Điều trị rối loạn nuốt ở trẻ bại não

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Rối loạn nuốt là một rối loạn thường gặp ở trẻ bại não. Tổn thương não bộ do các bệnh lý trước, trong và sau khi sinh ở trẻ bại não không chỉ ảnh hưởng đến vận động ở các nhóm cơ ở tay, chân, thân mình, các tổn thương này còn làm ảnh hưởng đến vận động vùng hàm, mặt, miệng, lưỡi, hầu, thậm chí sự co thắt của thực quản khiến trẻ bại não gặp các vấn đề về kiểm soát đồ ăn, thức uống và khả năng nuốt.

1. Đại cương về rối loạn nuốt

Rối loạn nuốt không chỉ dẫn đến sự căng thẳng trong bữa ăn cho trẻ và người chăm sóc, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ bại não do các vấn đề về suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, viêm phổi tái diễn nhiều lần... Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân bại não.

Để kiểm soát vấn đề này, rối loạn nuốt cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Kiểm soát rối loạn nuốt

2.1. Thay đổi tư thế cho ăn

Tư thế ăn là một phần rất quan trọng trong kiểm soát, điều trị rối loạn nuốt. Cho ăn sai tư thế làm ảnh hưởng đến quá trình nuốt hoặc làm rối loạn nuốt nặng thêm.

Tư thế và vị trí phù hợp của đầu, cổ, thân mình, khung chậu và chân sẽ tạo thuận cho chức năng vận động miệng, giúp quá trình nuốt diễn ra an toàn, giảm nguy cơ hít sặc và làm giảm sự mệt mỏi, căng thẳng cho trẻ và người chăm sóc. Sự ổn định của chân và khung chậu ảnh hưởng đến sự ổn định tư thế thân mình, đai vai, đầu cổ, từ đó dẫn đến sự ổn định của hàm, mặt, lưỡi, miệng, ức chế các phản xạ bất thường, làm quá trình nuốt thuận lợi hơn

Tư thế ăn cho trẻ bại não
Hình ảnh: Tư thế ăn cho trẻ bại não. Nguồn:https://www.physio-pedia.com/Feeding_the_Child_with_Cerebral_Palsy_-_a_speech_therapists_perspective

Việc lựa chọn tư thế cho trẻ cần được các chuyên gia tư vấn sau khi đánh giá về các yếu tố như kiểu rối loạn nuốt, tuổi, tình trạng rối loạn vận động, các bệnh lý kèm theo, các rối loạn về cảm giác và giác quan, nhận thức.

Ngoài ra, để hỗ trợ tư thế cho trẻ bại não, có thể sử dụng các ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ bại não

2.2. Tăng cường cảm giác

Có thể tăng cường cảm giác vùng hầu họng, miệng bằng kích thích sử dụng thức ăn chua, kích thích xúc giác nhiệt, thay đổi kích thước, thể tích miếng thức ăn, thay đổi cấu trúc thức ăn

2.3. Thay đổi cách cho ăn

Thay đổi cách cho ăn có thể giúp trẻ ăn an toàn và hiệu quả.

  • Thay đổi tốc độ cho ăn: cho ăn chậm hơn để trẻ có đủ thời gian để xử lý thức ăn.
  • Thay đổi thể tích miếng thức ăn hay vị trí đặt thức ăn trong miệng phù hợp tạo thuận cho quá trình nuốt.
  • Cho phép trẻ tự ăn hoặc đưa tay trẻ lên miệng khi người chăm sóc đặt thức ăn vào miệng giúp trẻ nhận thức được trẻ cần phải nuốt khi có thức ăn trong miệng.
  • Chia nhỏ bữa ăn, cho ăn nhiều bữa trong ngày

2.4. Điều chỉnh cấu trúc thức ăn

Điều chỉnh cấu trúc thức ăn phụ thuộc vào khả năng nuốt của trẻ:

  • Với các trẻ sặc lỏng: có thể sử dụng các chất làm đặc nước để trẻ sử dụng nước được tốt hơn, cung cấp đủ lượng dịch cần thiết
  • Với các trẻ gặp khó khăn trong việc xử lý đồ ăn rắn: có thể chuyển sang chế độ ăn lỏng, thức ăn xay nhuyễn, mềm

2.5. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ ăn:

Các dụng cụ có thể sử dụng như thìa dẹt, giúp trẻ nhận thức ăn dễ hơn, cốc khuyết mũi, ống hút điều chỉnh lượng dịch, dụng cụ hỗ trợ cầm nắm như thìa có tay cầm to hơn...

Cốc khuyết mũi
Hình ảnh: Cốc khuyết mũi. Nguồn: https://www.physio-pedia.com/Feeding_the_Child_with_Cerebral_Palsy_-_a_speech_therapists_perspective
Thìa hỗ trợ cho trẻ bại não
Hình ảnh: Thìa hỗ trợ cho trẻ bại não. Nguồn:https://www.physio-pedia.com/Feeding_the_Child_with_Cerebral_Palsy_-_a_speech_therapists_perspective

3. Điều trị rối loạn nuốt

3.1. Phục hồi chức năng

Tại các đơn vị Phục hồi chức năng, các trẻ rối loạn nuốt sẽ được lên kế hoạch điều trị:

  • Tập các bài tập vận động vùng miệng, hàm, lưỡi, môi, má chủ động và thụ động
  • Kích thích phản xạ nuốt
  • Bài tập tăng cường cảm giác
  • Bài tập nuốt gắng sức
  • Điện xung kích thích và tập nuốt với Biofeedback

3.2. Đặt thông dạ dày

Với các trẻ rối loạn nuốt nặng, đặt thông dạ dày là phương pháp cần thiết

Có nhiều loại thông dạ dày có thể đặt:

  • Thông dạ dày mũi, miệng - ống thông dạ dày đặt qua mũi hoặc miệng xuống dạ dày.
  • Thông dạ dày qua da: là loại thông đặt vào dạ dày thông qua lỗ mở trực tiếp vào dạ dày qua thành bụng
Thông dạ dày qua da
Hình ảnh: Thông dạ dày qua da. Nguồn: https://www.sciencephoto.com/media/256442/view/gastrostomy-tube-in-a-baby

Đối với trẻ bại não hoặc ở các bệnh nhân rối loạn nuốt cần dinh dưỡng qua thông dạ dày thời gian dài, thông dạ dày qua da là phương pháp nên ưu tiên sử dụng vì các ưu điểm vượt trội của loại thông này như việc dễ chăm sóc hơn, hạn chế trào ngược dạ dày – thực quản, giảm viêm phổi tốt hơn, thuận lợi cho việc tập nuốt hơn, không vướng, không gây kích thích hầu họng, mũi như các loại thông dạ dày mũi, miệng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế rộng rãi, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

918 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan