Phát triển nhận thức, vận động của trẻ sinh non từ 0-18 tháng tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cách con bạn chơi, học, nói, hành động và di chuyển cung cấp những bằng chứng quan trọng về sự phát triển nhận thức, vận động của con bạn. Các mốc phát triển là điều mà hầu hết trẻ em có thể làm được ở một độ tuổi nhất định. Ở trẻ sinh non từ 0-18 tháng tuổi có các mốc phát triển nhận thức, vận động khác trẻ sinh thường. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích và cùng tìm hiểu về việc phát triển nhận thức, vận động của trẻ sinh non từ 0-18 tháng tuổi.

1. Thế nào là trẻ sinh non?

Trẻ sinh non là những đứa trẻ chào đời khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ. So với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh như chậm phát triển tâm thần, bại não, khiếm thị và khiếm thính cao hơn. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc các bệnh lý hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe càng cao.

Trẻ sinh non thường có hai cách tính tuổi:

  • Tuổi theo thời gian: Tuổi theo thời gian là tuổi của trẻ kể từ ngày được sinh ra tính theo số ngày, số tuần hoặc số năm tuổi của bé.
  • Tuổi điều chỉnh: Tuổi điều chỉnh là tuổi của trẻ tính theo ngày sinh dự sinh. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ sử dụng độ tuổi này khi đánh giá sự phát triển của trẻ. Vì vậy, nếu một em bé mới 6 tháng tuổi nhưng được sinh ra sớm hai tháng thì tuổi điều chỉnh của bé là 4 tháng tuổi.

Hầu hết trẻ sinh non sẽ có thể “bắt kịp” sự phát triển, trong vòng hai đến ba năm. Sau đó, mọi sự khác biệt về kích thước hoặc sự phát triển so với những bé khác có thể là do những sự khác biệt mang tính chất cá nhân từ trẻ thay vì do sinh non. Một số trẻ sơ sinh rất nhỏ mất nhiều thời gian hơn để bắt kịp sự phát triển của những trẻ khác.

bé sinh non có cần tiêm cúm không
Trẻ sinh non cần hai đến ba năm để theo kịp sự phát triển

2. Các cột mốc phát triển trong 18 tháng đầu của trẻ bình thường

Bằng cách hiểu các độ tuổi và giai đoạn phát triển bình thường của trẻ, các bậc cha mẹ có thể theo dõi sự tiến triển của trẻ sơ sinh và sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Điều quan trọng nhất là không được bỏ qua các trường hợp chậm phát triển, dù chỉ là thể nhẹ.

Một số trẻ chậm phát triển có thể bỏ qua một số bước trong quy trình học tập bình thường, ví dụ trẻ có thể học chữ A, sau đó học chữ C và bỏ qua chữ B. Những lỗ hổng trong học tập này có thể ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến việc học sau này nhưng cần được nhận biết và đánh giá sớm. Bởi quá trình học tập của trẻ phát triển giống như xây một ngôi nhà, khi đó những nền tảng kiến thức vững chắc lúc đầu là rất cần thiết.

Các giai đoạn phát triển trong 18 tháng đầu của một đứa trẻ bình thường được trình bày ngay sau đây sẽ là thước đo để các bậc cha mẹ đối chiếu và phát hiện những bất thường nếu có trong giai đoạn phát triển của con mình:

  • Một tháng đầu: Trong vòng một tháng đầu tiên, trẻ có thể nâng đầu trong vài giây khi nằm sấp. Bàn tay thường nắm chặt với nhau và đóng mở ngẫu nhiên, có xu hướng đưa tay lên miệng. Thời gian này trẻ cũng ảnh hưởng bởi các yếu tố kích thích bên ngoài và nhìn chằm chằm vào các vật thể hoặc nơi có ánh sáng.

Trẻ một tháng tuổi bắt đầu biết xử lý cảm nhận từ các giác quan và đưa ra những phản xạ với môi trường xung quanh. Trẻ cũng biết khóc để thu hút sự chú ý của người lớn và đòi hỏi nhu cầu cho bản thân, thích thú khi được chơi cùng và trò chuyện.

  • Trẻ 3 tháng tuổi: Trẻ 3 tháng tuổi đã có thể kiểm soát đầu khá tốt đi kèm với việc sử dụng thành thạo chân và tay. Trẻ bắt đầu nhận ra những chuyển động của cơ thể mình có thể mang lại những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bắt đầu nỗ lực lặp lại một số chuyển động để tạo thành các phản ứng. Biết thay đổi tiếng kêu khác nhau cho những nhu cầu khác nhau. Dễ dàng mỉm cười một cách tự phát
  • Trẻ 6 tháng tuổi: Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể tự ngồi mà không cần sự hỗ trợ của cha mẹ hay người chăm sóc trẻ. Sử dụng tay thành thạo để cầm, nắm, ném và di chuyển đồ chơi. Bắt đầu bắt chước những hành động mà bản thân trẻ cảm thấy thú vị, tăng hứng thú với môi trường xung quanh và trở nên hiếu động. Trẻ có những nhận thức ban đầu về người lạ và thường mỉm cười khi tự soi mình trong gương.
Chiều cao và cân nặng của trẻ 6 tháng tuổi
Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể tự ngồi mà không cần tới sự giúp đỡ từ bên ngoài

  • Trẻ 9 tháng tuổi: 9 tháng tuổi trẻ đã có thể bò khá nhanh bằng tay và chân. Trẻ cũng có thể thực hiện các động tác tay khó, lấy và bỏ đồ chơi vào thùng một cách thuần thục. Về ngôn ngữ, trẻ bắt đầu biết nói một số từ như “ba”, “ma”, “bà”.... Trẻ trong độ tuổi này cũng gần gũi với cha mẹ hơn và thường sợ sệt mỗi khi gặp người lạ.
  • Trẻ 12 tháng tuổi: Trẻ có thể tự đi bộ mà không cần ai đỡ, sử dụng ngón cái và ngón trỏ thành thục để cầm đồ ăn hoặc thả đồ chơi vào thùng đựng. Bắt đầu biết sử dụng những đồ vật xung quanh đúng mục đích, ví dụ dùng lược để chải đầu. Trẻ 12 tháng tuổi bắt đầu nói được một số âm tiết khó hơn như “mẹ”, chú ý khi được gọi tên. Trẻ khá nhút nhát nhưng cũng thích được chú ý và vui chơi cùng người lớn.
  • Trẻ 18 tháng tuổi: Trẻ 18 tháng tuổi đã có thể đi bộ khá nhanh và vững. Có thể chơi những trò chơi phức tạp hơn. Bắt đầu biết thử và sửa lỗi. Về mặt suy nghĩ, trẻ bắt đầu hiểu những lý luận cơ bản, làm theo các yêu cầu đơn giản và có thể gọi tên từ 2 đến 5 đồ vật quen thuộc. Trẻ cũng có thể bắt chước hành động của người khác một cách tự phát.

3. Phát triển nhận thức và vận động ở trẻ sinh non 0-18 tháng tuổi

Cũng giống như những trẻ sơ sinh đủ tháng, các mốc phát triển của mỗi đứa trẻ sinh non cũng có thể khác nhau. Tuy nhiên vẫn tồn tại những đặc điểm chung, quan trọng xảy ra trong từng mốc thời gian nhất định.

3.1. Trẻ sinh non 2 tháng tuổi

  • Bắt đầu kiểm soát được đầu và cổ của mình
  • Tạo ra những âm thanh như tiếng thủ thỉ, tiếng khóc
  • Cười với mọi người
  • Thừa nhận và xem cha mẹ như người chăm sóc chính của mình
Trẻ 2 tháng biết làm gì
Trẻ sinh non 2 tháng tuổi đã biết cười với mọi người

3.2. Trẻ sinh non 4 tháng tuổi

  • Có thể ngẩng đầu lên và quan sát xung quanh khi nằm sấp
  • Lăn qua lăn lại trên giường
  • Theo dõi khuôn mặt của những người xung quanh và nhìn chằm chằm vào những đồ vật khiến trẻ cảm thấy thú vị

3.3. Trẻ sinh non 6 tháng tuổi

  • Có thể tự ngồi vững mà không cần hỗ trợ
  • Bắt đầu tập bò bằng tay và đầu gối
  • Bắt đầu biết thu thập và bước đầu xử lý thông tin
  • Chăm chú nhìn các món đồ chơi
  • Tò mò về những đồ vật nằm ngoài tầm với
  • Bắt đầu biết nói một số từ ngữ đơn giản như “ba”, “ma”

3.4. Trẻ sinh non 9 tháng

  • Tò mò và khám phá mọi nơi trong nhà
  • Cố gắng bám vào các vật dụng khác để đứng lên
  • Bắt chước hành động của người lớn

3.5. Trẻ sinh non 12 tháng

  • Tiếp tục khám phá thế giới xung quanh
  • Độc lập hơn trong mỗi hành động
  • Sử dụng thuần thục bàn tay để thực hiện các hành động khó
  • Cố gắng bắt chước nói những câu người khác nói
  • Biết sử dụng các cử chi đơn giản để biểu lộ cảm xúc như lắc đầu, gật đầu hoặc vẫy tay chào tạm biệt
  • Khóc khi phải xa bố mẹ
  • Bắt đầu có những món đồ chơi yêu thích như thú nhồi bông hoặc chăn, mền

3.6. Trẻ sinh non 15 tháng

  • Mặc dù chậm hơn trẻ bình thường một chút nhưng trẻ sinh non 15 tháng tuổi đã có thể đi bộ khá vững
  • Trẻ có thể phân loại đồ chơi
  • Nói được một số từ phức tạp hơn
  • Nhìn và chỉ vào những hình ảnh trong sách
  • Thực hiện một số yêu cầu đơn giản của người lớn
Trẻ tập nói
Trẻ sinh non 15 tháng có thể nói được một số từ phức tạp và làm theo người lớn

3.7. Trẻ sinh non 18 tháng

  • Trẻ sinh non 18 tháng đã có thể tập đi bộ lên các bậc cầu thang
  • Bắt đầu biết chạy
  • Kéo hoặc đẩy những chiếc xe đồ chơi
  • Tự cởi quần, áo
  • Tự uống nước và xúc thức ăn
  • Vốn từ vựng dần trở nên phong phú hơn
  • Biết nói và lắc đầu nếu không hài lòng hoặc gật đầu và chỉ vào những thứ trẻ muốn.

Ngay cả với những bé sinh non đã được điều chỉnh độ tuổi, điều quan trọng nhất các bậc cha mẹ cần nhớ là sự phát triển của các bé có thể khác nhau bởi nhiều lý do. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi con của mình chưa đạt được những cột mốc quan trọng trong sự phát triển như những đứa trẻ khác tuy nhiên hầu hết các bé đều sẽ đạt được những mục tiêu phát triển nhất định của mình, kể cả với những đứa trẻ sinh non.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan