Những thông tin cần biết về tiêm vắc xin bại liệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt, tàn tật suốt đời. Hiện nay, bại liệt đã có vắc-xin phòng bệnh.

1. Vài nét về bệnh bại liệt

Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus Polio gây ra và rất dễ lây truyền qua đường tiêu hóa.

Virus bại liệt gồm 3 tuýp: 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể virus sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời.

Đa số trường hợp trẻ em bị nhiễm virus bại liệt không có biểu hiện nhưng một số khác lại bị liệt cơ hô hấp, suy hô hấp và có thể tử vong. Khi bệnh qua khỏi có thể để lại di chứng liệt suốt đời.

Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa, chủ yếu lây nhiễm qua nguồn nước, thực phẩm.

2. Tình hình sốt bại liệt tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trước khi có vắc-xin bại liệt, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhờ triển khai vắc-xin bại liệt, Việt Nam đã kiểm soát được bệnh bại liệt từ năm 2000. Hơn 10 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả này.

Bên cạnh việc cho trẻ uống 3 liều vắc-xin bại liệt tOPV trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 2, 3 và 4 tháng, các chiến dịch uống vắc-xin bại liệt bổ sung đã được triển khai tại các vùng có nguy cơ cao. Vì vậy, Việt Nam vẫn duy trì thành quả này trong khi vi rút bại liệt tiếp tục lưu hành trên thế giới.

Tuy vậy, cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế, nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vẫn còn hiện hữu tại nước ta.

Bại liệt
Tại Việt Nam, trước khi có vắc-xin bại liệt, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi

3. Vắc-xin bại liệt đơn độc

Có 2 loại vắc-xin bại liệt:

  • Vắc-xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV): Chứa virus bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ không cho virus xâm nhập vào cơ thể.
  • Vắc-xin bất hoạt dạng tiêm (IPV): Chứa vi rút bại liệt chết có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Vắc xin này có thể ở dạng phối hợp với một số vắc xin khác.

Trong đó, vắc-xin OPV dạng uống chứa 3 tuýp kháng nguyên bại liệt (tOPV) 1,2,3 đã được triển khai cho trẻ 2,3 và 4 tháng tuổi trên thế giới hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam sẽ dùng vắc-xin sốt bại liệt uống (OPV) mới gồm 2 chủng bại liệt 1 và 3 (polio 1, 3), còn chủng bại liệt 2 thì sẽ dùng vắc-xin tiêm. Vì vậy, kể từ tháng 6 năm 2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ chuyển sang sử dụng vắc xin OPV 2 tuýp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 tuýp (tOPV) trước đây. Vắc xin được khẳng định là an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh bại liệt.

4. Vắc-xin bại liệt phối hợp

Để tích cực phòng bệnh, ngăn chặn bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai vắc-xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc-xin đơn thì các vắc-xin phối hợp cũng được nhà sản xuất chú ý tích hợp thành phần ngừa bại liệt.

Hiện nay, tại các điểm tiêm phòng dịch vụ, các loại vắc xin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt bao gồm:

  • Vắc-xin 6 in 1 Infanrix Hexa (Bỉ) và Vắc xin 6 in 1 Hexaxim (Pháp) ngừa được 6 bệnh gồm: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B (Hib) gây ra.
  • Vắc-xin 5 in 1 Pentaxim (Pháp) ngừa được 5 bệnh bao gồm: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B (Hib).
  • Vắc-xin 4 in 1 Tetraxim (Pháp) ngừa được 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Vắc-xin Pentaxim
Vắc-xin 5 in 1 Pentaxim (Pháp) ngừa được 5 bệnh bao gồm: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn

5. Nên tiêm hay uống vắc xin bại liệt?

Chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai 2 loại vắc xin bại liệt, bao gồm vắc xin bại liệt uống OPV và vắc xin dạng tiêm IPV. Bên cạnh đó, vắc xin bại liệt phối hợp chỉ có ở các điểm tiêm phòng dịch vụ.

Việc chủng ngừa bại liệt bằng vắc xin đường uống hay đường tiêm đều mang đến hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy nhiên nếu trẻ tiêm vắc xin có thành phần bại liệt trong các mũi vắc xin phối hợp sẽ vừa phòng được bại liệt, vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Việc chọn tiêm phòng vắc xin bại liệt tiêm hay uống, vắc xin tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ là tùy thuộc vào sự lựa chọn và điều kiện của từng gia đình.

6. Lịch tiêm phòng bại liệt cho trẻ

Lịch uống và tiêm vắc xin bại liệt của chương trình tiêm chủng mở rộng là:

  • Uống 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) vào thời điểm trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi, khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt (IPV).

Đối với tiêm phòng dịch vụ, các mũi tiêm có thành phần bại liệt bao gồm:

  • Vắc xin 6 in 1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6 in 1 Hexaxim (Pháp), vắc xin 5 in 1 Pentaxim (Pháp), Vắc xin phòng 4 bệnh Tetraxim (Pháp): tiêm 3 mũi chính từ 2, 3, 4 tháng tuổi. Mũi 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.
  • Hiện nay đang có chiến dịch uống vaccin bại liệt vét, theo đó, trẻ dưới 5 tuổi trong vòng 4 tuần qua không nhận bất kỳ liều vaccin uống hay tiêm nào có chứa vaccin phòng bệnh bại liệt thì sẽ được uống vaccin bại liệt.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Nguồn tham khảo: tiemchung.gov; vncdc.gov

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan