránh ngứa. Cần dưỡng ẩm hàng ngày và duy trì sau khi triệu chứng bệnh cải thiện để hạn chế tái phát. Tùy thuộc mức độ bệnh và mức độ cải thiện để lựa chọn các sản phẩm giữ ẩm ở dạng lỏng, kem, hay mỡ.

5. Phòng bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em

Việc tránh các yếu tố nguy cơ có thể phòng bệnh viêm da cơ địa ở trẻ cũng như ngăn bệnh trở nặng.

  • Nên cho trẻ mặc quần áo mềm, dễ thấm hút như chất liệu cotton, hạn chế để sợi len, dạ tiếp xúc trực tiếp với da của trẻ.
  • Không nên bôi hoặc tắm cho trẻ bằng các loại nước không rõ nguồn gốc như nước lá.
  • Chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng như phấn hoa, bụi, mạt nhà, lông súc vật,... có thể khởi phát viêm da cơ địa hoặc làm cho bệnh nặng lên.
  • Không cho trẻ ăn những loại thực phẩm dị ứng với cơ địa của trẻ.
  • Trẻ có cơ địa viêm da nên sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng, có tính chất dưỡng ẩm. Không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh cho trẻ và không nên ngâm trẻ trong nước quá lâu.
  • Giữ chỗ ngủ của trẻ thoáng mát, tránh sử dụng các loại chăn, ga, gối, màn được làm từ lông động vật hoặc làm từ len, dạ.
  • Vệ sinh vùng tã lót ở trẻ nhỏ tránh chất tiết gây kích thích.
  • Giữ độ ẩm không khí, dưỡng ẩm da hàng ngày cho trẻ, nhất là về mùa đông.

Viêm da cơ địa là một bệnh lý da liễu khá phổ biến ở trẻ khi giao mùa, tuy nhiên bệnh có thể phòng tránh và điều trị được. Nếu không được phát hiện kịp thời, hoặc chủ quan với những biểu hiện bất thường trên da của trẻ có thể khiến cho bệnh trở nặng hoặc bội nhiễm. Việc tránh các yếu tố nguy cơ có ý nghĩa quan trọng đối với phòng bệnh viêm da cơ địa khởi phát hoặc trở nặng.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Viêm da, ngứa, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

761 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan