Khó nuốt ở trẻ em: Cách nhận diện và xử lý

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ không nuốt hết thức ăn (do trẻ không muốn ăn hoặc do bệnh lý) là tình trạng phổ biến ở nhiều trẻ khiến các bậc phụ huynh “đau đầu”. Nuốt khó ở trẻ em có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi về khẩu phần dinh dưỡng, sự tăng trưởng và phát triển. Vì vậy cha mẹ cần phải xác định chính xác nguyên nhân để tìm cách xử lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách nhận diện và xử lý khó nuốt ở trẻ em.

1. Chứng khó nuốt là gì?

Khó nuốt là tình trạng phải tốn nhiều thời gian và nỗ lực để đẩy thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng xuống đến dạ dày. Khó nuốt đôi khi cũng gây đau đớn. Trong một số trường hợp còn có thể không thể nuốt thức ăn. Quá trình nuốt và thở xảy ra chung trong hầu họng nên khi có các vấn đề của một trong các quá trình này, hoặc sự thiếu đồng bộ của nuốt và thở đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ đường hô hấp của trẻ khi nuốt và ăn chất lỏng và thức ăn an toàn.

Theo thống kê, tình trạng khó nuốt ở trẻ chỉ chiếm 1% trong tổng dân số nói chung. Nuốt khó có thể gây bất lợi tới phổi cũng như ảnh hưởng tới quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể trẻ

2. Cách nhận diện chứng khó nuốt

Hành vi ăn hoặc uống ở trẻ em có thể được chia thành bốn giai đoạn chính:

  • Giai đoạn ở miệng bao gồm: Bú hoặc nhai, vận động để vận chuyển, đẩy thức ăn xuống họng
  • Kích hoạt phản xạ nuốt
  • Giai đoạn hầu: Vận chuyển thức ăn thông qua họng
  • Giai đoạn thực quản: Vận chuyển thức ăn qua thực quản và xuống dạ dày

Trẻ không muốn ăn mặc dù có khả năng ăn có biểu hiện giống với biểu hiện khó nuốt do rối loạn kỹ năng.

Các triệu chứng điển hình khi trẻ bị chứng khó nuốt:

Biểu hiện ở giai đoạn miệng:

Mất phản xạ ở miệng như: Mút sữa yếu, thiếu sự phối hợp trong quá trình bú và mút, chưa trưởng thành động tác cắn hoặc nhai, rối loạn động tác cắn hoặc nhai, động tác tống thức ăn và chặn thức ăn kém.

Phản xạ nuốt:

Trẻ mất phản xạ nuốt, trì hoãn kích thích phản xạ nuốt, không có sự phối hợp động tác của bú/nuốt/hít thở.

Giai đoạn hầu:

Khi thức ăn xuống họng gây xâm nhập thanh quản, trẻ có biểu hiện hít sặc, nghẹn, tồn đọng thức ăn ở họng, trào ngược mũi họng.

trẻ bị khó nuốt
Khó nuốt ở trẻ em có thể do bệnh lý hoặc do bé không muốn ăn

3. Nguyên nhân gây khó nuốt ở trẻ em

Trẻ em bị khó nuốt có thể do:

  • Trẻ em bị bại não, tổn thương não do mắc phải/chấn thương, các rối loạn thần kinh cơ khác
  • Trẻ bị dị tật sọ mặt, dị tật đường dẫn khí
  • Mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh về tiêu hóa, chấn thương khi ăn
  • Bị hở môi hoặc hở vòm miệng
  • Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân cũng có nguy cơ bị chứng khó nuốt.

4. Biến chứng khi trẻ khó nuốt

Trẻ bị suy dinh dưỡng, mất nước: Khó nuốt gây khó khăn trong việc cung cấp thực phẩm và chất lỏng nuôi dưỡng cơ thể, đặc biệt trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng như giai đoạn cần bổ sung dinh dưỡng nhiều. Khi bị khó nuốt trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và mất nước.

Gặp vấn đề về hô hấp. Nếu thức ăn đi vào đường hô hấp, nếu trẻ cố gắng nuốt sẽ gây ra các vấn đề hô hấp hoặc nhiễm trùng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng hô hấp trên.

Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhi có các chẩn đoán bệnh lý ở đa cơ quan, bên cạnh khó nuốt, nguy cơ lớn nhất là xuất hiện viêm phổi.

biến chứng khi trẻ khó nuốt
Tình trạng trẻ khó nuốt làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và mất nước

5. Xử lý khó nuốt ở trẻ em

Để chẩn đoán trẻ có bị chứng khó nuốt không, bác sĩ sẽ kiểm tra bằng các kỹ thuật:

Chiếu X quang tăng sáng truyền hình (VFSS) và đánh giá tình trạng nuốt qua nội soi ống mềm (FEES) là những công cụ đánh giá phổ biến nhất được sử dụng trong khó nuốt ở trẻ. VFSS cho phép đánh giá tất cả các giai đoạn nuốt.

Xét nghiệm FEES: FEES cung cấp hình ảnh của thanh quản và vùng hạ hầu trước và sau (nhưng không phải trong) giai đoạn nuốt ở hầu, giúp phát hiện các khiếm khuyết về cấu trúc và sinh lý nuốt, cũng như đánh giá về nguy cơ hít sặc. FEES là một công cụ an toàn và hiệu quả để đánh giá nuốt khó ở trẻ em và cũng cho phép đánh giá cảm giác họng thanh quản ở trẻ.

Trong điều trị can thiệp cho trẻ em có vấn đề nuốt ở giai đoạn miệng thường bao gồm cho trẻ thực hiện các bài tập nhằm nâng cao kỹ năng cảm giác và/hoặc kỹ năng vận động cần thiết cho việc ăn uống.

6. Chăm sóc, điều trị chứng khó nuốt ở trẻ em

Sử dụng sản phẩm đặc để giúp trẻ dễ nuốt thức ăn

  • Sử dụng gelatin kết hợp với bánh quy, trái cây xay nhuyễn, bánh ngọt,...
  • Dùng bột mì hoặc bột bắp để làm chất lỏng trở nên đặc.
  • Sử dụng các sản phẩm dịch đặc bán sẵn để điều chỉnh độ đặc của chất lỏng
  • Ngũ cốc từ gạo dành cho trẻ nhỏ hoặc ăn liền, cho trẻ ăn sữa chua, váng sữa,...
    • Thay đổi kết cấu hoặc kích thước của các loại thức ăn đặc bằng cách luộc, nướng, trộn, nghiền hoặc xay nhuyễn thức ăn để giúp trẻ dễ ăn hơn
    • Sử dụng các dụng cụ nuôi ăn chuyên biệt như dùng bình sữa, núm vú, thìa, muỗng,...
    • Thay đổi tư thế và/hoặc ghế ngồi; thay đổi tốc độ đút thức ăn bằng cách cho trẻ ăn từ từ
    • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ cho trẻ

Nghe theo sự tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ. Cho trẻ đi tái khám định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nestlenutrition-institute.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan