Có cần dùng thuốc nhỏ mắt chữa tắc tuyến lệ cho trẻ?

Tắc tuyến lệ là một vấn đề về mắt thường gặp phải ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn rằng liệu có cần dùng thuốc nhỏ mắt chữa tắc tuyến lệ cho con không? Cùng tìm hiểu cụ thể lời giải đáp qua bài viết sau đây.

1. Tắc tuyến lệ ở trẻ là tình trạng gì?

Tuyến lệ là tuyến nằm bên trong góc trên của mắt và ở bên ngoài phía gần với mũi nhất. Tuyến này bao gồm tuyến lệ chính và tuyến lệ phụ, giữ vai trò cung cấp nước mắt giúp giữ độ ẩm và tạo độ bôi trơn cho bề mặt mắt cũng như màng của mí mắt. Ngoài ra, nước mắt còn có tác dụng làm loại bỏ bụi bẩn, các mảnh vụn và giảm ma sát mắt để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng mắt.

Tắc tuyến lệ (tắc tuyến lệ đạo) là một bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh, xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn chỉ một phần hoặc toàn bộ. Điều này dẫn đến hiện tượng nước mắt không thể dẫn lưu như bình thường, gây ra tình trạng chảy nước mắt sống và khiến cho mắt dễ bị kích ứng hay nhiễm trùng. Ngoài ra, tắc tuyến lệ cũng khiến nước mắt gặp khó khăn khi thoát ra bên ngoài, không thể bốc hơi hoặc tái hấp thu như quá trình bình thường.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng tắc tuyến lệ ở trẻ?

Nhìn chung, tình trạng tắc tuyến lệ đa phần xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này thường bắt nguồn từ những tình trạng sau:

  • Van ở cuối tuyến lệ mở sai cách hoặc gặp sự cố trong quá trình hoạt động.
  • Hẹp ống dẫn nước mắt.
  • Phát triển bất thường các lỗ mở ở mi mắt của trẻ.

Ngoài ra, hiện tượng tắc tuyến lệ ở trẻ cũng có thể xảy ra do nguyên nhân bệnh lý hoặc bị dị tật cấu trúc, chẳng hạn như bệnh Polyp mũi, tổn thương tuyến lệ, u nang, đường nước mắt bị chặn bởi xương mũi, nhiễm trùng mắt, ống dẫn nước mắt phải chịu áp lực lớn do mặt gây nên,... Nếu tắc tuyến lệ do những nguyên nhân này thường khó điều trị hơn.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng góp phần dẫn đến tình trạng tắc tuyến lệ, tuy nhiên hiếm gặp hơn, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao càng khiến các lỗ nhỏ dẫn lưu nước mắt bị hẹp lại, dễ gây tắc nghẽn.
  • Khối u: Tắc tuyến lệ có thể xảy ra khi xuất hiện các khối u chèn ép hoặc đè lên hệ thống ống dẫn nước mắt.
  • Chấn thương: Tắc ống dẫn nước mắt do các chấn thương vùng mũi.
  • Tắc tuyến lệ do tác dụng phụ của các biện pháp xạ trị và hoá trị ung thư.

3. Trẻ bị tắc tuyến lệ thường có các dấu hiệu gì?

Để nhận biết liệu trẻ có bị tắc tuyến lệ hay không, bạn có thể quan sát một số dấu hiệu sau ở trẻ:

  • Khi khóc, trẻ không có nước mắt, tuy nhiên khi không có tác động gì về mặt cảm xúc thì bé lại có nước mắt tràn ra kèm theo một luồng trào ngược của chất nhầy được sản xuất bên trong túi lệ.
  • Hiện tượng chảy nước mắt (không khóc) có nguy cơ xảy ra cao hơn vào những ngày trời có nhiều gió, nắng, trời lành,... Đặc biệt, nước mắt dường như chảy ra nhiều hơn ở phần cuối ống lệ mũi bị tắc.
  • Trẻ hay bị chảy gỉ mắt, mờ dần thị lực, tròng trắng mắt đỏ hoặc sưng đau ở phần góc trong của mắt.
  • Mắt trẻ lúc nào cũng trong trạng thái ướt như vừa khóc do nước mắt đọng lại ở khe mi. Một số trẻ có ngấn đầy nước mắt, thậm chí nước mắt thường xuyên rơi thành giọt.
  • Trẻ thường xuyên dụi mắt hoặc có triệu chứng đỏ da bờ mi.
  • Trẻ bị nhiễm trùng mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc. Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm trùng mắt, bao gồm đóng váng trên lông vi, nhuốm máu ở nước mắt, mắt chảy mủ hoặc mờ đục, đôi khi bị sốt.

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể và sớm có biện pháp điều trị.

4. Có cần dùng thuốc nhỏ mắt chữa tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Nếu tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ có nguy cơ hoặc kèm theo hiện tượng nhiễm trùng thì việc sử dụng thuốc nhỏ mắt là điều vô cùng cần thiết. Các loại thuốc nhỏ mắt điều trị tắc tuyến lệ giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng, đồng thời bảo vệ mắt trẻ khỏi nguy cơ bội nhiễm.

Thuốc nhỏ mắt chữa tắc tuyến lệ thường được dùng theo đơn của bác sĩ sau khi chẩn đoán trẻ đã bị tắc tuyến lệ đạo có nguy cơ cao nhiễm trùng. Cha mẹ cần cho trẻ dùng những loại thuốc nhỏ mắt này theo đúng liều lượng và thời gian khuyến cáo của bác sĩ, tránh tự ý mua hoặc điều chỉnh liều thuốc.

Ngoài việc sử dụng thuốc nhỏ mắt tắc tuyến lệ, bạn cũng cần tiến hành vệ sinh mắt sạch sẽ cho trẻ. Các bậc phụ huynh có thể rửa mắt cho bé bằng nước muối sinh lý hàng ngày hoặc dùng bông gòn sạch thấm nước muối và lau nhẹ nhàng mắt trẻ. Nếu trẻ có nhiều ghèn vàng dính ở trên mắt, bạn cần lưu ý vệ sinh sạch cho trẻ thường xuyên nhằm tránh nguy cơ phát triển các loại vi khuẩn gây ra tình trạng bội nhiễm.

5. Những biện pháp khác giúp điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ

Ngoài việc sử dụng thuốc nhỏ mắt chữa tắc tuyến lệ, bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện một số biện pháp điều trị khác sau:

  • Mát xa ống dẫn lưu nước mắt: Bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ cách mát xa giúp mở ống dẫn lưu nước mắt cho trẻ. Bạn có thể tiến hành mát xa nhẹ nhàng giữa các ống dẫn lưu, đồng thời mát xa dọc lên phía trên mũi nhằm giúp chúng trở nên thông thoáng hơn. Cách làm này cũng có thể áp dụng cho cả tình trạng tắc tuyến lệ ở người lớn.
  • Theo dõi tình trạng tắc tuyến lệ của trẻ: Nếu trẻ bị tắc tuyến lệ đạo do chấn thương vùng mặt, bác sĩ sẽ đề nghị cha mẹ chờ thêm một thời gian và theo dõi xem liệu tình trạng của trẻ có chuyển biến tích cực hơn sau khi vết thương đã lành hay chưa.
  • Kỹ thuật nong, thăm dò và rửa tuyến lệ: Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi mắc phải tình trạng tắc tuyến lệ một phần, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện kỹ thuật nong giãn nở, thăm dò và rửa.
  • Sử dụng ống thông có bóng nhằm làm giãn chỗ tắc nghẽn: Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả hoặc tình trạng tắc nghẽn tuyến lệ ở trẻ bị tái phát, bác sĩ có thể khuyến nghị áp dụng thủ thuật này. Phương pháp thông tuyến lệ đạo được đánh giá là an toàn và hiệu quả cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và cả người trưởng thành bị một phần tắc tuyến lệ.
  • Luồn ống thông hoặc đặt stent: Đây là phương pháp chữa tắc tuyến lệ ở trẻ sau khi được gây mê toàn thân.
  • Phẫu thuật giúp mở thông túi lệ xuống mũi: Được áp dụng nhằm mở ra lối thoát cho nước mắt xuống dưới mũi.

6. Chế độ sinh hoạt giúp trẻ phòng ngừa và kiểm soát bệnh tắc tuyến lệ

Để ngăn ngừa và quản lý tốt tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

  • Tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân đang bị viêm kết mạc.
  • Khi mát xa ống dẫn lưu cho trẻ, bạn cần vệ sinh tay sạch sẽ nhằm tránh lây nhiễm vi khuẩn vào mắt trẻ.
  • Tránh để trẻ dụi mắt hoặc chà mắt thường xuyên.
  • Không hút thuốc lá gần trẻ, bởi khói thuốc lá cũng được xem là nguyên nhân gây kích ứng đường mũi và khiến tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ thêm trầm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan