Đối phó với sự hung hăng của trẻ 20 tháng tuổi!

Tất cả mọi người đều có tính khí hung hăng ở các mức độ khác nhau. Khi trưởng thành, chúng ta học cách kiểm soát những cảm xúc này. Tuy nhiên, trẻ em thường thể hiện sự hung hăng bằng các hành vi như: đánh, cắn và cào người khác. Những hành vi này khá phổ biến và thường xuất hiện sau khi trẻ được 1 tuổi. Các bậc phụ huynh thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi hung hăng của trẻ.

1. Biểu hiện của trẻ hung hăng

Nổi cơn thịnh nộ là một phần bình thường của sự phát triển ở trẻ em. Chúng xảy ra hầu hết trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi. Nhưng một số trẻ em thường xuyên nổi cơn thịnh nộ hơn những trẻ khác, trong khi và một số trẻ ít có biểu hiện này.

Nhiều trẻ em có nhiều cơn giận dữ hơn trong khoảng thời gian trước và trong quá trình phát triển ngôn ngữ . Trước khi trẻ diễn đạt hoàn toàn bằng lời nói, khi trẻ cảm thấy thất vọng, hoặc không hài lòng hài lòng với điều gì đó chúng có thể thể hiện bằng những cơn giận dữ để cố gắng đạt được những gì trẻ cần.

Trẻ hung hăng có thể biểu hiện bằng các hành động như:

  • Cắn người khác
  • Đánh người khác hoặc đánh nhau
  • Cào

Đánh, cào và cắn là những hành vi phổ biến của trẻ mới biết đi, nhưng điều đó không phải là bình thường khi trẻ bắt đầu khủng bố bạn cùng chơi hoặc người khác bằng các hành vi này.

Trẻ 21 tháng tuổi
Nổi cơn thịnh nộ là một phần bình thường của sự phát triển ở trẻ em.

1.1. Trẻ cắn người khác

Hành vi trẻ cắn có thể xảy ra trong quá trình phát triển bình thường, nhưng việc trẻ hay cắn người khác có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về cảm xúc hoặc hành vi.

Từ một đến ba tuổi, nhiều trẻ em bắt đầu thể hiện sự hung hăng bằng hành vi cắn người khác. Cắn có thể là một cách để trẻ kiểm tra sức mạnh của mình hoặc để thu hút sự chú ý.

Một số trẻ cắn người khác vì chúng không vui, lo lắng hoặc ghen tị. Đôi khi hành vi cắn có thể là do tiếp xúc với bạo lực thông qua phim ảnh, truyện tranh, hoặc trong môi trường sống xung quanh trẻ. Tuy nhiên các bạn nên nhớ rằng trẻ đang mọc răng cũng có thể cắn. Cắn là lý do phổ biến nhất khiến trẻ em bị kỷ luật ở nhà trẻ.

Khi phát hiện trẻ cắn một người khác, bạn cần phải:

  • Ngay lập tức nói "không" với hành vi của trẻ, bằng một giọng điệu bình tĩnh nhưng kiên quyết và không tán thành.
    • Đối với trẻ mới biết đi (1-2 tuổi), hãy giữ chặt trẻ hoặc đặt trẻ yên một chỗ.
    • Đối với một đứa trẻ 2-3 tuổi, bạn có thể nói:"cắn là không tốt vì nó làm tổn thương người khác".
  • Tuyệt đối không được cắn trẻ để cho trẻ biết cảm giác khi bị cắn sẽ như thế nào. Điều này dạy cho đứa trẻ hành vi hung hăng.
  • Nếu trẻ vẫn tiếp tục thể hiện sự hung hăng, trẻ vẫn tiếp tục cắn người khác, hãy thử kỹ luật trẻ. Ví dụ, không bế hoặc chơi với trẻ trong năm phút sau khi trẻ cắn người khác.

1.2. Trẻ đánh nhau hoặc đánh người khác

Mặc dù một số trẻ em thỉnh thoảng đánh nhau hoặc đánh người khác, nhưng hành vi gây gổ thường xuyên và / hoặc nghiêm trọng có thể cho thấy trẻ đang gặp vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc hoặc hành vi cần được đánh giá và xử lý phù hợp.

Trẻ mới biết đi và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường tranh giành đồ chơi với bạn. Một đứa trẻ có thể đẩy một đứa trẻ khác xuống và lấy đi một món đồ chơi. Nếu đứa trẻ khóc và bỏ đi, đứa trẻ hung hăng cảm thấy đã thành công kể từ khi lấy được đồ chơi. Điều quan trọng là phải xác định xem liệu mô hình này có xảy ra ở trẻ hung hăng hay không.

Khi thấy trẻ đánh nhau hoặc đánh người khác, bạn phải:

  • Bạn hành động sớm sẽ hiệu quả hơn nếu can thiệp trước khi trẻ bắt đầu đánh. Bạn có thể can thiệp ngay khi bạn thấy trẻ đang rất bực bội hoặc khó chịu.
  • Khi trẻ nhỏ đánh nhau nhiều, cần giám sát chúng chặt chẽ hơn.
  • Nếu một đứa trẻ đánh trẻ khác, ngay lập tức tách các trẻ ra. Tiếp theo, cố gắng an ủi và quan tâm đến đứa trẻ kia. Cuối cùng, hãy nói với đứa trẻ hung hăng:
    • Đối với trẻ mới biết đi (1-2 tuổi), bạn hãy nói: "Không đánh. Đánh đau."
    • Đối với một đứa trẻ 2-3 tuổi, bạn hãy nói: "Bố/mẹ biết là con đang tức giận, nhưng đừng đánh. Đánh rất đau." Điều này bắt đầu dạy sự đồng cảm cho trẻ.
  • Tuyệt đối không được đánh trẻ nếu trẻ đang đánh người khác. Điều này dạy đứa trẻ sử dụng hành vi hung hăng.
  • Cha mẹ không nên bỏ qua hoặc hạ thấp việc đánh nhau gây hấn giữa anh chị em.

Khi một đứa trẻ thường xuyên đánh nhau hoặc đánh người kahcs, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ có vấn đề khác. Trẻ có thể buồn hoặc khó chịu, gặp vấn đề trong việc kiềm chế cơn giận, hoặc do trẻ từng chứng kiến ​​bạo lực hoặc có thể trẻ từng là nạn nhân của tình trạng bạo lực tại nhà trẻ, trường học hoặc gia đình.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ hung hăng khi còn nhỏ có nhiều khả năng tiếp tục hành vi này khi chúng lớn hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em thường xuyên tiếp xúc với bạo lực và gây hấn từ tivi, video và phim ảnh sẽ hành động hung hăng hơn.

Yêu thương trẻ
Trẻ mới biết đi và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường tranh giành đồ chơi với bạn

2. Cách dạy trẻ hung hăng

Nhiều trẻ mới biết đi sẽ trải qua giai đoạn hung hăng, nhiệm vụ của người lớn là dạy trẻ rằng không được làm tổn thương người khác. Cách tốt nhất để kỷ luật trẻ mới biết đi là dạy trẻ cách cư xử có thể chấp nhận được.

  • Theo dõi sát sao trẻ khi trẻ chơi với những trẻ khác. Thời điểm trẻ bắt đầu đánh, cắn hoặc đẩy, hãy đưa trẻ ra khỏi tình huống đó một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết và nhắc trẻ rằng đánh là không tốt. Có thể bạn sẽ phải làm công việc này nhiều lần trước khi trẻ dừng các hành vi đó lại.
  • Nếu một đứa trẻ khác đẩy hoặc đánh trẻ và bạn cảm thấy rằng trẻ có thể đánh trả, hãy đánh lạc hướng cả hai đứa trẻ bằng cách chuyển hướng chúng đến một hoạt động mới. Giám sát chặt chẽ khi trẻ chơi và sẵn sàng ngăn cản nếu trẻ có khả năng đánh nhau. Khen ngợi trẻ khi bạn thấy trẻ làm điều gì đó hợp tác với bạn, chẳng hạn như chia sẻ đồ chơi hoặc chơi cùng nhau một cách bình tĩnh.
  • Bạn không bao giờ được đánh con trong bất kỳ hoàn cảnh nào để dạy cho con một bài học. Một số cha mẹ làm điều này để cho trẻ thấy "cảm giác như thế nào", vì nghĩ rằng nếu con họ cảm thấy bị tổn thương, trẻ sẽ không làm tổn thương người khác. Thật không may, phương pháp này thường đem đến tác dụng ngược lại: Nếu bạn đánh trẻ (hoặc để người khác đánh trẻ), điều đó sẽ gửi thông điệp rằng đánh con là được.

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng kỷ luật và trừng phạt là như nhau, nhưng thực tế không phải vậy.

  • Kỷ luật là một cách dạy dỗ và cũng là một cách để tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Khi bạn kỷ luật, bạn nên khen ngợi con cùng với sự hướng dẫn bằng giọng điệu kiên quyết, với mục đích cải thiện hành vi của con.
  • Hình phạt là một hành vi tiêu cực, trong đó trẻ phải gánh chịu hậu quả khó chịu khi trẻ làm hoặc không làm điều gì đó. Hình phạt chỉ nên là một phần nhỏ của kỷ luật.

Trẻ em dưới 3 tuổi thường không hiểu khái niệm về hình phạt. Đặt ra giới hạn là một cách tiếp cận tốt hơn nhiều so với hình phạt; hầu hết trẻ em sẽ phản ứng với việc thiết lập giới hạn rõ ràng, bình tĩnh và dứt khoát.

Một số mẹo kỷ luật thông minh và hiệu quả cho trẻ hung dữ theo độ tuổi:

  • Trẻ mới biết đi:
  • Trẻ đang bắt đầu nhận ra điều gì được phép và điều gì không nhưng có thể thử nghiệm để xem bạn phản ứng như thế nào. Bạn có thể chú ý và khen ngợi những hành vi trẻ được phép làm và phớt lờ những hành vi trẻ không được phép làm. Chuyển hướng đến một hoạt động khác khi cần thiết.
  • Cơn giận dữ có thể trở nên phổ biến hơn khi trẻ phải vật lộn để làm chủ các kỹ năng và tình huống mới. Dự đoán những yếu tố dễ khiến trẻ nổi cơn thịnh nộ, như mệt mỏi hoặc đói, và giúp chúng giải quyết bằng những giấc ngủ ngắn và bữa ăn đúng giờ.
  • Dạy trẻ không đánh, cắn hoặc sử dụng các hành vi hung hăng khác. Làm gương cho hành vi không bạo lực bằng cách không đánh đòn trẻ khi trẻ làm gì đó sai.
  • Đưa ra các giới hạn cho trẻ và luôn nhất quán trong việc thực thi các giới hạn. Đôi khi bạn cần phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi trẻ hiểu và làm những gì bạn muốn.
  • Xử lý xung đột giữa anh chị em nhưng tránh đứng về một phía nào đó. Ví dụ, nếu một cuộc tranh giành một món đồ chơi nảy sinh, bạn có thể cất món đồ chơi đó đi.
  • Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo:
  • Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo vẫn đang cố gắng hiểu cách thức và lý do tại sao mọi thứ hoạt động và tác dụng của hành động của chúng. Khi trẻ học được cách cư xử phù hợp, hãy khen ngợi trẻ và khuyến khích trẻ cư xử như vậy.
  • Bắt đầu giao việc nhà phù hợp với lứa tuổi của trẻ, chẳng hạn như cất đồ chơi của trẻ. Đưa ra hướng dẫn từng bước đơn giản. Khen thưởng trẻ bằng những lời khen ngợi.
  • Dạy trẻ cách đối xử với người khác như cách trẻ muốn được đối xử.
  • Giải thích rằng thỉnh thoảng trẻ cảm thấy tức giận là được, nhưng không được làm tổn thương ai đó hoặc làm hỏng mọi thứ. Hướng dẫn trẻ cách đối phó với cảm xúc tức giận theo những cách tích cực, chẳng hạn như nói chuyện, chia sẻ về điều khiến trẻ tức giận.
  • Để giải quyết xung đột hãy loại bỏ nguồn gốc của xung đột.
Bố nhảy cùng trẻ
Nhiệm vụ của người lớn là dạy trẻ rằng không được làm tổn thương người khác

3. Trẻ hung dữ khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu trẻ có vẻ hung hăng bất thường trong một vài tuần và bạn không thể tự mình đối phó với hành vi của trẻ, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa. Các dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm:

  • Hành vi của trẻ gây tổn thương cơ thể cho bản thân hoặc người khác như: vết răng, vết bầm tím, vết thương ở đầu.
  • Trẻ tấn công bạn hoặc người khác
  • Trẻ trường học cho nghỉ học hoặc bị hàng xóm cấm chơi.
  • Bạn lo lắng cho sự an toàn của những đứa trẻ khác.
  • Dấu hiệu cảnh báo quan trọng nhất của sự hung hăng đó là tần suất xuất hiện.

Nếu trẻ nhỏ gặp vấn đề dai dẳng với hành vi đánh nhau, cắn hoặc hung hăng, cha mẹ nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khác, những người chuyên đánh giá và điều trị các vấn đề về hành vi ở trẻ nhỏ.

Nuôi dưỡng cảm xúc cho trẻ là việc làm cần thiết, tuy nhiên, trẻ trong giai đoạn phát triển cũng rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthychildren.org, aacap.org/

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan