Khi nào trẻ có thể ăn sữa chua

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Sữa chua là một món ăn nhẹ lành mạnh cho mọi lứa tuổi. Khi con bạn đủ lớn để bắt đầu ăn thức ăn đặc, có thể kết hợp sữa chua vào chế độ ăn của trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy trẻ có dấu hiệu không dung nạp lactose hoặc phản ứng dị ứng sau khi ăn sữa chua, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn chi tiết hơn.

1. Thời điểm nên cho trẻ ăn sữa chua

Thật thú vị khi trẻ chuyển chế độ ăn từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang thức ăn đặc và một trong những loại thực phẩm mới đó là sữa chua.

Nhiều bác sĩ đề nghị cho trẻ ăn sữa chua từ 9 đến 10 tháng tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng thời điểm bổ sung một số chất rắn nhất định vào chế độ ăn của trẻ không cố định vào thời điểm này mà có thể sớm hơn. Vì vậy, một số bác sĩ nhi khoa có thể khuyên bạn nên cho trẻ dùng các loại sữa chua được chọn sớm nhất là 6 tháng. Nếu trẻ ăn ngon miệng với thức ăn đặc, bạn có thể cho trẻ ăn sữa chua giống như với bất kỳ thức ăn mới nào khác (mỗi lần một thức ăn mới để bạn có thể xem phản ứng của trẻ).

Một khi bạn quyết định cho trẻ ăn sữa chua, sẽ có một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này chẳng hạn như: công thức nấu ăn tốt nhất để thử và liệu sữa chua Hy Lạp có phải là lựa chọn sáng suốt hay không. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra cũng là điều cần xem xét khi cho trẻ em ăn sữa chua.

2. Lợi ích của sữa chua đối với trẻ

Sữa chua có nhiều lợi ích cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên vì nó bổ dưỡng và có thành phần có lợi cho trẻ. Nó có ba lợi ích chính:

  • Thứ nhất, sữa chua là nguồn cung cấp protein nhanh chóng, dễ tìm và tiện lợi.
  • Thứ hai, sữa chua có chứa nhiều men vi sinh. Phần lớn trong số này sẽ không xâm nhập vào ruột nên theo cách đó, sữa chua sẽ tinh chỉnh hệ thống miễn dịch trong ruột và có thể giúp cơ thể nhỏ bắt đầu nhận ra vi khuẩn thân thiện với vi khuẩn có hại.
  • Lý do thứ ba là sữa chua có ít đường lactose hơn sữa nguyên chất. Trẻ sơ sinh vẫn giữ được enzyme để phân hủy lactose. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở trẻ lớn nên với trẻ lớn không dung nạp lactose sẽ hay gặp hơn so với trẻ sơ sinh.
bé ăn sữa chua
Có thể cho bé ăn thử sữa chua từ 6 tháng tuổi

Ngoài ra, sữa chua có chứa probiotics, là vi khuẩn có lợi (hoặc các chất dinh dưỡng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi). Các cha mẹ đôi khi nghĩ rằng việc cho trẻ dùng men vi sinh có thể mang lại những lợi ích sức khỏe cụ thể như cải thiện hệ thống miễn dịch nhưng một số nghiên cứu thực nghiệm đã không chứng minh những tuyên bố này. Có dữ liệu nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng men vi sinh cụ thể (chẳng hạn như reuteri) có thể làm giảm khóc ở trẻ bị đau bụng.

3. Sữa chua Hy Lạp

sữa chua Hy lạp
Sữa chua Hy Lạp có chứa nhiều protein và thường chứa ít đường hơn các loại sữa chua có hương vị truyền thống

Sữa chua Hy Lạp có chứa nhiều protein và thường chứa ít đường hơn các loại sữa chua có hương vị truyền thống. Nhiều cha mẹ cũng chuyển sang dùng sữa chua Hy Lạp đông lạnh hoặc để trong tủ lạnh như một giải pháp cho trẻ mọc răng vì nó dễ ăn. Hơn nữa, nó cũng chứa một số chất dinh dưỡng mà trẻ nhỏ cần khi bị đau trong quá trình mọc răng hoặc khi trẻ đau bụng nó cũng có tác dụng làm giảm sự thèm ăn của chúng đối với các thức ăn đặc khác.

Như một thực phẩm bổ sung tuyệt vời, sữa chua Hy Lạp mềm mịn hơn sữa chua thông thường mua ở cửa hàng. Điều này có nghĩa là những protein trong thành phần của sữa có khả năng gây ra phản ứng dị ứng (như ở váng sữa) rất ít và lượng đường lactose trong sữa chua Hy Lạp thấp hơn so với sữa chua thông thường. Điều đó giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn sữa nguyên chất.

Nếu bạn chọn ăn sữa chua Hy Lạp, hãy chọn loại nguyên chất. Còn đối với các loại kết hợp của sữa chua Hy Lạp với trái cây hoặc chất làm ngọt và hương liệu có thể chứa nhiều đường và có thể gây tăng cân không lành mạnh. Tốt nhất là không thêm mật ong cho đến khi trẻ lớn hơn 12 tháng, để tránh ngộ độc botulism.

Trong một số trường hợp cụ thể, các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia dinh dưỡng đã khá thận trọng với việc sử dụng sữa chua Hy Lạp nói riêng và sữa chua nói chung vì lo ngại về các phản ứng dị ứng sữa và không dung nạp lactose. Vì vậy, nếu bạn lo lắng, hãy nói với bác sĩ để được tư vấn chi tiết trước khi quyết định vấn đề khi nào trẻ ăn được sữa chua?

4. Dị ứng sữa chua

Phản ứng dị ứng với sữa chua xảy ra khi trẻ bị dị ứng sữa, nếu sữa chua được làm bằng sữa bò. Một số dấu hiệu khi trẻ dị ứng sữa là:

  • Phát ban quanh miệng;
  • Ngứa;
  • Nôn mửa;
  • Bệnh tiêu chảy;
  • Sưng tấy.

Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy ngừng cho trẻ ăn sữa chua và liên hệ với bác sĩ nhi khoa ngay.

Ngay cả với các triệu chứng dị ứng nhẹ hơn, như trường hợp của hầu hết các loại thực phẩm mới được đưa vào chế độ ăn của trẻ, tốt nhất là bạn nên cho trẻ ăn thử và đợi ba ngày sau lần cho ăn đầu tiên để tìm các dấu hiệu của phản ứng dị ứng.

Ngứa lợi, chảy nước dãi, sốt... là dấu hiệu trẻ mọc răng dễ nhận biết
Nếu bé ngứa, nôn mửa,.. sau khi ăn sữa chua thì hãy ngừng lại và liên hệ với bác sĩ

5. Một số lưu ý trước khi cho trẻ sử dụng sữa chua

Trước khi bạn đưa sữa vào chế độ ăn của trẻ, có một số điều cần cân nhắc:

  • Tiêu hóa: Sữa chua và pho mai trải qua quá trình nuôi cấy để phá vỡ các protein trong sữa. Điều này làm cho protein trong sữa chua và pho mai dễ tiêu hóa hơn trong khi vẫn là nguồn cung cấp canxi và vitamin D.
  • Dinh dưỡng: Sữa bò không cung cấp cùng mức dinh dưỡng được cung cấp bởi sữa mẹ và / hoặc sữa bột dành cho trẻ sơ sinh. Các bác sĩ thường không khuyên cha mẹ thay thế sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng sữa bò (hoặc sữa khác, chẳng hạn như sữa dê, sữa đậu nành, sữa gạo hoặc sữa hạnh nhân) cho đến sau năm đầu tiên của trẻ. Sư thay thế này của các bố mẹ có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
  • Bổ sung: Sữa chua nên được coi như một chất bổ sung dinh dưỡng mà trẻ đang nhận được từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trẻ nên tiếp tục bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi trẻ được làm quen với thức ăn đặc, bao gồm cả các sản phẩm từ sữa.

6. Lựa chọn sữa chua tốt nhất cho trẻ

Dù bạn chọn bắt đầu ăn sữa chua ở độ tuổi nào, hay cho bé ăn sữa chua khi nào thì bạn hãy thận trọng với lựa chọn của bạn. Cho trẻ ăn sữa chua nguyên kem vì em bé của bạn cần chất béo bổ dưỡng trong các sản phẩm sữa nguyên kem để phát triển trí não thích hợp.

Trong khi có rất nhiều loại sữa chua được bán trên thị trường cho trẻ em, nhưng không phải tất cả đều tốt cho sức khỏe như những loại khác. Hầu hết các loại sữa chua đều chứa đường tự nhiên, cho nên bạn cần lưu ý đến lượng đường được thêm vào và sữa chua có chứa các chất phụ gia khác hay không chẳng hạn như xi-rô fructose và tinh bột.

Một lựa chọn tốt là bắt đầu cho trẻ với sữa chua là sử dụng sản phẩm nguyên chất. Mua một hộp sữa chua nguyên chất lớn để tiết kiệm tiền hơn. Bạn cũng có thể tiết kiệm bằng cách bỏ qua sữa hữu cơ và các sản phẩm sữa chua hữu cơ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), "Không có bằng chứng về sự khác biệt có liên quan lâm sàng giữa sữa hữu cơ và sữa thông thường."

Để tăng thêm hương vị của sữa chua, bạn hãy bổ sung thêm trái cây hoặc rau xay nhuyễn mà bạn biết là bé có thể dung nạp được. Hoặc bạn có thể thử trộn sữa chua với:

  • Táo
  • Chuối
  • Hỗn hợp đậu xanh và lê
  • Bơ nghiền
  • Trái đào
  • Quả bí ngô
  • Khoai lang

Nếu bạn thích tự làm đồ ăn cho trẻ, bạn cũng có thể tự làm sinh tố cho trẻ. Sinh tố đông lạnh được đặt trong khay đựng thức ăn là một cách tuyệt vời để làm dịu nướu đau của trẻ đang mọc răng.

Sữa chua được phép sử dụng trong chế độ ăn kiêng carbohydrate
Hầu hết các loại sữa chua đều chứa đường tự nhiên, cho nên bạn cần lưu ý đến lượng đường được thêm vào sữa chua

Sữa chua ổn định là những loại sữa chua không cần phải để trong tủ lạnh, điều này rất tuyệt để bạn có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, vì những loại sữa chua này đã được tiệt trùng, nên một số loại vi sinh vật của chúng đã bị phá hủy. Điều này có nghĩa là những sản phẩm này sẽ khiến cho sữa chua ổn định trở thành một lựa chọn không lành mạnh như sản phẩm nguyên chất.

Trong trường hợp bé có những phản ứng dị ứng nặng như khó thở, phát ban, tím tái... thì bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như kẽm, lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, verywellfamily.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan