Làm thế nào để xác định viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phát hiện sớm bệnh thông qua các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên sẽ giúp các bậc phụ huynh có thể chăm sóc trẻ và đưa đi khám, điều trị kịp thời, giảm tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng.

1. Vai trò của đường hô hấp

Hệ hô hấp bắt đầu từ cửa mũi trước tới các phế nang bên trong phổi. Đường hô hấp trên bao gồm các cơ quan như mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản.

Các cơ quan này làm nhiệm vụ lấy không khí bên ngoài, làm ẩm, sưởi ấm và lọc trước khi đưa vào phổi. Vì phải tiếp xúc trực tiếp với không khí nên các cơ quan ở đường hô hấp trên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bất lợi của môi trường và gây viêm.

2. Viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là gì?

Viêm đường hô hấp trên là tập hợp nhiều bệnh lý khác nhau ở trẻ nhỏ như cảm lạnh, viêm amidan, viêm mũi họng, viêm VA, viêm thanh quản, viêm tai giữa,...

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp trên. Trung bình, mỗi trẻ có thể mắc bệnh 5 - 8 lần/năm và thời điểm dễ mắc bệnh nhất là trong mùa lạnh hoặc khi giao mùa.

Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc bệnh nếu môi trường sống bị ô nhiễm; tiếp xúc với người bệnh mang vi khuẩn, virus; có thói quen sinh hoạt không tốt (mở điều hòa quá lạnh, để quạt thổi thẳng vào mặt hoặc người,...).

Viêm đường hô hấp trên là các bệnh thường không nghiêm trọng và phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp viêm đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới hoặc chuyển thành dạng mãn tính. Lúc này, cần đưa trẻ tới các trung tâm y tế để được chẩn đoán, điều trị.

Viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa ở trẻ là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên

3. Cách xác định viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dựa vào các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên, phụ huynh có thể xác định trẻ có mắc bệnh hay không. Những biểu hiện đặc trưng của người bệnh là:

  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi;
  • Đau họng, khàn tiếng;
  • Ho, ho khan, có đờm hoặc không có đờm;
  • Hắt hơi, khò khè;
  • Mắt đỏ, ngứa, đau mắt và chảy nước mắt;
  • Ớn lạnh, sốt nhẹ (38,5°C trở lên) trong khoảng 1 - 3 ngày;
  • Mệt mỏi, cáu kỉnh, quấy khóc, bỏ bú;
  • Đau đầu, đau mỏi cơ, khớp;

Những biểu hiện trên không xuất hiện đồng thời cùng lúc, nó có thể xuất hiện riêng lẻ. Với những trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên nhẹ, triệu chứng bệnh chỉ gồm sổ mũi, nghẹt mũi,... Nhưng khi trẻ bị sốt thì bệnh đã nặng hơn, hệ miễn dịch đang tích cực tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.

Trẻ bị viêm đường hô hấp trên nếu không kịp thời điều trị sẽ dễ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,... Tình trạng bội nhiễm kéo theo các bệnh lý khác, nghiêm trọng có thể gây tử vong do biến chứng của viêm tim, viêm cầu thận, viêm màng não, thấp khớp cấp,...

Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để phát hiện sớm, đưa trẻ đi bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng như sau:

  • Trẻ không uống được nước, bú ít hoặc bỏ bú;
  • Bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Trẻ bị khó thở, thở nhanh (trên 50 lần/phút), rút lõm lồng ngực;
  • Sốt cao liên tục 3 - 5 ngày.

4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên

Nhỏ nước muối sinh lý
Vệ sinh mũi cho trẻ giúp thông thoáng đường thở

Thông thường, thời gian từ lúc phát bệnh tới lúc khỏi bệnh của trẻ khoảng 2 tuần. Phụ huynh chỉ cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách và lưu ý những vấn đề sau:

  • Khi trẻ bị sốt 37,5 - 38,5°C, cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước, bú thêm, lau mát, mặc ít quần áo. Có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt dành riêng cho trẻ em (đã được chỉ định bởi bác sĩ) nếu trẻ sốt cao từ 38,5°C trở lên;
  • Khi trẻ bị chảy nước mũi, gây nghẹt mũi, tắc mũi, cha mẹ có thể vệ sinh mũi cho bé bằng các cách như: Dùng khăn mềm và khô lau mũi; nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% rồi hút dịch nhầy trong mũi nhưng cần tránh lạm dụng;
  • Nếu trẻ bị buồn nôn và nôn, ăn không ngon do đờm, dãi tích tụ nhiều trong họng, phụ huynh nên cho trẻ bú thêm, ăn các món lỏng và dễ nuốt như cháo, súp. Đồng thời, nên cho trẻ ăn từng ít một để tránh nôn hoặc nghẹn;

  • Trong thời gian trẻ bị bệnh, nên tránh để không khí trong phòng của bé quá khô. Cha mẹ nên mở điều hòa (điều chỉnh nhiệt độ phòng khoảng 25 - 26°C), mở hé cửa sổ hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm cho phòng ở. Đồng thời, không để quạt thổi trực tiếp vào miệng, mũi hoặc cổ của trẻ;
  • Cho bé bú đủ cữ trong ngày, ăn uống đủ chất để đảm bảo dinh dưỡng. Người mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh, bảo quản sữa mẹ đúng cách, tránh bị nhiễm khuẩn;
  • Trẻ cần được giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với không khí lạnh, gió, bụi bẩn, khói,...;
  • Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần theo dõi những triệu chứng khi bệnh trở nặng như thở khò khè, thở rít, ho dữ dội, co rút lồng ngực,... để kịp thời xử lý. Các triệu chứng trên xảy ra khi bệnh đã ảnh hưởng tới đường hô hấp dưới, gây viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Một số loại thuốc có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết để giảm đau, hạ sốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp trên gồm:

  • Acetaminophen (paracetamol): có trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến như Hapacol, Efferalgan,... Phụ huynh cần mua đúng loại thuốc, đúng liều dùng theo cân nặng cho bé;
  • Ibuprofen: Là một loại thuốc kháng viêm phổ biến, giúp giảm sưng, đau và hạ sốt;
  • Thuốc ho và kháng sinh: Chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ cũng cần có sự chỉ định và tham khảo tư vấn từ bác sĩ mới cho trẻ uống. Tuyệt đối, không sử dụng tùy ý.

Tại sao nên uống oresol khi bị tiêu chảy?
Khi pha thuốc cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng

4. Cách phòng ngừa viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, hạn chế cho trẻ ra ngoài chơi vào buổi tối hoặc sáng sớm. Nếu cho trẻ ra ngoài chơi khi trời lạnh, cần trang bị đầy đủ tất chân, găng tay, mũ, áo khoác, khăn choàng,... giữ ấm;
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời và nếu được nên duy trì bú mẹ tới khi đủ 2 tuổi;
  • Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm với chế độ dinh dưỡng hợp lý, thêm rau và hoa quả vào thực đơn để tăng cường sức đề kháng;
  • Giữ vệ sinh cho trẻ, vệ sinh mũi họng hằng ngày và đảm bảo môi trường sinh hoạt trong lành, sạch sẽ;
  • Không cho trẻ ăn, uống đồ lạnh;
  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là vắc-xin cúm và vắc-xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được đánh giá mức độ bệnh, có lựa chọn chăm sóc, theo dõi và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý viêm đường hô hấp trên ở trẻ, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

265 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan