Kẽm trong chế độ ăn của trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Kẽm là một khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt đỏ, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, đậu khô, hải sản và một lượng nhỏ trong sữa mẹ. Kẽm rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của các cơ quan sinh sản, não bộ, đồng thời đóng một vai trò trong hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch cùng nhiều quá trình khác trong cơ thể.

Gần đây, thiếu kẽm có liên quan đến việc giảm tăng trưởng, tăng cảm lạnh và nhiễm trùng, suy giảm trí nhớ, mất khả năng học tập và kém chú ý. Sự thiếu hụt là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển.

1. Tầm quan trọng của kẽm

Kẽm là một khoáng chất vi lượng kích thích hoạt động của hơn 70 loại enzym trong quá trình tiêu hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Trẻ nhỏ thiếu kẽm sẽ gặp các khuyết tật và bất thường về tăng trưởng, miễn dịch kém, chức năng của não bị ảnh hưởng; điều này làm cho kẽm trở thành chất dinh dưỡng quan trọng trong mọi chế độ ăn uống. Ngoài ra, kẽm cũng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ quan sinh sản ở trẻ em.

  • Kẽm có nồng độ cao trong não ở vùng hippocampus, vỏ não, bó sợi rêu... việc thiếu kẽm sẽ dẫn tới các rối loạn thần kinh ngoại biên, gây bệnh tâm thần phân liệt
  • Điều hòa chất chuyển vận thần kinh, hỗ trợ phát triển nhận thức, thiếu kẽm sẽ dẫn đến rối loạn tập tính
  • Giúp vận chuyển canxi vào não, thiếu kẽm khiến sự vận chuyển này bị trở ngại, dễ sinh cáu gắt
  • Ngăn chặn ADHD và tăng cường tập trung, cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng học tập
  • Điều hòa chức năng nội tiết tố như tuyến yên, sinh dục, giáp trạng, thượng thận kết hợp với thần kinh nội tiết điều hòa hoạt động sống bên trong, phản ứng linh hoạt với các tác động bên ngoài giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh, bởi vậy thiếu kẽm, con người kém thích nghi với các biến đổi. Giúp cơ thể tự điều trị cảm lạnh thông thường và tiêu chảy ở trẻ em
  • Kẽm phân bổ vào da tóc, móng giúp chúng phát triển bình thường, thiếu kẽm khiến tóc xơ cứng, màu tóc chuyển vàng, móng tay dễ gãy, mọc chậm, da khô, sạm, xuất hiện bớt trắng trên da
  • Thiếu kẽm làm sự nhạy cảm của vị giác mất hẳn hoặc bớt nhạy cảm, gây tình trạng chán ăn, ăn không ngon, và có thể gây ra một số bệnh lý như viêm niêm mạc miệng...
  • Giúp tổng hợp phân tiết hormone tăng trưởng làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống bệnh nhiễm khuẩn
  • Thúc đẩy chiều cao và cân nặng khỏe mạnh
  • Giúp cơ thể sản xuất protein và DNA
  • Chữa lành vết thương và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác
  • Ngăn ngừa tổn thương võng mạc và mất thị lực
  • Thuốc mỡ kẽm tại chỗ được thoa lên da trẻ em để điều trị hăm do tã lót và ngăn ngừa cháy nắng.
  • Kẽm hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh giúp giảm khả năng mắc các bệnh ung thư cho con bạn.
Kẽm
Kẽm có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người

2. Biểu hiện của trẻ thiếu kẽm

  • Trẻ thiếu kẽm có các biểu hiện như biếng ăn, chậm lớn, nôn không rõ nguyên nhân, đêm trằn trọc khó ngủ, hay thức giấc ngủ ít...
  • Trẻ chậm phát triển thể chất, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính...
  • Trẻ gặp phải tình trạng tổn thương da, niêm mạc, chậm lành vết thương, rụng tóc, rụng lông...
  • Trẻ dễ bị dị ứng, hay gặp các vấn đề về da như da khô, eczema, vẩy nến, mụn trứng cá, viêm da móng...
  • Trẻ có các đốm trắng ở lòng móng tay, móng có đường sọc, giòn dễ gãy, móng lâu mọc.
  • Trẻ dậy thì muộn.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi con bạn có các dấu hiệu trên.

3. Con bạn cần bao nhiêu kẽm?

Kẽm cần thiết cho sự hoạt động và tăng trưởng của cơ thể nhưng chỉ nên dung nạp vào cơ thể theo liều lượng khuyến nghị như sau:

  • 0–6 tháng - 2mg
  • 7 tháng đến 3 tuổi - 3mg
  • 4–8 tuổi - 5mg
  • 9–13 tuổi - 8mg
  • 14–18 tuổi - 11mg
  • Trẻ em gái trong độ tuổi từ 14 -18 chỉ cần 9mg mỗi ngày

Thanh thiếu niên được khuyến cáo không nên tiêu thụ nhiều hơn 34 miligam kẽm mỗi ngày. Quá nhiều lượng kẽm trong cơ thể khiến trẻ có thể gặp nhiều tác dụng phụ có hại khác nhau.

4. Nguồn kẽm tốt

Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm có trong một số loại thực phẩm từ thiên nhiên

Cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất được kẽm nên cần phải bổ sung kẽm từ các nguồn thực phẩm tự nhiên trong chế độ ăn hàng ngày. Sau đây là những loại thực phẩm giàu kẽm cho trẻ em:

  • Các loại hạt: Hầu hết các loại hạt đều là một nguồn thực phẩm giàu kẽm, bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn của trẻ vì chúng chứa chất xơ, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất cần thiết. Trong đó các loại hạt như hạt vừng, cây gai dầu, mù tạt, bí đỏ và hạt chia chứa một lượng kẽm dồi dào.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, yến mạch, gạo) vẫn được ưa chuộng vì nó cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng khác như chất xơ, vitamin B, magie, sắt, phốt pho, mangan và selen. Nhưng không thể không nói đến việc ngũ cốc cũng chứa một chất khoáng dinh dưỡng là phytate, làm giảm sự hấp thụ kẽm của cơ thể.
  • Thịt: tất cả các loại thịt đều chứa lượng kẽm dồi dào. Ăn thịt gia cầm không có da hay thịt nạc để có đủ lượng kẽm cần thiết.
  • Sữa ít béo và sữa chua: Chúng ta luôn nghĩ rằng các sản phẩm từ sữa có rất nhiều canxi. Mà quên đi việc hầu hết các sản phẩm từ sữa như sữa ít béo và sữa chua cũng chứa một lượng kẽm không nhỏ. Cho con bạn uống sữa ít béo và sữa chua để bổ sung những nguyên tố vi lượng cần thiết. Mỗi cốc sữa chua chứa 2,2 mg kẽm.
  • Các loại đậu: Tất cả các loại đậu đều chứa một lượng kẽm dồi dào. Tuy nhiên, sự hấp thụ kẽm có trong các loại đậu ít hơn, vì sự hiện diện của chất kháng dinh dưỡng - phytates. Bạn có thể dùng các loại đậu trong bữa ăn của gia đình giúp cung cấp chất xơ và protein quan trọng. Nếu trẻ có biểu hiện thiếu kẽm hãy cho trẻ ăn đậu gà luộc vào bữa phụ.
  • Hải sản: Hàu là lựa chọn tốt nhất để đáp ứng nhu cầu về kẽm, một con hàu trung bình chứa khoảng 5,3 mg kẽm. Tuy nhiên không nhiều trẻ em có thể ăn được hàu nhưng đừng lo lắng vì thành phần kẽm trong tôm hùm và cua cũng không kém.

Lượng kẽm trong thực phẩm khác nhau nên tùy thuộc nhu cầu và khẩu vị của trẻ, mà bạn lựa chọn thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.

5. Con bạn có thể nhận được quá nhiều kẽm không?

Đôi khi bạn lo lắng không biết liệu con mình có nhận đủ lượng kẽm cần thiết qua thực phẩm và quyết định cho con dùng thêm các chế phẩm bổ sung kẽm những lời khuyên dành cho bạn là đừng làm việc đó khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Các chế phẩm bổ sung kẽm có các tác dụng phụ tiềm ẩn mà bạn không thể lường trước được nguy cơ nếu dùng sai liều lượng.

Luôn cung cấp liều lượng theo quy định và không cho trẻ dùng kẽm quá liều vì quá liều cũng có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác nhau như:

  • Có thể gặp các tác dụng phụ như nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.
  • Liều lượng kẽm cao ở trẻ em có liên quan đến việc tăng mức cholesterol trong máu và tái phát nhiễm trùng.
  • Có thể tương tác với các loại thuốc khác như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc huyết ápthuốc kháng sinh.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi không được khuyến cáo sử dụng thuốc bổ sung kẽm không kê đơn trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Không sử dụng kẽm qua đường mũi nếu bạn chọn cho trẻ bổ sung kẽm vì nó có liên quan đến việc mất khứu giác.
  • Sử dụng lâu dài các chất bổ sung kẽm có thể dẫn đến độc tính.

Ngoài kẽm, trẻ cũng cần được bổ sung vi chất lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Theo khuyến nghị của Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng của viện Y học Hoa Kỳ: Mức tối đa trong một ngày mà cơ thể chấp nhận được với các chế phẩm bổ sung kẽm là 7mg cho lứa tuổi 1-3 và 12 mg cho trẻ từ 4 - 8 tuổi.

Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, parentcircle.com, parenting.firstcry.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

608 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan