Khi nào cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc trị ho và cảm lạnh?

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Khi vào đông, thời tiết trở lạnh, số lượng trẻ em đến các phòng khám vì cảm lạnh tăng đột biến. Cảm lạnh ít khi gây các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ, nhưng các triệu chứng sốt ho,... luôn làm cha mẹ lo lắng. Vậy khi nào cần sử dụng thuốc, và dùng thuốc như thế nào để an toàn cho trẻ là điều mà bậc phụ huynh nào cũng quan tâm.

Một số loại thuốc ho và cảm lạnh cũng có các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như thở chậm, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì vậy điều quan trọng là phải biết khi nào con bạn cần dùng thuốc và khi nào trẻ có thể tự khỏi mà không dùng thuốc.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo như sau về việc sử dụng thuốc trị ho và cảm lạnh ở trẻ em:

  • FDA không khuyến nghị các loại thuốc không kê đơn cho các triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Thuốc ho theo toa có chứa codeine hoặc hydrocodone không được chỉ định sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Codeine và hydrocodone là các opioid có thể kết hợp với các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi. Trong các loại thuốc kê đơn để điều trị ho và các triệu chứng liên quan đến dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường cho người lớn.
  • Cha mẹ cũng nên đọc nhãn trên các sản phẩm trị ho và cảm không kê đơn, vì một số có thể chứa codein.

Sau đây là một số lưu ý cho phụ huynh khi cho trẻ sử dụng thuốc điều trị cảm.

1. Giảm các triệu chứng cảm và ho

Không có cách chữa khỏi cảm lạnh thông thường, một bệnh nhiễm virus không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thông thường, cảm lạnh sẽ hết sau một hoặc hai tuần và trẻ em thường sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Đối với trẻ lớn hơn, một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh nhưng sẽ không làm thay đổi diễn biến tự nhiên của cảm lạnh hoặc khiến bệnh biến mất nhanh hơn. Ho là một triệu chứng bình thường của cảm lạnh và giúp cơ thể đào thải chất nhầy ra khỏi đường thở và bảo vệ phổi. Các phương pháp điều trị ho không dùng thuốc bao gồm uống nhiều nước, đặc biệt là đồ uống ấm để làm dịu cổ họng.

Trẻ uống nước.
Điều trị ho cho trẻ không dùng thuốc cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng

2. Vậy cha mẹ nên đưa trẻ đi khám vào lúc nào?

Không phải bất kì khi nào trẻ sụt sịt hoặc ho đều cần đưa đi khám bác sĩ. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, điển hình là các triệu chứng như sau:

  • Trẻ sơ sinh từ 2 tháng tuổi trở xuống bị sốt
  • Sốt từ 38.5 độ C trở lên ở mọi lứa tuổi
  • Môi xanh tím
  • Thở nặng nhọc, bao gồm lỗ mũi mở rộng theo từng nhịp thở, thở khò khè, thở nhanh, xương sườn lộ ra sau mỗi lần thở hoặc thở gấp
  • Không ăn uống, có dấu hiệu mất nước (chẳng hạn như giảm đi tiểu)
  • Buồn ngủ hoặc cáu kỉnh quá mức
  • Đau tai dai dẳng
  • Nếu ho kéo dài hơn ba tuần
  • Nếu triệu chứng của trẻ ngày càng nặng

Những triệu chứng này cho thấy trẻ có thể đang mắc các bệnh lý khác nguy hiểm hơn cảm lạnh.

3. Sốt và các triệu chứng khác của cảm lạnh, phụ huynh nên làm gì?

Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và không phải lúc nào cũng cần điều trị. Nhưng nếu con bạn khó chịu vì sốt hoặc các triệu chứng khác của cảm lạnh, có những lựa chọn thay thế cho thuốc ho và thuốc cảm sẽ giúp con cảm thấy thoải mái hơn, bao gồm:

  • Máy tạo hơi nước hoặc máy tạo độ ẩm phun sương mát sạch ở khu vực nhỏ gần giường của trẻ có thể giúp làm ẩm không khí và giảm khô mũi và họng.
  • Đối với trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, hãy dùng nước muối hoặc thuốc nhỏ / xịt nước muối để làm ẩm đường mũi và làm lỏng chất nhầy. Sau đó, làm sạch mũi bằng bình hút cao su hoặc dụng cụ hút khác được thiết kế cho trẻ sơ sinh.
  • Acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp hạ sốt, giảm đau nhức. Chú ý sử dụng đúng liều lượng, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho em bé dưới 2 tuổi.
thuốc nhỏ mũi
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi hãy dùng nước muối hoặc thuốc nhỏ để làm ẩm đường mũi

4. Luôn dùng thuốc đúng liều

Làm thế nào để phụ huynh có thể cho trẻ uống đúng liều thuốc? Hãy làm theo hướng dẫn sử dụng được in trên nhãn. Các nhà sản xuất thuốc thường cung cấp dụng cụ đo liều, như ống hoặc li nhỏ có vạch đo, cha mẹ hãy sử dụng các dụng cụ này, thay vì dùng muỗng hay các dụng cụ từ các loại thuốc khác để đong liều thuốc.

Khi có thắc mắc trong việc sử dụng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Các chuyên gia có thể giải thích cho cha mẹ về việc nên sử dụng loại dụng cụ đong nào, với lượng thuốc ra sao và số lần uống thuốc dựa trên nhãn thuốc.

Trong nhiều trường hợp, cảm lạnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan bởi khi bị ho và cảm lạnh, trẻ có nhiều nguy cơ gây suy hô hấp hoặc các bệnh lý mãn tính khác.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: fda.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan