Chú ý tẩy giun cho trẻ suy dinh dưỡng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể trẻ không được cung cấp đủ năng lượng, chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cơ thể phát triển bình thường. Bên cạnh các phương pháp chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng như vệ sinh môi trường sống, thay đổi chế độ ăn, phụ huynh nên chú ý tẩy giun cho trẻ định kỳ.

1. Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng ở trẻ là tình trạng cơ thể bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tăng trưởng cân nặng, chiều cao cũng như sự phát triển chung của trẻ. Suy dinh dưỡng hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Suy dinh dưỡng gây ra nhiều hệ lụy như:

  • Làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ: Khi bé bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng sẽ kém đi, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp,... làm bé càng thêm biếng ăn, gầy guộc,...
  • Ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất: Suy dinh dưỡng làm tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể trẻ kém phát triển, khiến bé chậm phát triển chiều cao và cân nặng so với tiêu chuẩn chung. Nếu kéo dài, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ làm ảnh hưởng tới vóc dáng và thể trạng khi bé trưởng thành;
  • Ảnh hưởng tới trí tuệ: Suy dinh dưỡng làm bé chậm phát triển trí não, phản xạ chậm, thiếu linh hoạt và tiếp thu kém;
  • Ảnh hưởng tới tâm lý: Trẻ chậm phát triển chiều cao, trí tuệ so với bạn cùng lứa sẽ thiếu tự tin, rụt rè, nhút nhát hơn.
Trẻ bị suy dinh dưỡng
Sự phát triển chiều cao ở trẻ suy dinh dưỡng chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa

2. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố như:

  • Do dinh dưỡng: Nuôi trẻ không đúng phương pháp khi mẹ bị thiếu hoặc mất sữa, cho trẻ ăn bổ sung không đúng về số lượng và chất lượng,...
  • Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường hô hấp nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ,... thường bị gầy gò, suy dinh dưỡng so với bạn bè cùng lứa;
  • Do thể trạng dị tật: Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, mắc các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh;
  • Do điều kiện kinh tế - xã hội: Suy dinh dưỡng là căn bệnh của tình trạng kinh tế nghèo nàn, dân trí thấp.

3. Dấu hiệu của trẻ bị suy dinh dưỡng

  • Không lên cân hoặc bị giảm cân;
  • Teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo;
  • Teo nhỏ, mất hết lớp mỡ dưới da bụng;
  • Da xanh, tóc thưa rụng, dễ gãy, đổi màu;
  • Ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, phân sống);
  • Thể nặng: Có phù hoặc teo đét, có biểu hiện của thiếu vitamin gây quáng gà, khô giác mạc, loét giác mạc.
Dấu hiệu của suy dinh dưỡng
Trẻ ăn kém, sụt cân là dấu hiệu của suy dinh dưỡng

4. Cách chăm sóc trẻ em bị suy dinh dưỡng

Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, khi chăm sóc cần chú ý tới những vấn đề sau:

Vệ sinh môi trường sống: Đảm bảo cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, sáng sủa. Đồ dùng, đồ chơi của bé cần sạch sẽ, khô ráo. Để rác thải ở chỗ kín, xa nơi ở và tránh ruồi muỗi đậu. Trẻ cần được ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu xong nên cho trẻ ăn ngay, nếu để quá 3 giờ cần phải đun sôi lại mới cho bé ăn. Tránh thực phẩm nhiễm bẩn và bị ô nhiễm vì chúng là nguồn gây bệnh tiêu chảy, ngộ độc thức ăn,... Các dụng cụ chế biến thức ăn cho trẻ cũng phải đảm bảo vệ sinh;

Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa thường xuyên cho trẻ, giữ ấm tốt cho trẻ trong mùa đông để tránh nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp. Đồng thời, phụ huynh cần giữ cho trẻ quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, giúp bé có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không ăn quá nhiều đồ ngọt để tránh mắc bệnh viêm lợi, sâu răng. Đồng thời, không cho trẻ mút tay, quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ chơi bẩn lên miệng để tránh mắc các bệnh giun sán;

Tâm lý: Phụ huynh không nên tức giận, hăm dọa khi trẻ biếng ăn vì hành động đó sẽ làm bé có ác cảm và càng không muốn ăn. Thậm chí ngay cả khi bé cố nuốt thì cơ thể cũng khó hấp thụ do ảnh hưởng tâm sinh lý. Vì vậy, khi cho trẻ ăn, cha mẹ nên tạo một bầu không khí thoải mái, tích cực;

Chăm sóc khi bé bị bệnh: Khi trẻ ốm, đặc biệt là khi bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp, phụ huynh cần nắm được cách xử trí ban đầu tại nhà. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, phụ huynh cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng dưỡng thích hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh. Để chăm sóc trẻ trong thời gian bệnh, cha mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn bổ dưỡng để bé có sức chống lại bệnh tật. Các loại thức ăn có thể được hầm nhừ, nghiền nhuyễn hoặc cho bé ăn ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày;

Tẩy giun cho trẻ
Tấy giun cho trẻ theo đúng định kỳ như chỉ dẫn của bác sĩ

Tẩy giun: Nhiễm giun sán là nguyên nhân khiến bé gầy rộc, suy dinh dưỡng dù ăn uống đủ chất. Vì vậy, để tránh nhiễm giun cho trẻ, phụ huynh nên tẩy giun cho trẻ theo đúng định kỳ như chỉ dẫn của bác sĩ tùy thuộc vào độ tuổi của bé;

Tiêm ngừa: Tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế để giúp trẻ tăng sức đề kháng, góp phần chống lại suy dinh dưỡng;

Vận động hợp lý: Phụ huynh nên khuyến khích trẻ vận động một cách phù hợp để các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường hệ thống miễn dịch, thúc đẩy tăng chiều cao, tăng cường đốt cháy năng lượng và kích thích trẻ thèm ăn, ăn ngon miệng hơn, đẩy lùi suy dinh dưỡng.

5. Vì sao cần tẩy giun cho trẻ suy dinh dưỡng?

Trẻ em thường bò chơi lê la trên sàn nhà, mút tay hoặc cho đồ chơi lên miệng,... Những hành động bản năng này của bé khiến các loại giun như giun đũa, giun tóc, giun kim,... dễ đi vào cơ thể. Khi trẻ bị nhiễm giun, ngoài việc chúng cư trú, hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây ra nhiều triệu chứng như: Rối loạn tiêu hóa, cản trở sự hấp thu dinh dưỡng của trẻ, khiến các bé chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác. Đặc biệt, còn có một số biến chứng nguy hiểm của tình trạng nhiễm giun như: giun chui ống mật, tắc ruột, thiếu máu nặng do giun móc, viêm nhiễm bộ phận sinh dục do giun kim,...

Tại sao phải tẩy giun cho trẻ
Giun đi vào cơ thể khi trẻ bò lê trên sàn nhà, mút tay,.... và cản trở sự hấp thu dinh dưỡng của trẻ

6. Chú ý khi tẩy giun cho bé

Thông thường, trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun. Tuy nhiên, trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn do bị nhiễm giun, phụ huynh có thể tẩy giun sớm hơn theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được sử dụng để tẩy giun cho trẻ là:

  • Albendazol: Ức chế sự thu nhận glucose ở ấu trùng và giun trưởng thành, làm giảm dự trữ glycogen, giảm năng lượng nên giun sẽ bất động rồi chết. Thuốc có tác dụng trên nhiều loại giun như: đũa, móc, tóc, kim, lươn. Liều dùng 1 lần duy nhất cho trẻ từ 2 tuổi là 400mg. Nếu muốn điều trị giun móc thì uống Albendazol mỗi ngày 1 viên, uống trong 3 ngày liên tiếp;
  • Mebendazol: Làm cho giun cạn kiệt glycogen dự trữ và ức chế sự sinh sản của giun. Loại thuốc này chỉ dùng cho trẻ trên 2 tuổi. Để tẩy giun kim, phụ huynh cho trẻ uống 100mg, sau 2 - 4 tuần uống nhắc lại một lần nữa. Để tẩy một hay nhiều loại giun như móc, tóc, kim thì dùng một liều duy nhất 400mg;
  • Pyrantel: Có biệt dược là hemilltox hàm lượng 125mg và 250mg, có tác dụng bằng cách phong bế thần kinh - cơ quan của giun, khiến chúng bị tê liệt và nhu động ruột sẽ đẩy chúng ra ngoài. Pyrantel xoa thể dùng để tẩy giun đũa, giun móc, giun kim cho trẻ từ 1 tuổi trở lên tới liều dùng là 10mg/kg cân nặng. Nếu trẻ nhiễm giun kim nhiều có thể dùng nhắc lại sau 1 tuần với liều lượng như trên.
Khám nhi Vinmec Times City
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ

Các loại thuốc tẩy giun cho trẻ trên đều được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai hoặc nghiền trước khi uống hoặc ở dạng lỏng. Tùy theo độ tuổi của trẻ, phụ huynh có thể lựa chọn dạng thuốc phù hợp. Thuốc giun cũng có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên, nên cho trẻ uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất. Thời gian tẩy giun định kỳ là 6 tháng/lần vì sau khoảng thời gian này cơ thể đã có thể tái nhiễm giun trở lại.

7. Cách phòng ngừa nhiễm giun cho trẻ

  • Tập cho bé thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn;
  • Cho bé uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín và các loại trái cây đều phải gọt vỏ sau khi rửa;
  • Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ và rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện. Không cho bé đi đại tiện bừa bãi;
  • Ở nông thôn cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở, không để bé nghịch đất cát;
  • Định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho cả gia đình.

Phụ huynh nên chú ý tới cách chăm sóc trẻ em bị suy dinh dưỡng, tẩy giun định kỳ cho bé để giúp bé nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng với bạn bè cùng nhóm tuổi.

Trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan