Làm gì khi trẻ bị sốt co giật?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Đàm Thị Quỳnh - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Co giật do sốt xảy ra khoảng 3% trẻ em. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ, từ 3 tháng đến 5 tuổi. Bệnh liên quan đến sốt nhưng không có bằng chứng của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc một nguyên nhân khác đã xác định như rối loạn chuyển hoá hay động kinh trước đó không do sốt.

1. Co giật do sốt thường biểu hiện co giật toàn thể (co cứng - co giật hay co giật)

Co giật do sốt cao thường xảy ra sớm, cơn co giật hầu hết là cơn toàn thể, vận động hai bên, chỉ có 15% ca là cục bộ: 80 % cơn co giật, 14% ca là cơn trương lực, 6 % là cơn mất trương lực. Dựa theo mức độ trầm trọng của bệnh có 3 dạng lâm sàng cơ bản: co giật sốt đơn thuần, co giật sốt phức tạp, trạng thái động kinh do sốt.

  • Co giật sốt cao đơn thuần: thời gian co giật < 15 phút, không có dấu thần kinh cục bộ và không có cơn thứ hai. Bệnh thường khỏi 90% không để lại di chứng nào.
  • Co giật do sốt phức tạp: Co giật do sốt phức tạp là co giật do sốt kèm một trong những dấu hiệu sau: thời gian co giật kéo dài > 15 phút, co giật vận động cục bộ hoặc sau cơn có liệt Todd, trên một cơn trong 24 giờ, tình trạng thần kinh không bình thường, cha mẹ, anh em có co giật không sốt. Những bệnh nhân có từ hai dấu hiệu trên trở lên sau 7 tuổi khoảng 6% ca mắc bệnh động kinh. Bệnh viện “Mayo Clinic” nhận thấy khoảng 7% ca co giật do sốt phức tạp sẽ suy giảm thần kinh và tiến tới mắc bệnh động kinh, tỷ lệ này là 2,5% trẻ co giật không có các dấu hiệu trên.
  • Trạng thái động kinh do sốt: Đa số các bệnh nhân tự khỏi, nhưng co giật kéo dài từng đợt và trạng thái động kinh do sốt không phải là hiếm. Nhiều báo cáo đã cho thấy khi xảy ra trạng thái động kinh do sốt cao gây hoại tử não, hay tử vong. Một số trẻ nhỏ có co giật nửa người sau đó yếu hay liệt nửa người, loại co giật này sẽ phát triển thành liệt cứng và động kinh cục bộ vận động.
Co giật sơ sinh
Co giật do sốt thường biểu hiện co giật toàn thể

2. Vì sao trẻ dễ bị co giật khi sốt cao?

Sốt cao thường gây ra co giật ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi là do não bộ của trẻ lúc đó chưa phát triển một cách toàn diện và có sự nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ trong cơ thể. Do đó, sốt cao có thể kích thích não bộ của trẻ và khiến trẻ bị co giật. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng bị co giật khi sốt cao.

Nguyên nhân của sốt co giật rất nhiều, trong đó có tình trạng nhiễm trùng: nhiễm do siêu vi, nhiễm do vi khuẩn hoặc là tình trạng sau chích ngừa cũng có thể khiến trẻ bị sốt co giật. Ngoài ra tình trạng sốt co giật ở trẻ thường hay có yếu tố gia đình. Có thể tiến căn trong gia đình đã có những người bị co giật khi sốt như vậy lúc nhỏ như ba, mẹ, anh, chị...

Tuy nhiên cho đến nay, hầu như chưa ai biết được tại sao trẻ lại bị co giật khi sốt. Một số suy đoán cho rằng tác nhân gây ra vấn đề co giật ở trẻ là do chất hóa học nào đó trong cơ thể tiết ra hơn là do nhiệt độ sốt.

3. Sơ cứu khi trẻ bị co giật?

  • Đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát, tránh các vật cứng, vật sắc nhọn.
  • Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh trường hợp trẻ nôn, chất nôn sẽ đi vào đường hô hấp.
  • Để bé nằm thoáng, nới lỏng quần áo.
  • Không được ôm ghì bé và cho uống thuốc hạ sốt mà nên đặt thuốc hạ sốt đường hậu môn khi sốt trên 38 độ C.
  • Không cho bé cắn hay nhét gì vào miệng bé vì sợ bé cắn lưỡi. Nên cho khăn mềm vào miệng trẻ.
  • Lau người cho bé bằng nước ấm, nách đến các chi.
  • Đo thời gian bé bị co giật.
  • Nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị sớm phòng tránh cơn co giật tái phát.
Sốt ở trẻ do rất nhiều nguyên nhân
Cha mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh trường hợp trẻ nôn

4. Trường hợp nào cần đưa vào viện?

Đưa con bạn đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu nếu gặp những trường hợp sau:

  • Bé lên cơn co giật lần đầu tiên.
  • Cơn co giật kéo dài hơn 10 phút và không có dấu hiệu ngừng lại.
  • Bạn nghi ngờ cơn co giật bị gây ra bởi những bệnh nghiêm trọng, ví dụ như viêm màng não.
  • Bé gặp vấn đề hô hấp như khó thở.

5. Phòng ngừa sốt co giật ở trẻ

Khi trẻ có biểu hiện sốt, đưa trẻ đi khám để điều trị sớm, phát hiện nguyên nhân gây sốt và phòng tránh bị co giật.

  • Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn; uống nước điện giải (oresol), nước cam, chanh để bù nước và tăng sức đề kháng cho trẻ.
  • Cởi bớt quần áo, mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm hoặc bọc kín trẻ.
  • Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, sạch sẽ.
  • Theo dõi thân nhiệt bé thường xuyên bằng cách cặp nhiệt độ;
  • Lau người cho trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 38,5 độ C;
  • Cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng dễ ăn: cháo, sữa... hoặc các món bé thích ăn để hồi phục sức khỏe

Sốt cao co giật không phải là một hiện tượng hiếm gặp ở trẻ. Mức độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây co giật. Đối với sốt co giật lành tính sốt co giật ở trẻ thường tự giới hạn (thường cơn khoảng 2 – 5 phút), không để lại di chứng lâu dài.

Sau 5 tuổi, sốt co giật ở trẻ sẽ tự hết. Tuy nhiên, co giật đi kèm với sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm não... Vì vậy, khi trẻ co giật có sốt cần được đưa tới các cơ sở uy tín để thăm khám kỹ lưỡng.

Khám nhi Vinmec Times City
Khi trẻ xuất hiện bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kịp thời điều trị

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

201 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan