Điều trị điện giật ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Điện giật ở trẻ em là một tai nạn sinh hoạt thường gặp, nó gây tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể trẻ như thận, thần kinh, cơ xương,...Thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Tai nạn điện giật có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, trong đó có trẻ em.

1. Một số điều cha mẹ cần biết về hiện tượng điện giật ở trẻ em

Điện giật là một tai nạn nguy hiểm, có thể gây nhiều loại tổn thương cho cơ thể (ngừng tim, ngừng thở và tổn thương các cơ quan gây nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các di chứng nặng nề), nhưng nói chung có thể phòng tránh được.

Có hai loại dòng điện: dòng điện xoay chiều (AC) được dùng trong sinh hoạt... và dòng điện một chiều (DC) thấy trong ắc quy, hệ thống điện xe ô tô, đường dây điện cao thế và tia sét...

Khi tiếp xúc, dòng điện một chiều (DC) sẽ đẩy hoặc quăng nạn nhân ra khỏi nguồn điện do đó nạn nhân có thời gian tiếp xúc dòng điện ngắn hơn nhưng khả năng gây chấn thương phối hợp cao hơn. Ngược lại, dòng điện xoay chiều (AC) có xu hướng dính chặt lấy nạn nhân (thường là bàn tay) và kéo nạn nhân lại gần nguồn điện hơn do đó kéo dài thời gian tiếp xúc gây tổn thương mô nặng hơn.

Tổn thương do điện xảy ra theo 3 cơ chế: (1) tác động trực tiếp của dòng điện lên mô cơ thể; (2) chuyển đổi năng lượng điện thành năng lượng nhiệt gây bỏng sâu và bỏng bề mặt; (3) tổn thương cơ học do sét đánh, do co cơ, hoặc các chấn thương sau ngã do điện giật.

2. Trẻ em bị điện giật có ảnh hưởng gì không?

Khi bị điện giật, trẻ sẽ bị ảnh rất lớn về mặt tinh thần cũng như tình trạng sức khỏe.

  • Trẻ sẽ bị rối loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột, rung thất,... thậm chí có thể dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ.
  • Tổn thương cả hai hệ thống thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.
  • Bỏng nhiệt bề mặt (superficial), bỏng nhiệt một phần (partial-thickness), và bỏng nhiệt toàn bộ (full-thickness) có thể xảy ra sau tổn thương do điện ở trẻ.
  • Gây bỏng màng xương, phá hủy bào chất của xương và hoại tử xương. Xương còn có thể bị gãy do ngã, tổn thương do nổ xương, hoặc do co cứng cơ.
  • Ngoài ra có thể có tổn thương cơ quan bên trong của trẻ như phổi, dạ dày, ruột non và đại tràng và gây biến chứng đường rò, thủng, nhiễm khuẩn thứ phát, nhiễm trùng (sepsis), và cuối cùng là gây tử vong.

3. Điều trị điện giật ở trẻ em

Điều trị điện giật ở trẻ em
Điều trị điện giật ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị điện giật ở trẻ em:

  • Điều trị cấp cứu
  • Điều trị biến chứng hỗ trợ

Đối với trường hợp cấp cấp cứu:

  • Nhanh chóng tách trẻ ra khỏi nguồn điện bằng cách cắt nguồn điện, lưu ý tránh chạm trực tiếp vào bệnh nhân trước khi chưa cắt được nguồn điện.
  • Nếu bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu:
    • Cần cố định đốt sống cổ cho bệnh nhân nếu nghi ngờ.
    • Cấp cứu ngừng thở ngừng tim cho bệnh nhân nếu có.
    • Hỗ trợ hô hấp bằng cách cho bệnh nhân thở oxy hoặc nội khí quản.
    • Điều trị rối loạn nhịp: ngoại tâm thu thất, nhanh thất, rung thất với thuốc chống loạn nhịp và phá rung với máy phá rung (phác đồ điều trị rối loạn nhịp tim).
    • Hồi sức sốc cho bệnh nhân: bù dịch và thuốc vận mạch theo hướng dẫn CVP.
    • Chống co giật bằng Diazepam tiêm tĩnh mạch.
    • Trường hợp bệnh nhân bị suy thận cần chạy thận nhân tạo.

Điều trị biến chứng

  • Điều trị rối loạn điện giải.
  • Tiểu myoglobin: truyền dịch gấp rưỡi nhu cầu cơ bản để tăng thải myoglobin và phòng ngừa suy thận cấp, theo dõi CVP và giữ nước tiểu 1- 2 ml/kg/giờ.
  • Điều trị bỏng tùy theo mức độ từ nhẹ đến nặng (phác đồ bỏng).
  • Điều trị các tổn thương phối hợp khác như chấn thương, xuất huyết tiêu hóa do stress.
  • Giảm đau bằng paracetamol 10 – 15mg/kg/lần uống hoặc TTM hoặc morphine 0,1 mg/kg/lần TMC.

Theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị

  • Cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân bằng cách kiểm tra SpO2 mỗi 30 phút – 1 giờ khi hồi sức hoặc mới nhập viện.
  • Dịch xuất nhập mỗi 8 giờ trong 24 giờ đầu.
  • Khi bệnh nhân ổn định, cần tiếp tục đo và theo dõi điện tim trong 24 giờ, kịp thời phát hiện và xử trí rối loạn nhịp, mặc dù rối loạn nhịp trễ thì hiếm gặp.

Điện giật là một tai nạn nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em, do đó khi trẻ bị điện giật các bậc cha mẹ cần phải biết cách xử lý ban đầu và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan