Kẽm sinh học là gì? Có ưu điểm như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể. Mặc dù nguồn thực phẩm toàn phần luôn là cách tốt nhất để cung cấp chất dinh dưỡng này, trẻ nhỏ vẫn có thể được chỉ định bổ sung kẽm nếu đang bị thiếu hụt hoặc cần điều trị bệnh. Trong đó, dạng kẽm sinh học cho bé đem lại nhiều lợi ích hơn, dễ hấp thụ hơn. Vì vậy, bổ sung kẽm sinh học ngày nay được cho là dạng kẽm tốt nhất dùng cho trẻ.

1. Kẽm là gì?

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu và là một nguyên tố vi lượng chủ yếu được tìm thấy trong tế bào và ở mức độ thấp hơn là trong dịch tế bào khắp cơ thể. Ví dụ, các tế bào máu là bạch cầu và hồng cầu trong hệ tuần hoàn luôn chứa một lượng kẽm đáng kể. Cùng với đồng, kẽm là một thành phần quan trọng của enzym chống oxy hóa superoxide dismutase.

Kẽm có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể con người và hỗ trợ khoảng 200 enzym khác nhau, bao gồm các enzym cần thiết để chuyển hóa chất dinh dưỡng và các enzym quan trọng cho quá trình dịch mã và biểu hiện mã hóa di truyền.

Cơ thể một người trưởng thành có chứa 2-4 g kẽm, được phân bổ trong tất cả các tế bào cơ thể, đặc biệt là trong cơ, xương và da. Tuy nhiên, vi chất này không có kho dự trữ nhất định và do đó chúng cần phải luôn được cung cấp liên tục. Nồng độ kẽm cao nhất trong cơ thể được thấy ở tuyến tiền liệt của nam giới và trong các tế bào tinh trùng.

Nhu cầu về kẽm là lớn nhất ở trẻ em, thiếu niên vào tuổi dậy thì, ở phụ nữ có thai và đang cho con bú, người ăn chay, người cao tuổi, uống nhiều rượu, căng thẳng, dùng thuốc lợi tiểu và người ra nhiều mồ hôi.

Kẽm được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, có nguồn gốc động vật thường cao hơn thực vật. Các nguồn thức ăn giàu chất kẽm bao gồm:

  • Hàu
  • Thịt gia súc, gia cầm
  • Quả hạch như hạnh nhân, óc chó
  • Hạt bí
  • Các loại ngũ cốc
  • Gia vị
  • Rau bina

Tiêu thụ kẽm sẽ là không độc nếu duy trì trong phạm vi liều lượng khuyến cáo. Tuy nhiên, liều kẽm cao quá mức (10 đến 30 lần liều khuyến cáo) trong thời gian dài hơn có thể dẫn đến thiếu đồng. Bên cạnh đó, khi uống đồng thời sắt và kẽm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hấp thụ kẽm của cơ thể. Nồng độ canxi cao trong máu cũng có thể làm giảm sự hấp thu kẽm trong cơ thể.

2. Kẽm sinh học là gì?

Trên thị trường, kẽm được dùng như một loại vi chất, sử dụng cung cấp cho cơ thể hiện nay có 2 loại chế phẩm: kẽm tổng hợp và kẽm sinh học. Trong khi kẽm tổng hợp được sản xuất công nghiệp từ các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm nhà máy dược phẩm, kẽm sinh học lại có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên.

Cụ thể là để sản xuất ra kẽm sinh học, các nhà khoa học tách chiết từ các nguồn thực phẩm hữu cơ, tương tự như các cơ thể hấp thu kẽm từ thức ăn. Điều này giúp cho khả năng hấp thụ kẽm vào trong máu của kẽm sinh học tăng lên đến 3,7 lần so với kẽm tổng hợp.

Kẽm sinh học
Kẽm sinh học có nguồn gốc từ tự nhiên

3. Các ưu điểm của kẽm sinh học

  • Phát triển não bộ:

Là một vi khoáng thiết yếu trong quá trình hình thành và phát triển trung tâm bộ nhớ của não bộ, trẻ em cần được đảm bảo cung cấp đầy đủ kẽm sinh học từ trong giai đoạn bào thai. Bên cạnh đó, đối với người trưởng thành, kẽm giúp cải thiện sức khỏe các cơ quan, tăng cường khả năng, hồi phục sau chấn thương, bệnh lý.

  • Tăng cường hệ miễn dịch:

Các phản ứng miễn dịch duy trì khả năng hoạt động hiệu quả là nhờ vào chất kẽm. Do đó, kẽm cần thiết cho hàng rào phòng thủ bảo vệ cơ thể trước những tác nhân nhiễm trùng, giúp vết thương mau lành. Khi cơ thể thiếu kẽm, khả năng hoạt động của hầu hết các tế bào trong hệ thống miễn dịch, bao gồm cả tế bào lympho T, lympho B và đại thực bào, đều trở nên suy yếu. Trẻ nhỏ và người lớn thường xuyên bị nhiễm trùng hô hấp hay tiêu lỏng tái đi tái lại.

  • Xây dựng hệ thống xương khớp:

Do ưu điểm là khả năng hấp thu cao của kẽm sinh học vượt trội hơn kẽm tổng hợp, vi khoáng này tham gia vào quá trình tạo xương của tạo cốt bào, tu bổ liên tục cũng như ức chế hoạt tính của hủy cốt bào. Do vậy, bổ sung kẽm làm tăng hoạt động của hormone tăng trưởng, giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội ở trẻ nhỏ hay thiếu niên vào tuổi dậy thì.

  • Điều hòa chức năng hệ tiêu hóa:

Kẽm đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì bài tiết dịch trên ống tuyến tiêu hóa, qua đó làm tăng khả năng tiêu hóa thức ăn. Khi cơ thể thiếu kẽm, trẻ có thể mắc chứng biếng ăn. Mặt khác, hàm lượng kẽm trong máu quá thấp làm ảnh hưởng đến cảm nhận vị giác, làm trẻ ăn kém ngon miệng, từ đó chậm tăng trưởng, dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, kẽm cũng rất cần thiết cho việc đổi mới các mô ruột và sản sinh mật giúp cho đường ruột luôn khỏe mạnh.

  • Ổn định trạng thái thần kinh:

Tại vùng não dưới đồi, nơi chịu trách nhiệm cho trí nhớ và cảm xúc, các tế bào neuron thần kinh chứa hàm lượng kẽm khá cao. Nếu nồng độ kẽm giảm sút, hoạt động thần kinh dễ bị ức chế. Đây là lý do dẫn đến các hành vi bất thường như giận dữ, cáu gắt vô cớ hay các hành vi cực đoan. Theo thống kê, bệnh nhân mắc phải các chứng rối loạn như tự kỷ, hiếu động thái quá, trầm cảm, rối loạn ăn uống, các vấn đề lưỡng cực, tâm thần phân liệt và Alzheimer thường có sự thiếu kẽm trong máu.

  • Tăng cường hấp thu và chuyển hóa:

Quá trình cơ thể hấp thu và chuyển hóa các chất từ thức ăn vào trong máu đòi hỏi phải diễn ra hàng loạt các phản ứng với sự tham gia của hàng trăm enzyme. Cùng với những khoáng chất vi lượng như đồng, nhôm, mangan, magie, canxi, kẽm cũng đóng góp một phần quan trọng trong giai đoạn cơ thể tổng hợp các loại enzyme phù hợp, đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Theo đó, sự tham gia của kẽm sinh học đem lại hiệu quả hơn các dạng kẽm vô cơ tổng hợp; hơn nữa, kẽm sinh học còn giúp cơ thể đào thải bớt độc tính của các kim loại nặng khi bị phơi nhiễm, từ đó hạn chế gây độc tế bào.

kẽm sinh học
Bổ sung kẽm sinh học hợp lý giúp trẻ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ

4. Cách bổ sung kẽm sinh học cho bé

Ở trẻ nhỏ, kẽm gần như tham gia vào mọi hoạt động của cơ thể. Nếu thiếu kẽm, trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như thấp còi, suy dinh dưỡng, chậm phát triển; biếng ăn, chậm tăng cân; sức đề kháng kém, hay mắc bệnh, nhiễm các loại vi rút, vi khuẩn,... Vì vậy, bổ sung kẽm nói chung hay bổ sung kẽm sinh học cho bé nhằm tăng hiệu quả hấp thụ luôn được nhiều bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng và cha mẹ cùng quan tâm.

Theo đó, lượng kẽm cần cung cấp cho trẻ cần tuân theo liều lượng khuyến nghị. Cụ thể là ở trẻ nhỏ, trẻ đến 3 tuổi, nhu cầu kẽm là 3 miligam; 4 đến 8 tuổi: 5 milligram; 9 đến 13 tuổi: 8 milligram. Thiếu niên nam và nữ từ 14 tuổi trở lên có nhu cầu kẽm lần lượt là 11 miligam và 9 miligam.

Lượng kẽm bổ sung cần được ưu tiên là dạng nguyên bản của kẽm sinh học đến từ một chế độ dinh dưỡng đa dạng các thành phần. Chỉ khi trẻ mắc bệnh lý, không dung nạp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu hay trẻ quá kén ăn, cha mẹ có thể tham vấn ý kiến bác sĩ về các sản phẩm bổ sung kẽm sinh học chế biến sẵn. Đây là dạng kẽm tốt nhất khi đã được “chelat hóa” thành các axit amin và hữu cơ để tăng khả dụng sinh học, đảm bảo khả năng hấp thụ tối ưu. Một số dạng điều chế của kẽm sinh học cho bé là:

  • Kẽm gluconat, một trong những dạng thuốc bổ sung không kê đơn phổ biến nhất, được tạo ra bằng cách lên men glucose.
  • Kẽm nitrat, một dạng hòa tan trong nước được tạo ra bằng cách kết hợp kẽm với axit xitric.
  • Kẽm axetat, được sản xuất bằng cách kết hợp kẽm với axit axetic và là chất bổ sung kẽm tốt nhất để điều trị cảm lạnh thông thường.
  • Kẽm picolinate là một chất bổ sung phổ biến kết hợp với axit picolinic và được chứng minh là hấp thụ hiệu quả ở dạng uống để điều trị và ngăn ngừa thiếu kẽm.

Để đạt hiệu quả tối đa, cha mẹ nên bổ sung kẽm sinh học cho bé vào thời điểm ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Đồng thời, trong bữa ăn này, cha mẹ tránh cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất xơ cùng lúc vì có thể cản trở sự hấp thụ. Bên cạnh đó, việc dùng các sản phẩm nhằm mục đích bổ sung kẽm sinh học cho bé cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ hay liều lượng quy định trên nhãn hiệu. Việc lạm dụng các sản phẩm bổ sung kẽm sinh học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ, gây ra tình trạng thừa kẽm, dẫn đến tình trạng buồn nôn, nôn mửa, ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy hay ngộ độc kẽm, ức chế các phản ứng chuyển hóa khác trong cơ thể.

Tóm lại, kẽm là một nguyên tố vi lượng thiết yếu; tuy vậy, vì cơ thể không thể dự trữ kẽm dư thừa, khoáng chất này phải được tiêu thụ thường xuyên từ chế độ ăn uống hằng ngày. Khi trẻ biếng ăn hay khi mắc bệnh lý khiến nhu cầu kẽm tăng cao, kẽm sinh học cho bé có thể trở thành một lựa chọn thay thế hoàn hảo, giúp đảm bảo sự tăng trưởng và củng cố hệ thống miễn dịch vững chắc cho trẻ khi được tuân thủ đúng.

Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website (vinmec.com) và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan