Hướng dẫn về lần đầu tiên cho bé ăn thức ăn đặc

Bước sang tháng thứ 6 sau sinh, lượng sữa mẹ bắt đầu loãng và giảm dần đi, không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Đây cũng chính là thời điểm mà các bà mẹ nên cho trẻ tập ăn dặm để bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ.

1. Thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm

Ăn dặm là phương pháp cho trẻ bắt đầu tập ăn những loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ, giúp bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ.

Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới thì thời điểm mà các bà mẹ nên bắt đầu cho trẻ tập ăn thức ăn đặc là khoảng 6 tháng tuổi trở lên. Khi đó, hệ thống tiêu hóa và chức năng lọc của thận ở trẻ đã phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện hơn so với giai đoạn trước, đủ khả năng để con có thể hấp thu các chất dinh dưỡng từ những loại thức ăn khác ngoài nguồn sữa mẹ.

Nhìn chung, lượng sữa mẹ sẽ bắt đầu loãng và ít dần đi khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Trong khi đó, trẻ cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn để phát triển toàn diện, vì vậy nguồn sữa mẹ lúc này không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Theo các nhà nghiên cứu cho biết, sữa mẹ sẽ chỉ đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu về dinh dưỡng mỗi ngày cho trẻ ở độ tuổi từ 6-12 tháng. Để có thể phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn nên cho trẻ tập ăn dặm vào thời điểm này.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tập ăn thức ăn đặc từ quá sớm, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tháng tuổi. Cho trẻ ăn dặm vào thời điểm này có thể gây ra một số vấn đề đối với sức khỏe của trẻ, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy. Điều này một phần là do hệ thống tiêu hóa của trẻ khi đó vẫn chưa được hoàn thiện và còn khá non nớt để có thể xử lý được các loại thức ăn đặc. Ngược lại, cha mẹ cũng lưu ý không nên cho trẻ ăn dặm quá trễ so với độ tuổi được khuyến cáo, chẳng hạn như trẻ 8-9 tháng tuổi. Việc cho trẻ ăn dặm muộn sẽ khiến cơ thể của bé bị thiếu hụt đi những chất dinh dưỡng thiết yếu, có nguy cơ cao dẫn đến thiếu cân, chậm tăng trưởng, hoặc chậm lớn.

ăn dặm ở trẻ sinh non
Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tập ăn thức ăn đặc từ quá sớm, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tháng tuổi

2. Chú ý đến các dấu hiệu muốn ăn dặm của trẻ

Bạn có thể dựa trên một số dấu hiệu sau để xác định được thời điểm thích hợp cho trẻ bắt đầu ăn dặm, bao gồm:

  • Bé có thể tự mình ngồi vững và biết tựa lưng vào ghế
  • Biết giữ đầu thẳng và quay đầu sang các bên một cách linh hoạt
  • Bắt đầu hứng thú với đồ ăn khác ngoài sữa mẹ khi thấy mọi người ăn
  • Tay chân linh hoạt, có thể cầm nắm đồ vật và cho vào miệng
  • Sau khi bú mẹ mà trẻ vẫn còn cảm thấy đói.

3. Chuẩn bị đồ ăn dặm cho trẻ

Các dụng cụ được sử dụng để tập cho trẻ ăn dặm sẽ phụ thuộc vào từng phương pháp cho ăn của mỗi bà mẹ. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, trước khi cho trẻ tập ăn dặm, các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng các loại dụng cụ sau để việc cho ăn trở nên dễ dàng hơn:

  • Ghế cao dành cho trẻ ăn dặm
  • Nồi chuyên nấu bột cho trẻ
  • Bát, đĩa, cốc, muỗng (nên chọn loại khó vỡ)
  • Dụng cụ chia thức ăn
  • Máy xay
  • Yếm cho trẻ, hoặc khăn ướt để lau miệng cho trẻ.
ghế ăn dặm
Bạn nên cho bé ngồi cố định trên ghế ăn dặm khi bắt đầu cho bé ăn

4. Cho bé ăn dặm đúng cách

Trong những ngày đầu tiên cho trẻ ăn dặm, bạn hãy để con làm quen dần với thức ăn trước. Các bà mẹ cũng cần trang bị kỹ những kiến thức cần thiết về ăn dặm cho trẻ để có thể thực hiện các bước một cách an toàn và hiệu quả.

Trước hết, bạn cần lưu ý rằng ăn dặm chỉ là bữa phụ và bé vẫn cần được bú sữa mẹ thường xuyên cho tới 12 tháng tuổi. Những ngày đầu bạn có thể cho trẻ ăn 2 bữa bột/ngày, và cho bú ít nhất từ 3-4 lần/ngày; sau đó tần suất cho trẻ ăn bột có thể tăng dần lên 3-4 lần/ngày khi trẻ gần 12 tháng tuổi.

Đối với những bữa ăn dặm đầu tiên, bạn hãy cho trẻ ăn thức ăn có vị ngọt gần giống với sữa mẹ trước để bé không cảm thấy quá lạ lẫm. Những bữa sau đó, bạn có thể chuyển từ từ sang những loại thức ăn có vị mặn hơn một chút, với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.

Bên cạnh đó, lượng thức ăn dặm cho trẻ cũng cần có mức độ hợp lý, tránh quá nhiều hoặc quá ít. Trước tiên, bạn hãy cho trẻ ăn với một số lượng vừa phải, sau đó tăng dần lên khi trẻ đã quen dần. Điều này giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ không đột ngột phải làm việc quá tải, giúp chúng dần dần thích nghi với các loại thức ăn được tiêu thụ.

Ngoài ra, khi cho bé ăn dặm, mẹ cần theo dõi chặt chẽ để tránh trường hợp trẻ bị nghẹn thức ăn, dẫn đến nghẹt thở. Hãy để cho con tự do cầm bát đựng thức ăn hoặc chạm vào thức ăn nếu muốn. Một nguyên tắc khác khi mới cho trẻ ăn dặm là tuyệt đối không ép con ăn nhiều, hãy kiên nhẫn và thử lại vào lần sau khi trẻ có hứng thú hơn.

ăn dặm tự chỉ huy
Khi cho bé ăn dặm, mẹ cần theo dõi chặt chẽ để tránh trường hợp trẻ bị nghẹn thức ăn, dẫn đến nghẹt thở

5. Chọn thực phẩm cho trẻ ăn dặm

Khi cho trẻ ăn dặm, mẹ cần đảm bảo cung cấp cho con đủ 4 nhóm chất sau đây:

5.1 Chất bột đường

Mẹ có thể chọn các loại gạo tẻ, hoặc nghiền khoai, cháo và bột yến mạch cho trẻ ăn dặm. Khi trẻ hơn 1 tuổi, mẹ có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm khác như thịt bò xay, khoai tây, hoặc phở để giúp bé thêm phần thích thú với món ăn hơn.

5.2 Chất đạm

Mẹ cũng nên bổ sung đầy đủ chất đạm cho con từ những loại thực phẩm như cá, thịt (nguồn động vật) hoặc các loại đồ (nguồn thực vật).

5.3 Vitamin, khoáng chất và chất xơ

Những chất này rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ, giúp cơ thể phòng chống được các vấn đề về đường ruột. Bạn có thể bổ sung cho trẻ những nhóm chất này thông qua các loại hoa quả tươi như đu đủ, cam, hoặc xoài.

5.4 Chất béo

Một số loại thực vật rất giàu chất béo như mè, đậu nành; hoặc các loại động vật như mỡ lợn hoặc gà. Các bà mẹ nên linh hoạt sử dụng xen kẽ những loại chất béo này trong việc chế biến thức ăn cho con để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan